Thursday, February 22, 2018

BA GIAI ĐOẠN TU TẬP





Bài pháp này do cư sĩ Tâm Thuận đánh máy lại từ bài giảng BA GIAI ĐOẠN TU TẬP (1) thuộc Album Pháp Trung Thiện Thầy Bảo Nguyên giảng, được đăng tại trang Giọt Nắng Chơn Như.

Để đọc hiểu xin các bạn đọc thêm bài kinh Tiểu Kinh Người Chăn Bò - Trung bộ kinh
Các Quả Tu Chứng Trong Phật Giáo mà Thầy Thông Lạc giảng tại sách 37 Phẩm Trợ Đạo.

Bài Ba Giai Đoạn Tu Tập (2)

Kính ghi, 
TXT

Nói đến đây Thầy nhắc lại pháp tu này của Phật để mình hiểu ra. Phật dạy mình tu tập để diệt trừ phiền não tham, sân, si, mạn, nghi gọi là ngăn ác, diệt ác, ly dục ly bất thiện pháp, diệt ngã xả tâm thì có 3 giai đoạn hành pháp. 

Giai đoạn thứ nhất: Tu tập Tầm và Tứ
 
Giai đoạn thứ hai: Không Tầm có Tứ

 
Giai đoạn thứ ba: Không Tầm không Tứ gọi là diệt Tầm, diệt Tứ


Giai đoạn thứ nhất: 
Chúng ta tu tập Tầm và Tứ nghĩa là tâm thức của mình trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp còn những chướng ngại tham ưu nào thì phải tu tập Tầm và Tứ. Những lậu hoặc, triền cái, kiết sử tham, sân, si, mạn, nghi chưa đoạn trừ thì chúng ta hãy tinh tấn, siêng năng tu tập Tầm và Tứ. Tâm đang còn phiền não thì mình hãy nương vào pháp hành này để tu tập, pháp này gọi là Tứ Chánh Cần. Khi tu tập Tứ Niệm xứ giai đoạn thứ nhất là Tứ Chánh Cần.

Tu tập Tầm và Tứ còn có nghĩa là Như Lý Tác Ý, hoặc còn có nghĩa nữa là Quán và Chỉ. Nói chung danh từ thì khác nhau nhưng ý thì giống nhau.

Ví dụ: như trong thân mình có cảm thọ bệnh khổ thì phải hiểu rằng: “Cảm thọ bệnh khổ này là vô thường, bây giờ nó đau mai mốt nó hết đau”. Khi mình hiểu ra sự thật thọ là vô thường như vậy gọi là Tầm. Và khi mình (tầm được), hiểu được thì mình hướng tâm đến xả nó, không chấp giữ nó thì tâm đó là bất tử, là Niết-bàn. Giai đoạn thứ nhất chúng ta tu tập Tầm và Tứ là như vậy, giai đoạn này quan trọng lắm, vô cùng quan trọng. Chúng ta hết phiền não, hết lậu hoặc triền cái tham, sân, si, mạn, nghi hay không là ở giai đoạn này.

Giai đoạn này chúng ta tu tập bình thường, đừng có ức chế cái gì trên tâm thức. Tâm này có tham biết tâm có tham, sân biết tâm có sân. Tâm mình đang phiền não điều gì mình phải thành thật chánh niệm biết nó, và khi biết nó mình phải quán: “Tham này là khổ, sân này là khổ, nó làm hại mình hại người”. Khi biết như vậy mình xấu hổ nó, sợ hãi nó, hướng tâm đến tác ý dừng nó lại thì nghiệp tham, sân, si này mới muội lược, mới giảm dần và đưa đến đoạn diệt.

Giai đoạn này quan trọng lắm, có điều là chúng ta có kịp chánh niệm hay không. Thông thường chúng ta không kịp chánh niệm nó. Thường chúng ta sống tiếp giao với mọi người, nếu tâm mình chưa có định mà sống tiếp giao với cảnh động là không bao giờ mình kịp chánh niệm được, ngăn và diệt ác pháp được. Đây là sự thật!

Chính vì lý do đó mà đức Phật dạy cho các đệ tử của Ngài tu tập hướng đến ngăn và diệt ác pháp là giai đoạn sống trầm lặng độc cư thì lúc này mình mới phản tỉnh lại chính mình, mình thấy mình rõ lắm. Lúc này mình mới ngăn và diệt những phiền não trong tâm thì dần dần mới có định. Có định rồi, có năng lực định rồi thì khi mình tiếp giao với mọi người mà ác pháp nào tác động là định ngay liền, chánh niệm ngay liền. Như vậy người này còn phóng dật, còn phiền não với ai được không? Không còn nữa!

