Câu hỏi
của Mỹ Linh
Hỏi: Kính thưa Thầy! Sau khi được đọc “bức Tâm
thư” Thầy gửi cho các cụ, các bác. Mặc dù thư dạy người lớn tuổi, nhưng vô
thường không phân biệt ai, nên con cố gắng thực hành theo lời Thầy dạy là:
“luôn giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự”.
Thưa
Thầy trong việc tu tập Tứ Niệm Xứ suốt ngày, sao con thấy phần thọ và pháp
thường tác động lên thân và tâm. Do đó, con chỉ tập trung lên thân và tâm để
quét hết những gì cần quét, để trở về tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Như vậy
có được không thưa Thầy?
Đáp: Được!
Con tu tập như vậy cũng giống như ông Châu Lợi Bàn Đặc suốt ngày đêm ngồi quét
tâm, đến khi nào quét hết chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm và pháp là tu
xong. Ông Châu Lợi Bàn Đặc khi quét xong ông bèn ra lệnh cho thân ông biến ra
một ngàn ông Châu Lợi Bàn Đặc ngồi đầy rừng.
Còn chướng ngại
trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp thì còn tu tập, nếu hết chướng ngại pháp là
con đã tu xong. Muốn quét sạch các chướng ngại thì phải biết dùng pháp như lý
tác ý và phải tập an trú cho được trên thân hành nội và thân hành ngoại. Tác ý
phải đúng đối tượng của nó thì nó mới đi, còn tác ý không đúng đối tượng thì nó
không đi.
Tu tập
như vậy gọi là tu tập chánh niệm Tứ Niệm Xứ, con hãy lắng nghe Đức Phật dạy: “Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo chánh niệm? Ở đây này các
Tỳ Kheo, Tỳ kheo trú quán thân trên thân nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp
phục tham ưu ở đời; trú quán thọ trên các thọ nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm,
nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán tâm trên tâm nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm,
nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán pháp trên các pháp nhiệt tâm tỉnh giác chánh
niệm nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỳ Kheo là Tỳ Kheo chánh niệm”.
Ở đây, chúng ta
phải hiểu chữ “chánh niệm”. Chánh niệm trên Thân, thọ, tâm và
pháp của chúng ta là niệm thanh thản, an lạc và vô sự. Còn tà niệm trên thân,
thọ, tâm và pháp như thế nào?
Tà niệm trên thân,
thọ, tâm và pháp là chướng ngại pháp, là đau khổ, là buồn rầu, lo sợ, là giận
hờn, thương ghét v.v..
Đức Phật thường
nhắc nhở chúng ta “Phải khắc phục tham ưu ở đời”. Vậy muốn khắc
phục tham ưu ở đời chúng ta phải tu tập như thế nào?
Nếu thân chúng ta
có những bệnh khổ đau thì chúng ta nên áp dụng pháp Thân Hành Niệm nội hay
ngoại bằng phương pháp như lý tác ý. Đây pháp Thân Hành Niệm nội: “An
tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”.
Nếu ai khéo thiện xảo dùng pháp này cộng với tưởng cảm thọ của thân bệnh theo
hơi thở đi ra thì thân sẽ hết đau. Khi tâm chúng ta phiền não hay tức giận một
điều gì thì chúng ta cũng áp dụng như trên nhưng thay vào “chữ thân hành
bằng chữ tâm hành”.
Đây là Thân Hành
Niệm nội, khi bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không v.v.. thì
chúng ta áp dụng phương pháp như lý tác ý theo hơi thở ra, hơi thở vô như câu
dưới đây: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi
biết tôi thở ra”.
Còn đây là pháp
Thân Hành Niệm ngoại để đối trị hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan
không v.v.. thì nên áp dụng pháp môn như lý tác ý: “An tịnh thân hành tôi
biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Nếu ai
khéo thiện xảo dùng pháp này cộng với tưởng cảm thọ của thân bệnh thì theo cánh
tay đưa ra đưa vô ra thì thân sẽ hết bệnh. Khi tâm chúng ta phiền não hay tức
giận một điều gì thì chúng ta cũng áp dụng như trên nhưng thay vào “chữ
thân hành bằng chữ tâm hành”.
Trong lúc tu tập
pháp môn chánh niệm Tứ Niệm Xứ thì chúng ta phải thiện xảo về câu tác ý cũng
như về thân hành, có khi thì dùng thân hành nội, nhưng cũng có khi phải dùng
thân hành ngoại. Tu tập như thế nào khắc phục những tham ưu trên thân, thọ, tâm
và pháp mà không còn chướng ngại thì đó là tu đúng chánh pháp.
Ở đây chúng ta
đừng hiểu chánh niệm theo kiểu kiến giải của học giả phát triển là dùng thân
hành ức chế tâm, có nghĩa là chỉ biết duy nhất có thân hành nội hay ngoại mà
không có một niệm nào khác xen vào, đó là chánh niệm sai.
No comments:
Post a Comment