Tập luyện các pháp môn Chánh Niệm Tĩnh Giác và Định Niệm Hơi Thở là để quý Phật tử định tỉnh và ngăn ác diệt ác pháp trên thân tâm, nhưng tập luyện kéo dài sẽ bị ức chế. Vậy thì phải có giờ nghỉ. Chính giờ nghỉ là giờ quan trọng. Điểm quan trọng nhất là pháp xả tâm trong giờ nghỉ.
Trong giờ nghỉ, tâm quý Phật tử khởi lên niệm gì, thí dụ muốn nói chuyện, muốn làm cái này cái kia thì nhất định không làm theo nó. Đó là pháp thư giãn Xả Tâm.
Thật sự ra không cần phải tập luyện pháp gì khác mà tối ngày giữ mình là người vô sự, không làm gì hết, cứ ngồi mà xả tâm thôi, niệm gì khởi lên cũng xả hết, riết rồi mình có cái lực khiến cho đủ cả 7 Giác Chi xuất hiện. Cái tâm lúc đầu khởi lên sai bảo mình vậy, sau đó nó không sai bảo được nữa là mình đã phá sạch các dục, tức là thư giãn xả tâm.
Tâm sạch hết các dục, các lậu hoặc thì tâm thanh tịnh. Đó là điều quan trọng nhất của đời người tu tập, Thầy gọi là “Xả tâm”. Còn đức Phật nói là “Đẩy lui chướng ngại pháp”. Thời nào cũng đẩy lui chướng ngại pháp. Tất cả các thời khóa biểu mà đức Phật đã để lại đều nhắc nhở, dạy phải “đẩy lui các chướng ngại pháp”. Cái tâm suy nghĩ, sai sử chính là chướng ngại pháp. Nó làm cho mình không vô sự. Cho nên, phải nhớ giờ thư giãn chính là giờ xả tâm. Quý Phật tử cứ làm lặt vặt, làm cho khuây khoả thì đó là phóng dật.
Cách giữ tâm vô sự, thư giãn thì điểm quan trọng cần biết là mỗi niệm khởi lên đều mang theo tính chất sai bảo mình làm, hoặc không có tính chất sai bảo làm. Quý vị phải nhớ là khi niệm nào sai bảo mình làm gì thì nhất định không làm. Không làm theo niệm tức là li dục. Khi niệm muốn quý vị làm tức là có niệm dục thì nhất định không làm là li dục. Không làm là không bị phóng dật.
Quý vị cần phân biệt niệm dục và niệm “tào lao”. Niệm tào lao là niệm không sai bảo mình làm gì hết. Thí dụ quý vị nhớ bạn bè hay những tư tưởng này kia thì điều đó không quan trọng; chỉ có niệm sai bảo quý vị làm gì thì đó mới là niệm dục.
Trong giờ tập luyện thư giãn, không có niệm gì hết là tốt. Cứ để cho nó không niệm. Còn khi có niệm thì quý vị phải suy xét coi để phân biệt niệm nào là niệm dục. Phải nắm cho vững điều này quý Phật tử mới tập luyện Định Thư Giãn được.
Vừa tập luyện xong Định Niệm Hơi Thở thì qua tập luyện Định Thư Giãn tức là Định Sáng Suốt để có thời gian nghỉ ngơi, tiếp tục tập luyện Chánh Niệm Tĩnh Giác, rồi Định Sáng Suốt lại. Như vậy là tập luyện liên tục, không có nghỉ. Nghỉ là tập luyện Định Sáng Suốt, giữa hai pháp tập luyện kia cần xen Định Sáng Suốt (hay Định Thư Giãn) vào giữa. Cách thức thư giãn không phải dễ thực hành đâu, coi chừng bị ức chế mà không hay.