Thầy thấy mọi người từ nào giờ nghe pháp đã nhiều, nghe hiểu nhưng chưa có hành, chưa có sống độc cư, chưa có sống một mình, chưa có tự kiểm điểm, chưa có như lý tác ý, chưa có tầm tứ nơi mình, chưa có biết xấu hổ, sợ hãi cái tâm phiền não đang xảy ra. Hầu hết là bị triền cái che mờ, không thấy ra những triền cái tham, sân, si thì mình đâu biết mà xấu hổ. Hầu hết mọi người bị cuốn theo dòng thác nghiệp, cuốn theo nhân tình thế thái, thành bại, thiệt hơn mà sinh ra phiền não. Tâm đó là do triền cái ngăn che.

Hiện nay Thầy rất là thương mọi người, vì mọi người nghe pháp mà chưa có hành, đang còn bị triền cái kiết sử nó cuốn đi. Trong kinh Phật gọi là bộc lưu. Bộc lưu là dòng thác, mình đang sống trong dòng thác của nghiệp tham, sân, si, mạn, nghi. Chính dòng thác nghiệp này nó cuốn mình đi, mình không làm chủ được. Nhiều lúc mình nhận thấy mình sai chứ, nếu còn chánh niệm tỉnh giác mà kịp sửa sai thì nó còn tu tập. Nhưng có người mất không tỉnh giác ra, bị cuốn theo luôn. Khi bị cuốn theo rồi, được Thầy nhắc nhở mới tỉnh ra, Thầy rầy, Thầy la mới tỉnh ra. Nếu không có Thầy rầy, Thầy la là chìm luôn, bị chìm mất luôn. 
Cho nên đức Phật dạy: 
“Nếu được bậc hiền trí
Chỉ lỗi và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng.

Đến đây chúng ta mới thấy được lời khiển trách của bậc hiền trí để mình kịp nhìn ra cái sai của mình để tự xấu hổ, biết buông xả thì lúc này mới đnh được, mới giải thoát được, mới dừng lại nghiệp của mình được. Còn bằng không thì sao? Bị cuốn đi nhiều lắm! Chính vì vậy mà Thầy nghĩ rằng trách nhiệm của Thầy còn nặng lắm, Thầy còn khổ với đệ tử nhiều lắm. Không rầy thì sợ đệ tử bị dòng thác của nghiệp cuốn đi, bây giờ bỏ mặc đâu có được, phải rầy la. Mà Thầy thì không muốn rầy la ai hết, rầy la thì người ta khổ, người ta phiền. Thầy cũng trắc ẩn lắm chứ, lòng Thầy đâu muốn để cho người ta khổ, nhưng mà cũng phải rầy, phải la, phải nhắc nhở.

Tự trong lòng Thầy có nhiều cái khó. Ngày xưa phật tử mình làm cha, làm mẹ có cái khó với con cái chỉ một thôi. Với Thầy thì sao? Khó hơn gấp trăm, gấp ngàn lần. Bởi vì tâm Thầy giải thoát, Thầy không nỡ làm ai khổ được. Nói ra, nếu mà người biết tu thì còn đỡ, người không biết tu thì giận Thầy, hờn Thầy thì Thầy đâu có an lòng. Nó khó là như vậy.

Cho nên làm sao chúng ta phải nhận ra được điều này. Giai đoạn thứ nhất mình tu tập Tầm và Tứ, giai đoạn này quan trọng, quyết định cho sự nghiệp tu hành của chúng ta. Giai đoạn này nó quan trọng lắm, chúng ta phải thử thách chiến thắng với mình, Phật gọi là chiến thắng ma quân. Trong hai năm độc cư Thầy vất vả cái này, Thầy hiểu rõ lắm. Hiện nay trong phật tử chúng ta cũng còn tu tập giai đoạn đầu mình chưa có độc cư, ai độc cư rồi mới hiểu.

Sống một mình như Phật là không có làm gì hết, không có điện thoại, không có tiếp giao, không có làm bất cứ cái gì mà chỉ ngồi chơi thôi. Vậy nhưng đâu phải dễ. Sống một mình để phản tỉnh lại chính mình để nhìn nhận từng phút giây hiện tại, các phiền não nào còn tác động thì phải Tầm Tứ, phải xả liền. Việc làm này là một việc làm chiến thắng với giặc sinh tử của mình, không phải đơn giản được. Hiện nay phật tử chúng ta chỉ sống giai đoạn đạo đức nhân bản nhân quả, làm sao mình phải quán triệt, phải thông suốt giai đoạn thứ nhất để khi tiếp giao với mọi người, mình phải tự phản tỉnh lại tất cả những hành vi, suy nghĩ của mình đúng theo lời Phật dạy thì mới biết dừng lại các nghiệp nhân quả. Một khi có chuyện gì xảy ra thì mình phải kịp chánh niệm tỉnh giác, như lý tác ý điều Phật dạy để mình biết dừng lại các nghiệp nó đang cuốn mình đi. Đó là tinh tấn lực. Phần thứ 2 trong Ngũ căn, Ngũ lực đức Phật gọi là Tấn lực.

Đầu tiên là Tín căn và Tín lực. Tín căn là mình giác ngộ được Chánh pháp của Phật, ngay hiện tại này mình biết buông xả hết các hành nhân quả xấu tốt, được thua. Mình không có thiên chấp về cái gì hết, mình có trách nhiệm làm thôi, mình không đòi hỏi cái việc này thành công hoặc sợ thất bại, mình hãy vô ngã cái khái niệm đó đi. Một khi mình hiểu, mình không còn chấp giữa hai khái niệm đó nữa mong thành công hoặc sợ thất bại, mình xả hết không thiên chấp về hai khái niệm đó thì tâm đó là Niết Bàn, tâm đó là Diệt đế. Khi mình hiểu ra như vậy là mình có được Tín căn. Tín căn là mình giác ngộ được pháp Diệt đế, pháp bất tử, pháp không còn sinh tử.

Không sinh tử nghĩa là gì? Được cũng không có mừng, thất bại cũng không có buồn. Đó là không còn sinh tử! Được mà mừng, thất bại mà buồn, tâm đó là còn sinh tử, nó còn đến và đi, nó còn sinh và diệt. Tâm mình nó còn buồn thương, giận ghét trước các nhân tình thế thái, trước các thành bại, nó còn dao động trước các nhân quả này. Tâm đó là còn sinh tử, tâm đó là chưa bất tử được, tâm đó là còn phóng dật. Trong kinh Phật gọi là Phóng dật. Phóng dật là mình bị dao động, xuôi theo các hành nghiệp nhân quả, mình không có bất động nó được, tâm đó là phóng dật. Cho nên mình hiểu được các pháp là vô thường, nhân quả tự sinh tự diệt không có gì là ta, là của ta hết. Dù thành công hay thất bại thì cuối cùng cũng: tất cả đều là vô thường, hoại diệt.

Chỉ cần mình có lòng tin hướng tâm về sự thật các pháp sinh diệt thì ngay đó mọi phiền não được thua, thành công hay thất bại có còn trong tâm ta không? Hết liền! Đó gọi là Tấn lực. Tấn lực là siêng năng ngay hiện tại này lúc nào cũng nhớ lời Phật dạy về pháp bất tử đó, bất cứ mọi nhân quả xấu tốt nào xảy ra mình siêng năng nhớ lời Phật dạy, chánh niệm lời Phật dạy trong tâm. Tâm mình nó vừa giận ai, phiền ai thì tác ý liền: “thôi hỷ xả đi, tha thứ đi” thì nó còn giận không? Hết giận. Đó là Tấn lực. Nếu không có Tấn lực thì chúng ta không thể diệt phiền não được. Cho nên giai đoạn Tứ Chánh Cần, chánh tinh tấn, tinh tấn lực quan trọng lắm. Mình muốn hết phiền não, chấm dứt nhân sinh tử luân hồi là nhờ Tinh tấn lực này. Vì vậy Phật dạy:“Nếu tâm mình còn phiền não tham, sân, si thì gánh nặng thiện pháp phải giữ gìn, chớ từ bỏ gánh nặng thiện pháp”.

Gánh nặng thiện pháp là gì? Là từ, bi, hỷ, xả. Dù người ta có chửi mắng mình, xúc phạm mình đến đâu mình cũng hoan hỷ, hỷ xả. Đó là gánh nặng thiện pháp. Khi mình sống với pháp bất tử này thì không có đổ thừa cho ai hết, là tại người này, tại người kia, nó còn tại là bởi còn than thân trách phận, còn sống trong nghiệp thức. Cho nên Phật nói gánh nặng thiện pháp là như vậy, mình chấp nhận gánh nặng thiện pháp để vượt qua dòng thác nghiệp này. Mình xem Bát Chánh Đạo, các pháp hành trợ đạo của Phật là gánh nặng thiện pháp, nó là con thuyền đưa mình vượt được biển nghiệp sinh tử qua bờ bên kia. Mình phải đối diện mọi sự thật, mọi ác pháp nhân quả đến mà không than phiền bất cứ điều gì, còn than phiền là nó còn chìm xuống.