Thư giãn là nghỉ ngơi, phải để thân và tâm hoàn toàn nghỉ ngơi. Phải tác ý cho nó xả chứ không thì làm như tập luyện mà không có thời gian nghỉ ngơi sẽ đi đến chỗ ức chế tâm. Cứ tác ý thư giãn theo Định Sáng Suốt để không bị kẹt vào các pháp tập luyện khác mà tập cho nó lìa ra khỏi các pháp để nghỉ ngơi. Nghỉ thì ra nghỉ, tập luyện thì ra tập luyện. Thư giãn cũng là tập luyện, không phải nói thư giãn là thư giãn được liền đâu, phải tập luyện.
Định Thư Giãn (hay Định Vô Sự cũng là Định Sáng Suốt) hơi khó vì khi yên lặng thì tâm thường gom vào hơi thở khi ngồi, còn nếu đang đi thì nó lại gom vào bước đi. Làm sao để nó không gom về hai cái đó. Thư giãn thì phải làm như mình không biết tập luyện là gì hết, phải xả ra.
Khi đi thư giãn thì phải nhắc tâm đừng tập trung tâm dưới bước chân mà nhìn cái này cái kia nếu đi trong thất, còn đi ngoài trời thì nhìn cây cối, trời mây. Đừng lưu ý bước chân, đừng lưu ý hơi thở, đi như người vô sự. Thư giãn thì trở về trạng thái như khi không tập luyện gì hết. Tác ý để cơ bắp, thần kinh lơi ra, thư giãn ra. Nói chung thư giãn thì không tập trung trong pháp, phải trở về cái bình thường, không được ở trong ác pháp. Nó sai bảo mình làm gì thì không làm theo, đó là li dục. Chỉ có vậy thôi!
Tóm lại, giai đoạn đầu tiên tập luyện Định Sáng Suốt hay Định Thư Giãn thì quý Phật tử tập trung như thế cho biết để sau này tu tập tới giai đoạn hai là Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ mới dễ. Khi bước qua tu Tứ Niệm Xứ, tức là tập luyện tĩnh giác có nghĩa là “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” thì quý Phật tử ở trên đó mà quét sạch chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp.
Một ngày một đêm mà tu tập như vậy quý Phật tử sẽ ước nguyện cho gia đình được bình an và bệnh tật sẽ được chuyển đổi, khiến cho gia đình được thay đổi đem đến sự yên vui hạnh phúc.
Với một lòng tin vững chắc không gì thay đổi, với một tâm tha thiết tìm cầu sự giải thoát chân thật trong pháp môn của Phật giáo thì quý Phật tử sẽ thấy kết quả giải thoát ngay liền, khiến cho thân tâm vô sự và an lạc. Cuộc sống không còn biết lo lắng, sợ hãi và bận rộn về mọi việc.
Vì thế, quý Phật tử phải cố gắng tu tập như lời Thầy đã dạy Thọ Bát Quan Trai. Thọ Bát Quan Trai là tu thiện pháp, luôn luôn lúc nào cũng ngăn ác và diệt ác pháp để cho cuộc sống lúc nào cũng sanh thiện và tăng thiện pháp. Cho nên, không cần phải tụng niệm, cúng lễ và sám hối niệm hồng danh chư Phật theo các nghi thức ngày xưa của kinh sách phát triển.
Nếu quý vị chuyên cần tu tập và sống đúng giới hạnh thì trong một ngày một đêm quí vị sẽ thấy kết quả giải thoát đau khổ của kiếp người rất rõ ràng và cụ thể.
Nếu biết giới luật Phật có lợi ích không lường thì quý vị nên phát khởi thiện tâm, tu tập rốt ráo, liền được thiện giới thanh tịnh.
Khi tu tập và trau dồi thân tâm như vậy là quý vị đã thực hiện giới thể theo pháp môn bốn định, như Thầy đã dạy ở trên thì chứng quả giải thoát đâu còn xa, chỉ ở trong tầm tay của quý Phật tử. Phải cố gắng lên tu tập để không phí uổng một kiếp làm người.
No comments:
Post a Comment