Đức Phật dạy: “Bước tới thì trôi dạt, đứng lại chìm xuống, chỉ có vượt qua”. Hãy nương vào gánh nặng thiện pháp của Phật để mà vượt qua. Đã vượt qua thì không than phiền, không than phiền bất cứ điều gì. Không than khổ, không than khó khăn, chuyện gì tốt mình cứ làm, làm bằng tâm hỷ xả, vô ngã thì lòng mình không có khổ gì hết. Đức Phật dạy mình hãy giữ gìn gánh nặng thiện pháp để mình chiến thắng giặc sinh tử này. Giai đoạn này là tu tập Tầm và Tứ.

Giai đoạn thứ hai: 

Khi mình diệt hết những phiền não tham, sân, si, mạn, nghi trong lòng thì không còn tu tập Tầm nữa. Nghĩa là mình không cần phải tư duy hiểu về vấn đề đó nữa, mà mình chỉ còn Tứ, diệt Tầm mà giữ Tứ.

Ví dụ như trước đây tâm ta một khi nhớ chuyện vui buồn gì trong quá khứ khiến tâm mình dao động thì lúc đó mình Tầm, mình triển khai tri kiến giải thoát để xả những triền cái dao động. Và khi mình xả hết rồi, tâm không còn tham, sân, si, tâm đã bất động rồi thì đến đây mình không còn tu tập Tầm nữa mà chỉ Tứ thôi. Nghĩa là bây giờ cái niệm này tiếp tục khởi ra những chuyện vui buồn gì trong quá khứ nó vẫn còn tác động, nó vẫn còn tái hiện lại các hành nghiệp trước đây của mình. Nhưng khi nó hiện lại những cảnh đó thì trong tâm mình không còn dao động nữa, không còn phiền não nữa. Lúc này mình chỉ nhắc: “Thôi ta biết rồi, ta hiểu rồi”. Đó là Tác ý, là Tứ đó.

Tứ là gì? Là mình dẫn tâm về pháp bất tử, mình hiểu hết mọi sự thật nhân quả rồi: “Nhân quả này vô thường hợp và tan, ta biết rồi, ta hiểu rồi”. Đến đây chỉ dẫn tâm để mình Tứ thôi, không cần phải quán, không cần phải tìm hiểu, phải tư duy về vấn đề gì nữa. Chỉ cần hướng tâm mình nhớ về sự thật những gì mình hiểu, những gì mình tu, đó là Tứ đó.

Phật tử: Thưa Thầy cho con hỏi, như Thầy nói, lúc đấy mình không còn tu tập Tầm nữa, mà chỉ Tứ thôi thì lúc ấy là Tâm mình đã ly dục ly ác pháp rồi hay là nó mới chỉ lắng xuống thôi?

Giai đoạn tu Tứ chỉ khắc phục những chướng ngại nào tác động đến thân của ta. Mặc dù tâm mình không còn phiền não, không còn tham, sân, si, mạn, nghi nhưng mà tất cả ác pháp nó còn tác động đến thân này thì mình chỉ Tứ thôi. Trước đó mình tu tập Tầm và Tứ để diệt trừ những tâm đau khổ, tâm phiền não, tâm buồn phiền, tâm lo lắng. Diệt sạch hết những cái đó là tâm định. Định là nó dừng lại hết, nó ngăn diệt những triền cái tham, sân, si, mạn, nghi, tâm trạo cử, tâm phóng dật, tâm lo lắng nó diệt hết rồi, nó thuộc về phần Tâm. Tầm là thuộc về phần Tâm, nó diệt hết những phiền não trong tâm của ta.

Phần thứ hai là Tứ. Tứ là trên thân này còn cảm thọ tham ưu với thân nhưng tâm mình không còn khổ bởi những cảm thọ này. Như đức Phật khi có những cảm thọ bệnh, vì tâm Ngài không còn phiền não tham, sân, si nên Ngài không phải Tầm, không phải quán để xả nó nữa, mà chỉ Tứ thôi. Lúc này, như Ngài dạy: “Ta chú tâm chánh niệm tỉnh giác, nhiếp phục, kham nhẫn vượt qua nó” thì một lát cảm thọ này nó hết. Đó là Tứ.

Tứ là gì? Là Ngài dẫn tâm đến biết rằng: “Thọ này là vô thường tự sinh tự diệt, mình hãy kham nhẫn”. Ngài dẫn tâm đến sự hiểu biết rồi.

Thầy ví dụ trường hợp này: Như trước đây mình đi học, lúc mới học Toán mình phải tính đúng phép của nó: cộng, trừ, nhân, chia như thế nào, phải làm sao. Khi học nó rành mạch rồi, thông suốt rồi, hiểu rồi thì từ nay mình còn học nữa không? Nhưng bất cứ con số gì được đưa ra là mình tính cộng, trừ, nhân, chia tự nó biết ngay, như 2 x 2 = 4; 2 – 2 = 0 liền. Đó là Tứ.

Tứ là mình dẫn tâm đến kết quả những gì mình đã học rồi, bây giờ mình không học nữa mà mình chỉ dẫn tâm đến cái thành tựu những điều gì mình đã học, mình đã biết. Mình chỉ dẫn tâm đến đó là nó hiểu ngay, khi hiểu là nó xả ngay liền không còn phải bận tâm tính toán tư duy như thế này hay như thế kia nữa, nó không còn phải học nữa. Tu tập Tứ là như vậy.

Giai đoạn chúng ta tu tập Tầm là mình còn học pháp thì phải thân cận bậc thiện hữu tri thức, phải nghe vi diệu pháp, phải tích tập. Khi mình nghe, mình hiểu để có lòng tin. Khi có lòng tin thì mình nương các pháp này để Như Lý Tác Ý mình ngăn, mình diệt các phiền não trong tâm. Giai đoạn Tứ là như vậy, là mình dẫn tâm về sự thật pháp bất tử, cái chân lý Diệt đế đó để tâm mình không còn phiền não, không còn dao động.

Giai đoạn thứ ba: 

Tu tập diệt Tầm, diệt Tứ (gọi là không Tầm, không Tứ). Đến đây mới dẫn tâm về pháp bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Phần thứ ba chúng ta mới tu pháp bất động thanh thản an lạc vô sự được. Còn bây giờ mình chưa diệt phiền não tham, sân, si, mạn, nghi mà mình cứ tác ý tâm bất động thanh thản an lạc vô sự là ức chế hết, là tu tập dậm chân tại chỗ, nguy hiểm lắm.

Phần thứ ba Phật dạy diệt Tầm, diệt Tứ còn gọi là không Tầm không Tứ, nghĩa là đến đây mọi phiền não tham, sân, si, mạn, nghi trong lòng chúng ta đã diệt hết rồi thì mình không còn phải quán, phải tác ý gì nữa, không còn Quán và Chỉ mà chỉ còn tâm bất động thôi. Đến đây mình chỉ hướng về bất động, còn gọi là vô tướng tâm giải thoát hoặc bất động tâm định.

Phật tử: Vậy nếu đang tu diệt Tầm, diệt Tứ thì cái đấy là trạng thái không còn Ý thức ạ?

Không còn Ý thức. Cho nên khi mình tu theo pháp Phật thì phải hiểu ra ba giai đoạn này. Nếu trong phật tử ai có tu rồi thì nói ra mình hiểu rõ lắm.

Giai đoạn thứ nhất mình tu tập Tầm và Tứ để hàng ngày mình tự kiểm điểm lại mình, phản tỉnh lại mình, chánh niệm lại mình để xả mọi phiền não tham, sân, si, mạn, nghi để tâm mình thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh không còn tham, sân, si, mạn, nghi thì tâm đó là định.

Khi có định rồi mình mới tu tập Tứ, đến đây mới Tứ được. Khi nào trên thân, trên tâm này nó không còn triền cái, không còn kiết sử nữa thì mình mới dừng Tầm, Tứ. Còn bây giờ chưa hết phiền não, chưa hết trạo cử, còn phóng dật, còn dao động là Tầm Tứ phải còn, gánh nặng thiện pháp phải còn, chớ có từ bỏ gánh nặng thiện pháp. Mình mà từ bỏ gánh nặng thiện pháp là phiền não sẽ lôi mình đi, giận người này, nạt người kia, la người nọ liền, nó kéo mình đi liền đó.

Cho nên giai đoạn thứ nhất nó khó cho chúng ta là như vậy, và khi mình vượt qua cái cửa ải này rồi thì khỏe lắm. Đến đây tâm mình nó định tĩnh, nhu nhuyến dễ sử dụng, vô cùng vi diệu, nó vi diệu lắm. Nghĩa là tâm mình dù bất cứ một ác pháp nào xảy ra nó định ngay liền, khi định là nó Tứ: “À ta hiểu rồi, ta biết rồi” và dừng ngay liền, định tức thời, đó là Chánh Định.

Chánh Định là gì? Là nó sống ngay hiện tại trên tâm mình dù bất cứ một giặc phiền não nào xảy ra là nó định ngay. Khi tâm định thì nó hiểu: “Nhân quả là vô thường, hợp và tan”. Hiểu như vậy nó hướng đến xả ly, tâm đó là bất tử, là Niết-bàn.

Hiện nay mọi người chưa sống trong định, tâm mình còn đang sống ngoài định, chưa có định tĩnh nhu nhuyến dễ sử dụng. Vì vậy mà tâm cứ phiền não, dao động miết. Cho nên một người giải thoát rồi đỡ lắm, tâm định tĩnh nhu nhuyến dễ sử dụng thì khỏe lắm, không ai làm cho mình dao động được vì tất cả những cái gì tác động là nó định ngay liền, chánh niệm liền. Và khi định thì hướng tâm đến xả ly liền, tâm đó là Diệt đế, là Niết-bàn, nó tức thời, nhanh thức thời.

Phật tử: Vậy thì khi nào mình biết mình tu xong, thưa Thầy?

Thì nãy giờ Thầy nói rồi, có ba giai đoạn đó, nó hay lắm, lúc này là nó tự biết. Giống như mình uống nước thì cảm giác của nước thấy liền tức khắc, tự mình biết à. Pháp này đức Phật dạy, mình hành đến đâu, mình giải thoát là mình biết được.

Phật tử: Vậy bây giờ mình tu xong là mình biết mình tu xong ạ?

Biết chứ, lúc này tự mình biết thôi chứ không có ai nhìn mình mà biết, người ta chỉ biết mình tu xong ở chỗ: người ta chửi mình nhưng tâm mình hiền khô, mình không buồn, không giận, không cãi cọ với ai hết thì biết là mình chứng rồi.

Đức Phật dạy muốn biết vị nào tu chứng có ba phần:

Thứ nhất, vị này sống đầy đủ giới hạnh, không còn phiền não tham, sân, si.

Thứ hai, vị này có thánh lý, nghĩa là vị này có được trí tuệ, vị này thông suốt hiểu rõ về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và pháp Bất tử.

Thứ ba, vị này có lòng tin bất động vào Phật, Pháp, Tăng, vị này không còn dao động, không còn sợ hãi điều gì, lòng tin vị này là bất thối chuyển.

Muốn biết vị nào giải thoát hay không là quan sát đời sống vị đó. Vị nào thật sự giải thoát rồi thì không còn hơn thua, không còn đối đãi, không còn phiền não, tâm như cục đất, như vậy là vị này chứng đạo rồi. Bây giờ đi tìm một người như vậy khó lắm. Một khi mình chứng thì tự mình biết thôi, và để biết mình chứng hay chưa thì phải thân cận bậc thiện hữu tri thức sẽ rõ hết; tại vì các ngài hiểu rõ mình lắm, các Ngài giúp cho thì mình nhận thấy: “À, mình chưa có chứng được gì cả”. Trước đây mình từng nói: “À, tôi an lạc lắm, khỏe lắm, không còn gì cả”. Nhưng khi đụng chuyện rồi thì phiền não, phóng dật, trạo cử dao động đùng đùng, lúc này cần gặp bậc thiện hữu tri thức thưa hỏi để Ngài khai thị cho mình.

Người mà còn tham, sân, si, mạn, nghi là tâm của họ không định được. Tâm còn gốc tham, sân, si, mạn, nghi, rồi khi họ sống tiếp giao với mọi người mà gặp cảnh gì bức xúc xảy ra là phiền não ngay liền. Họ đau khổ, sợ hãi, bất an, hơn thua, nói chung là đủ thứ xấu diễn ra trong tâm.

Còn người mà có định thì dù bất cứ chuyện gì xảy ra tâm cũng bất động. Đến đây Phật nói là tâm định tĩnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng, nó nhìn mọi sự thật gì bằng tri kiến giải thoát. Khi tâm hiểu biết bằng tri kiến giải thoát là hướng tâm đến xả ngay liền.

Ví dụ như trong tâm của Thầy bây giờ, mặc dù chuyện này chuyện kia xảy ra, mà khi nó xảy ra như vậy thì trong tâm Thầy hướng đến xả: “Thôi, đó là nhân quả, xấu tốt cũng là vô thường, cái gì vô thường thì tự sinh, tự diệt, đâu có gì đâu”. Ngay đó là tâm Thầy còn lo lắng gì không? Hết ngay liền.

Phật tử: Nhưng con vẫn lo. (Cười!!!)

Phật tử lo là phật tử chịu, ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Thầy đâu tu giùm cho ai được.

Phật tử: Như vậy khó khăn nhất là giai đoạn một. Đối với người tu sĩ con thấy cũng khó khăn, chứ chưa nói đến người cư sĩ. Con muốn hỏi những người đã tu tập 1 năm, 3 năm, 5 năm chưa qua được giai đoạn một thì nên thế nào? Lúc đấy có tiếp tục đi nữa hay là có thể chuyển?

Trong bài kinh “Người chăn bò” (đức Phật dạy có 5 hạng tỳ-kheo tu tập) phật tử có nhớ không? Mình dựa theo bài kinh này là biết mình tu giai đoạn nào thôi. Sức mình tu giai đoạn 1 không được thì tu giai đoạn 2, giai đoạn 2 không được thì tu giai đoạn 3, giai đoạn 3 không được thì tu giai đoạn 4, giai đoạn 4 không được thì tu giai đoạn 5. Đức Phật không có ép mình phải tu cao đâu.

Phật tử: Nếu vậy thì cuối cùng đều qua sông được hết ạ?

Đều qua sông hết. Cho nên mọi người có các hành nghiệp nhân quả khác nhau, và sức tu khác nhau, trí tuệ cũng khác nhau và con đường đến Niết-bàn là do Lòng tin mình giác ngộ được pháp Bất tử, Diệt đế, Niết bàn.

Người tu giai đoạn thứ nhất mà chứng rồi thì khỏe lắm, bây giờ bất cứ một nhân quả gì xảy ra tâm của họ đều xem bình thường hết, nó nhẹ nhàng như hư không. Đức Phật nói: “Ta luôn an trú không, nay an trú không nhiều hơn” là như vậy.

Đó là những bậc ở giai đoạn thứ nhất. Còn mình chưa có giai đoạn thứ nhất thì giai đoạn thứ hai, mặc dù nó còn có dao động chút xíu nhưng một phút sau nó tan thì nó cũng là giải thoát rồi. Người tu giai đoạn 3: nó chưa tan liền, có thể là một tiếng, hai tiếng nó mới tan.
Người tu giai đoạn 4: thì chắc tuần, tháng gì đó nó mới hết.

Người tu giai đoạn 5: nó chưa có hết gì hết. Nó còn nguyên luôn, nó chưa tan gì hết, tham, sân, si còn một cục.

Phật tử: Vậy là dòng thời gian cận tử nghiệp tới nó kéo luôn?

Cận tử nghiệp đến thì mình có Lòng Tin, có lòng tin vào pháp Bất tử. Nếu ngay hiện tại này mình biết kham nhẫn, biết nương vào pháp hành trợ đạo của Phật: “Thôi mình hãy hỉ xả nó, hãy kham nhẫn vượt qua nó, mình không nên phiền não nó”, chỉ cần mình tác ý về pháp bất tử đó thì ngay đó cũng vào Niết-bàn, dù mình chưa đoạn trừ tham, sân, si, mạn, nghi, nó chưa có diệt sạch nhưng mà cũng vào Niết-bàn.

Trên tâm này có lý bất tử, lý Diệt đế thì mình hướng tâm về cái lý bất tử đó, bất động đó, hãy kham nhẫn vượt qua thì ngay sát na cận tử nghiệp đó còn không? Diệt liền. Ngay giờ phút hiện tại đó mà mình chánh niệm tỉnh giác, mình dẫn tâm về pháp bất tử đó, dù nhân quả nào đang tác động mình cũng kham nhẫn vượt qua, kham nhẫn những điều khó nhẫn để mình chiến thắng giặc sinh tử đến hơi thở cuối cùng thì ngay đó mình vào Niết-bàn luôn. Nhưng mà phải hộ trì cho chắc, sơ sẩy chút xíu là té liền, rớt xuống liền là chìm luôn đó.

Phật dạy: “Con bò nghé nó cứ nương vào mẹ, bám theo mẹ mà đi qua bờ bên kia”. Nghĩa là mình nương vào pháp bất tử của Phật cho đến hơi thở cuối cùng thì khi thân này hoại diệt mình cũng vào Niết-bàn.

Phật tử: Như vậy là Thầy dạy giai đoạn thứ nhất tu tập Tầm Tứ, giai đoạn hai diệt Tầm giữ Tứ, giai đoạn ba diệt Tầm diệt Tứ. Giai đoạn giữ Tứ con hiểu Tứ là Tác ý. Tác ý ở đây con thấy có hai hướng. Một là tác ý bằng trí tuệ, bằng lời. Hai là tác ý bằng hành động (thân), ví dụ lời tác ý bằng hành động như Trưởng lão dạy: “Nhón gót lên, dơ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống”. Đây là để ra lệnh cho cái thân. Còn Thầy dạy là tác ý về giác sát, nói là: “Thôi vấn đề này như thế này, như thế kia...”. Hai pháp đó đều tạo năng lực của ý thức thì thực hành hai tác ý song hành nhau hay mình có thể không cần thiết một pháp nào?

Tác ý đó nó kham nhẫn vượt qua cảm thọ nhất thời thôi, ví dụ như Phật nói: khi một cảm thọ đau khốc liệt, chết điếng thì lúc này mình chú ý chú tâm đưa lưỡi lên nóc họng, cắn răng để mình nhiếp phục cảm thọ đau này, để mình chiến thắng vượt qua cảm thọ đau. Phương pháp thân hành niệm ấy của Trưởng lão dạy cũng như thế: Khi mình có cảm thọ đau thì tập trung từng động tác, ý thức từng động tác để mình kham nhẫn đừng để tâm mình dao động phiền não trước cảm thọ. Cuối cùng thân hành niệm này nhằm để chế ngự, nhiếp phục tham ưu của thân thôi. Vì vậy thân hành niệm có mấy phần là:

Thân hành niệm của tâm: là những tâm triền cái tham, sân, si, mạn, nghi, gọi là “Quán tâm trên tâm để khắc phục tham ưu”. Khi mình quán để xả những tham ưu triền cái trong tâm mình đó là thân hành niệm (của tâm).

Còn thân hành hiệm của thân: là cảm thọ, thọ khổ của thân. Khi có thọ khổ của thân thì mình tác ý tâm làm sao được. Phải dùng thân gọi là thân hành niệm của thân. Đến đây Trưởng lão dạy mình dơ chân lên, hạ chân xuống, đặt gót xuống thì mình cứ chú ý chánh niệm trên thân hành để mình không dao động phiền não cảm thọ này mà chế ngự nó. (Dùng thân để chế ngự thân vượt qua cảm thọ này). Thân hành niệm của thân để diệt phiền não trên khổ thọ của thân thì nó cũng tạo ra lực của ý thức, ý thức này hành động trên thân là tạo thành lực hết. Cho nên Phật nói khi có cảm thọ đau chết điếng, khốc liệt mình phải cắn răng kham nhẫn vượt qua nó, đó là một trạng thái thân hành niệm của thân.

Còn thân hành niệm của tâm: “Quán tâm trên tâm để khắc phục tham ưu” để mình xả các triền cái, các kiết sử trong tâm còn gọi là khắc phục tham ưu. “Quán thân trên thân để khắc phục tham ưu” thì trong cái thân này là gì? Là ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nó còn chấp thân nào thì mình quán: Thân này là bất tịnh, là bệnh tật, ung nhọt, là vô thường vô ngã; mình cứ quán nó để tâm mình không phiền não, đó là quán thân trên thân để khắc phục tham ưu. Và khi mình đã thanh tịnh rồi, thì lúc này các phiền não không còn nữa, đến đây mình không quán gì nữa. Không còn Tầm và Tứ luôn mà chỉ dẫn tâm đến pháp bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tu tập giai đoạn ba chúng ta mới tu pháp bất động thanh thản an lạc vô sự được. Còn bây giờ mình chưa diệt phiền não tham, sân, si, mạn, nghi mà mình tác ý: tâm bất động thanh thản an lạc vô sự là ức chế hết, tu như vậy sẽ dậm chân tại chỗ, nguy hiểm lắm. Giai đoạn ba này Phật dạy là không Tầm không Tứ. Nghĩa là đến đây mọi phiền não tham, sân, si, mạn, nghi trong lòng chúng ta đã diệt sạch rồi thì mình không còn quán và chỉ, không như lý tác ý gì nữa, mà chỉ còn tâm bất động thôi. Lúc này mình chỉ hướng về tâm bất động (hay bất động tâm định).

Bài Ba Giai Đoạn Tu Tập (2)

No comments:

Post a Comment

Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí

Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa. Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY...