Câu hỏi của Chơn Thành
Hỏi: Kính
thưa Thầy! Con xin Thầy dạy bảo, người đã tu xong mà sống phóng dật tâm
buông lung, không giữ gìn phạm hạnh, không giữ gìn giới luật trọn vẹn, liệu những
điều chứng đắc có còn giữ được không?
Đáp:
Không, người tu xong đã chứng đắc thì không thể nào sống buông thả phóng dật
theo tâm ham muốn, Phạm hạnh không có và giới luật không nghiêm chỉnh. Chẳng hề
có một người tu đã chứng đạo nào, mà lại sống trái đạo bao giờ.
Chỉ
có những người tu chưa xong, tâm còn phóng dật buông lung, nên không giữ gìn Phạm
hạnh và giới luật được, những người này tu hành chưa chứng đắc gì cả, họ chỉ là
những người lừa đảo người khác mà thôi. Kinh Phật dạy: Đó là những người “Đại
vọng ngữ, Tăng thượng mạn”.
Những
người tu chưa chứng đắc, cuộc sống thường phạm giới, Phạm hạnh không có, thường
sống buông lung phóng dật, chạy theo danh lợi thế gian, chỉ mượn chiếc áo cà sa
của đạo Phật để tạo cuộc đời mà thôi, thường dùng những danh từ của các Tổ “Tự
tại vô ngại” để che đậy. Họ lừa đảo bằng những sự vay mượn kiến giải
kinh nghiệm của người khác rồi cho đó là của mình.
Những
người này là những con sâu làm rầu nồi canh, là những con bọ chét trong lông sư
tử, là Ma Ba Tuần, là quỷ La Sát thể hiện làm suy tàn Phật giáo. Chúng đã đưa
ra nhiều thuyết để diệt Phật giáo: nào là ngày tận thế sắp đến năm 2000 ; nào
là Đức Phật Di Lặc ra đời; nào là Hội Long Hoa; nào là Đức Phật Thích Ca hết
nhiệm kỳ v.v..
Đó
là những điều lừa đảo, lường gạt người khác, khiến cho mọi người khiếp đảm và sợ
hãi, không còn muốn làm việc. Bởi, bọn Ma Vương lộng hành, khi đạo Phật không
có người tu chứng, chúng muốn nói như thế nào tùy ý, chẳng sợ ai biết được và
có biết cũng chẳng có ai dám vạch mặt, vạch tên chúng, nên chúng tự do muốn nói
Đông, nói Tây, nói sai, nói đúng chẳng ai dám cãi, dám bàn, dám phê bình v.v..
Để
chứng minh cho quý vị thấy, một trong những nhà học giả tu hành chưa đến nơi đến
chốn, như ở Miến Điện (Malaysia) và Thái Lan, họ đã dám cả gan đem kinh nghiệm
tu chưa đến đâu, và sự tu hành đó chưa đúng như lời Phật đã dạy trong các kinh
Nguyên Thủy, thế mà họ đã dám dạy cho người khác, thật là một tai hại rất lớn
cho những tín đồ Phật giáo đang hướng về Phật pháp với một niềm tin sâu sắc
không lay chuyển. Với sự tu hành đó, do đã lạc vào pháp tưởng, tưởng giải, họ
đã dám truyền sang qua Tây Úc và các nước Tây Phương, ngay cả nước Việt Nam những
bài kinh đó cũng được dịch sang Việt ngữ đã được đăng trên nguyệt san báo Giác
Ngộ số 23 tháng 2 năm 1998 đề tựa “Samadhi, Quán Niệm Hơi Thở”.
Bốn
Thánh Định của đạo Phật, khi chưa biết cách tu, chưa biết cách nhập và chưa nhập
được, thì đừng nên tưởng giải ra theo kiểu tu thiền hơi thở ức chế tâm như các
Tổ đã dạy, mà dạy người tu nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền như
trong bài báo này, thì đừng mong có kết quả giải thoát, chỉ phí công tu vô ích,
như đức Phật đã dạy: “Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ để mà biết phi tưởng
phi phi tưởng xứ, chứ chẳng có ích lợi gì”.
Biết
bao nhiêu người đang tu theo đạo Phật, khi đọc bài này, họ làm sao biết được lời
dạy trong đây đúng hay sai? Họ cứ tin tưởng vào các ông học giả này là hành giả
đã tu chứng, nhập được Bốn Thánh Định. Nếu không có ai nhập được Bốn Thánh Định
thì các ông này lừa đảo, nói dối, gạt người thì còn ai biết được để đính chính
sự tu hành của các ông?
Vì
không có ai tu chứng Bốn loại Thánh Định này, nên các ông dễ lừa đảo người
khác, bằng chứng, báo Nguyệt San Giác Ngộ đã có những cây bút giáo pháp tên tuổi
của các bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa Phật Giáo Việt Nam, mà bài này vẫn
qua mặt được các Ngài và đã được phép đăng trên báo, thì đủ biết Tứ Thánh Định
này chưa có ai tu chứng cả.
Như
chúng tôi thường nhắc nhở quý vị, thiền định của đạo Phật không giống bất cứ một
loại thiền định nào của các tôn giáo trên hành tinh này. Nó không phải ngồi ức
chế tâm bằng hơi thở hoặc bằng bất cứ một đề mục thiền nào, mà nó chỉ có mục
đích phải xả tâm bằng cách sống đúng giới hạnh, không phạm phải một giới luật
nhỏ nhặt nào, luôn luôn sống đúng Phạm hạnh của một vị Thánh Tăng, thì mới gọi
là xả tâm.
Khi
tâm giữ gìn giới luật trọn vẹn, sống đúng Phạm hạnh, đầy đủ đức hạnh nhân bản
nhân quả, thì giới luật mới thanh tịnh; giới luật có thanh tịnh thì tâm mới
thanh tịnh; tâm mới thanh tịnh thì tâm mới ly dục ly ác pháp; tâm có ly dục ly
ác pháp thì tâm mới nhập Bất Động Tâm Định. Nhập Bất Động Tâm Định thì tâm mới
có Tứ Thần Túc, nhờ có Tứ Thần Túc thì tâm mới nhập được Sơ Thiền, đó là Thiền
Thứ Nhất mà trong kinh sách Phật đều dạy như vậy. Thế mà các nhà học giả lại dạy
theo các Tổ Sư Thiền Đông Độ và Thiền Đại Thừa theo pháp môn Sổ Tức Quán và Tùy
Tức để tìm định tướng của định, rồi tự đặt cho nó là Sơ định.
Nếu
xét cho cùng thì hai lối dạy tu Bốn Thánh Định của đức Phật và nhà học giả Nam
Tông, cách xa một trời một vực, không có chút nào giống nhau cả. Thế mà các nhà
học giả này dạy nhập bốn Thánh Định như trong bài báo, thì xem các bậc tôn túc
Hòa Thượng, Thượng Tọa khắp trên thế giới này toàn là những hạng người Phật tử
vô minh, u tối chẳng hiểu một chút gì về Bốn Thánh Định của đạo Phật cả, trong
khi kinh sách Phật còn ghi lại rõ ràng.
Đây
là một đoạn kinh, trong kinh Trung Bộ, bài kinh “Ước Nguyện” đã
xác chứng lời đức Phật dạy rất hùng hồn về cách thức nhập Bốn Thánh Định, như
chúng tôi đã nói ở trên: “Này các Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo có ước nguyện mong
rằng, tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức,
Ta chứng Bốn Thiền thuộc Tăng Thượng Tâm, hiện tại lạc trú”, Tỳ
Kheo ấy phải thành tựu viên mãn Giới Luật”.
Vậy
thành tựu viên mãn giới luật như thế nào? Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Các
Tỳ Kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, sống đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự
phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các
lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”.
Đức
Phật còn nhắc nhở chúng ta phải thực hiện “Định Tư Cụ” tức là thực
hiện ba loại định: Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, Định Niệm Hơi thở và Định Vô Lậu.
“Tỳ Kheo ấy phải kiên trì nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định,
thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trụ xứ không tịch”. Những danh
từ này do các nhà học giả dịch không có kinh nghiệm tu hành, nên khiến cho người
nghiên cứu rất dễ hiểu lầm, như những danh từ “tịch tĩnh”, “thiền định”,
“quán hạnh”, “trụ xứ không tịch”.
Sau
khi nhập xong bốn thiền chúng tôi mới hiểu được những danh từ này. Khi người mới
bắt đầu tu, tâm làm sao “tịch tĩnh” được, cho nên tịch tĩnh ở đây
phải hiểu là tĩnh giác chứ không phải là lặng lẽ, tịch chiếu. Thường đức Phật dạy
tu tập tĩnh giác theo hành động của thân nội hoặc ngoại để xả niệm ác hay nói
cách khác là để giữ tâm trong chánh niệm, nên có tên gọi loại định này là “Chánh
Niệm Tĩnh Giác Định”.
Vì
thế, đức Phật dạy phải kiên trì nội tâm tịch tĩnh, tức là phải kiên trì tu tập
Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, tu trong mọi hành động, tức là thân hành niệm, chứ
không phải giữ tâm tịch tĩnh, khi tâm chưa có định thì làm sao giữ tâm tịch
tĩnh được. Nếu tâm chưa có định mà giữ tâm tịch tĩnh tức là ức chế tâm, ức chế
tâm tức là tu sai thiền của đạo Phật, thì dù có tu cho đến ngàn muôn kiếp cũng
chẳng đi đến đâu, chẳng ích lợi gì cho mình và người khác.
Phật
dạy: “Không gián đoạn thiền định”, khi người mới bắt
đầu tu để nhập Sơ Thiền thì làm gì có thiền định mà không gián đoạn, nếu không
có tu nhập được Bốn Thánh định này, trên những danh từ này mà hiểu thì không ai
hiểu nổi và cũng không biết làm sao tu tập cách nào. Phần nhiều các nhà học giả
rối đầu không dám giải thích những danh từ này, thường là tránh né hoặc giải
thích không đúng, hoặc mượn ý nghĩa theo kinh Đại Thừa và Thiền Đông Độ mà giảng
giải. Do đó thiền của Phật biến thành thiền của ngoại đạo, vì thế chẳng có ai
tu chứng đạt chân lí làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi.
Không
gián đoạn thiền định, tức là đức Phật muốn nhắc chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở,
tức là nương hơi thở xả tâm không gián đoạn: “Quán ly tham tôi biết tôi
hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”.. .. .. “Quán ly sân tôi biết tôi hít
vô, quán ly sân tôi biết tôi biết tôi thở ra”.. .. .. “Quán thân vô thường tôi
biết tôi hít vô, quán thân vô thường tôi biết tôi thở ra v.v..”.
Đức
Phật dạy: “Thành tựu quán hạnh”. Muốn nhập Sơ Thiền thì phải
thành tựu quán hạnh, tức là phải tu tập Định Vô Lậu, đó là một pháp môn diệt
pháp ác tuyệt vời, mà thành tựu Định Vô Lậu, tức là đã lìa ác pháp đã lìa ác
pháp là nhập Sơ Thiền.
Muốn
nhập Sơ Thiền, Đức Phật dạy: “Thích sống tại các trụ xứ không tịch”,
thích sống tại các trụ xứ không tịch, tức là sống độc cư hay nói cách khác là tịnh
chỉ ngôn ngữ để nhập Sơ Thiền.
Ở
đây, chúng ta phải thấy đường lối tu tập thiền định của đạo Phật rất rõ ràng. Ý
chung của các bài kinh mà đức Phật đã dạy rất cụ thể: “Muốn nhập được Sơ
Thiền phải sống cho đúng giới hạnh và còn tu tập bao nhiêu pháp môn khác nữa mới
nhập được”, chứ không phải như các nhà sư Nam Tông đã tu và dạy
người tu pháp môn hơi thở “sổ tức, tùy tức” để nhập Sơ Thiền, thì
không đúng cách theo đường lối tu tập của đức Phật đã dạy trong các kinh Nguyên
Thủy. Ngay cả pháp môn hơi thở, các sư cũng còn dạy không đúng như trong kinh,
thì dạy nhập các định làm sao đúng được.
Xin
quý vị đọc lại những đoạn văn mà các nhà sư Nam Tông dạy nhập bốn thiền trong
nguyẹt san báo Giác Ngộ: Bài này được trích dịch từ một quyển cẩm nang tu thiền
của Ngài Thiền sư U Acinna, người Miến Điện. (“Light of Wisdom”), W.A.V.E.
Malaysia, 1996, cùng với một vài kinh nghiệm của người dịch, đã có duyên may được
tu học với sư cô Dipanka- ra, đệ tử của Ngài U Acinna, trong năm 1997 tại
Perth, Tây Úc.
Đây
là nhà học giả Miến Điện dạy chúng ta nhập Bốn Thánh Định: “Bây giờ ta
đem tâm vào hơi thở, hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu thiền sinh không thể chú
tâm vào hơi thở sau vài buổi thiền, thì có thể tập đếm hơi thở. Việc này để
giúp họ phát triển định lực. Thiền sinh đếm số sau mỗi hơi thở như sau: “thở
vào.. .. thở ra .. .. một”, “thở vào.. ..thở ra .. .. hai”, “thở vào .. ..thở
ra .. .. ba”, .. ..cho đến thở vào .. .. thở ra .. .. tám”. Có thể đếm từ năm đến
mười rồi trở lại số một. Tuy nhiên thiền sinh nên đếm số tám rồi trở lại từ đầu.
Số tám là để nhắc nhở chúng ta về con đường Tám Chánh (Bát Chánh Đạo),
mà chúng ta đang cố gắng để hành trì giác ngộ”. Lời dạy trên đây xin
quý vị lưu ý trong kinh điển Nguyên Thủy, đức Phật có dạy như vậy hay không?
Những
lời dạy trên đây là lời dạy của các Tổ Sư thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa
(Sổ tức Quán). Còn Định Niệm Hơi thở Phật dạy khác: “Hít vô tôi biết tôi
hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, hoặc “Quán ly tham tôi biết
tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”. Phật dạy nương hơi thở để
tâm tĩnh giác xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi đó là “Quán Ly tham”, Lìa tâm
tham để tâm được thanh tịnh, tức là định của đạo Phật. Xin quý vị nên hiểu chữ “định”
của Sơ Thiền ở đây, mặc dù chúng tôi cố gắng so sánh định của Phật, định của Tổ
Sư Thiền Đông Độ và định của các nhà sư Nam Tông để quý vị rõ hơn, vì dùng danh
từ “Định” rất dễ hiểu lầm nghĩa.
Đạo
Phật dùng chữ “định”, để chỉ cho tâm “vô lậu”,
tâm vô lậu là tâm đoạn diệt ngũ triền cái và thất kiết sử, cho nên đức Phật đặt
rất nhiều tên pháp môn của mình có mang tên định như: Định Niệm Hơi thở, Định
Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Vô Lậu, Định Vô Tướng Tâm, Định Bất Động Tâm v.v..
Các loại định này đều nhắm vào sự xả tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải ngồi
tĩnh lặng như con cóc, để rồi sanh ra các trạng thái dục tưởng lầm chấp cho đó
là định sanh hỷ lạc, như Thiền Đông Độ và thiền của các nhà sư Nam Tông.
Cho
nên, chữ “định” của Phật ở đây có nghĩa là tĩnh thức xả tâm dục
và ác pháp, tĩnh thức tâm không phóng dật; tĩnh thức tâm thanh thản; tĩnh thức
tâm bất động trước các pháp và thọ; tĩnh thức thân tâm tịnh chỉ các hành; tĩnh
thức tâm Tứ Như Ý Túc và tĩnh thức tâm trong Tam Minh.
Bây
giờ quý vị nghe nhà học giả Nam Tông dạy tiếp cách thức ức chế tâm: “Các
bạn cần phải cương quyết không để phóng tâm, tâm lang thang chỗ này chỗ kia
trong khi đếm hơi thở. Chỉ chú tâm theo dõi hơi thở và đếm số, từ 1 đến 8 rồi
trở lại 1.. .. Qua việc chỉ chú tâm như thế, tâm sẽ trở nên an định hơn.
Thông thường thì cần phải thực hành như thế trong một giờ để tâm được an định
và vững chắc”. Qua lời dạy trên đây, quý vị thấy rất rõ, đó là lối hướng
dẫn thiền ức chế tâm, không phải là thiền xả tâm ngũ triền cái: tham, sân, si,
mạn, nghi như đức Phật đã dạy trong kinh.
Thiền
của Phật, nếu quý vị lưu ý thì sẽ thấy rất rõ, lúc nào cũng tĩnh thức trong mọi
hành động thân nội hay ngoại đều phải kèm theo pháp hướng tâm (Như lý tác ý) “Quán
ly tham, quán ly sân, quán ly si, quán thân vô thường, quán thân vô ngã, quán
tâm như đất v.v..”.
Trong
kinh sách Phật không có dạy định tướng mà chỉ có nói đến: “Do ly dục sanh
hỷ lạc hoặc định sanh hỷ lạc”. Ở đây nhà học giả dạy: “Đến
đây tùy theo giới hạnh của từng cá nhân, định tướng sẽ hiện ra. Mỗi cá
nhân khác nhau sẽ có định tướng khác nhau. Dù đang nhắm mắt theo dõi hơi thở, dần
dần thiền sinh sẽ thấy định tướng hiện ra, có khi như một làn chỉ trắng, một luồng
ánh sáng trắng, một ngôi sao, một cụm mây hoặc một nhúm bông gòn. Nó có thể rất
to, trùm cả khuôn mặt, hoặc như mặt trăng, mặt trời, hoặc một viên ngọc thạch,
một viên ngọc trai. Nó hiện ra trong các hình sắc khác nhau là vì do tưởng uẩn
(sana, perception) tạo ra”.
“Lúc
ban đầu, định tướng có thể giống như có màu khói xám. Dần dần, nếu giữ tâm được
an định vào hơi thở, hơi thở và màu khói xám trở thành đồng nhất với nhau,
không khác biệt. Sau đó nếu tâm được an nhẹ và chỉ chú mục vào hơi thở, màu sắc
đó trở thành trắng đục. Mặc dù là màu trắng, nhưng nếu bạn chỉ chú mục, hơi thở
sẽ trở thành định tướng và định tướng chính là hơi thở. Nếu định tướng và hơi
thở là một, không khác biệt, khi bạn chú mục vào hơi thở, thì bạn cũng chú mục
vào định tướng, và khi bạn chú mục vào định tướng thì bạn cũng chú mục vào hơi
thở. Và như thế bạn hành thiền tốt và nghiêm túc.. .. .. Khi định tướng có màu
khói xám thì đó là sơ tướng (parikamma nimitta) trong trạng thái sơ định
(parikamma samadhi). Nếu nó trở thành màu trắng như một nhúm bông gòn, đó là học
tướng (uggaha nimitta). Đây là một trạng thái định khá cao...”.
Đọc
qua cách thức hướng dẫn này, chúng ta nhận xét: nhà học giả ở đây có nhận thức
ra “Giới hạnh” sanh định tướng, đó là đúng, nhưng nhà học giả lại
chẳng biết định tướng của giới hạnh như thế nào? Cho nên, nhằm tưởng định tướng
do tưởng uẩn lưu xuất, điều này rất sai. Định tướng do giới hạnh sanh ra là một
trạng thái tâm không phóng dật, tâm thường tự động hướng vào nội thân, trong nội
thân hoạt động điều gì thì tâm đều biết rất rõ mà chẳng biết sự động dụng bên
ngoài, nó không hình tướng như màu khói trắng hoặc xám hoặc trắng như nhúm bông
gòn hoặc như ngọc thạch v.v.. Còn định tướng của tưởng uẩn lưu xuất là những định
tướng loại ma có hình tướng màu sắc khói xám hoặc trắng v.v.. do tu tập thiền ức
chế tâm sanh ra. Nhà học giả này chỉ mới thấy được sắc tưởng của thiền ức chế
tâm mà đã vội cho là định tướng của Bốn Thiền thì thật là vô minh vô cùng. Nó
có sáu loại ma tưởng: Sắc tưởng, hương tưởng, thinh tưởng, vị tưởng, xúc tưởng
và pháp tưởng. Vị Sư Nam Tông đã rơi vào ma sắc tưởng mà không biết.
Thảo
nào, chúng ta cũng không nên trách các thiền sư Đông Độ, khi họ tu hành ức chế
tâm “chẳng niệm thiện niệm ác”, nên gặp loại ma pháp tưởng,
do đó họ tưởng họ đã tu chứng đạo, nên trí tuệ phát triển, “triệt ngộ”
thấu suốt 1.700 công án thiền tông và tất cả kinh sách Đại Thừa đều hiểu rõ
không có câu kinh nào mà họ chẳng hiểu. Nhưng không ngờ, đó lại là ma Pháp tưởng
của tưởng uẩn, chứ không phải trí tuệ. Nhìn giới hạnh của các Ngài thì biết các
Ngài đã bị ma Pháp tưởng không có khó khăn gì, vì các Ngài đang sống phạm giới
luật.
Dường
như tu sĩ từ đông, sang tây, từ nam, sang bắc tu hành đều gặp nhau trên một điểm
này, điểm này tức là sáu loại ma tưởng, không một tu sĩ nào thoát ra khỏi nanh
vuốt của sáu loại ma này. Cho nên, người ta tu hành tuy có thần thông tưởng và
thiền định tưởng để mà có thần thông tưởng và thiền định tưởng, chứ chẳng ích lợi
gì cho bản thân họ và ai cả. Họ chẳng làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt
luân hồi.
Tu
hành như vậy, làm sao nhập được Sơ Thiền, họ chỉ tưởng tượng ra Sơ Thiền mà dạy
người như vậy, tức là phỉ báng Phật Pháp, thật là đau lòng cho Phật pháp ngày
nay và tội cho chúng sanh thời này, tu theo Phật mà lại tu nhằm pháp ngoại đạo,
cứ tưởng là mình tu đúng pháp Phật.
Thưa
quý vị học giả, nếu quý vị đã tu chứng được thiền định và đạt được Tam Minh thì
nên mở tu viện, thiền viện hoặc viết kinh sách dạy người tu hành, bằng không
thì thôi, đừng vì danh lợi nhỏ mọn mà giết người như thế này. Tu chưa tới đâu
mà dám dạy người tu như những lời dạy trên đây, quý vị xem cuộc sống và mạng
người như cỏ rác. Ngay cả thiền xả tâm của Phật mà không hỏi kỹ thì tu hành
cũng trở thành thiền ức chế tâm, cũng có thể xảy ra tai hại cho tánh mạng con
người, huống là tu thiền ức chế tâm mà các vị đã dạy thì tai hại còn biết bao
nhiêu.
Quý
vị có nghe đức Phật đã dạy chăng? “Giới sanh định”. Ở đây một lần
nữa chúng tôi xin nhắc lại, chữ định của giới luật sanh ra là sự “tĩnh thức”
luôn luôn hoạt động trong “tầm và tứ thiện”. Vì thế quý vị đừng
hiểu lầm định của giới luật là tâm bất động không vọng tưởng, chẳng niệm thiện
niệm ác; cũng đừng hiểu với nghĩa là tịch chiếu như Thiền Đông Độ. Đến đây lại
sanh ra một danh từ khác nữa, quý vị có thể hiểu lầm, đó là Bất Động Tâm Định,
Bất Động Tâm Định là một loại thiền định do giới luật sanh ra, Bất Động Tâm Định
tức là tâm bất động trước các ác pháp, trước các cảm thọ, chứ không phải bất động
là không vọng tưởng, không niệm thiện niệm ác, nói cho dễ hiểu bất động, tức là
tĩnh thức trong niệm chơn chánh, niệm chơn chánh tức là niệm thiện. Niệm thiện
tức là niệm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.
Cho
nên, từ giới luật sống đúng Phạm hạnh, không phạm phải một giới nhỏ nhặt nào
thì tâm sẽ ly dục ly ác pháp, tức là tâm sẽ nhập Sơ Thiền. Ở đây, cớ sao quý vị
lại dạy nhập Sơ Thiền như vậy, “Định tướng có khói xám thì đó là Sơ tướng
trong trạng thái Sơ định”. Quý vị có loạn thần kinh chưa?
Sơ Thiền là do ly dục nhập Sơ Thiền, chứ đâu phải ngồi bất động chẳng niệm thiện
niệm ác. Sơ Thiền là một trạng thái bình thường như mọi người nhưng tâm chỉ ly
dục ly ác pháp nên ý thức vẫn còn (tầm tứ) thì làm gì có định tướng ảo tưởng được.
Quý vị gạt người không biết thiền định chứ người đã nhập định thì quý vị không
lừa đảo dối gạt được.
Quý
vị ngồi thiền như con cóc, ngồi lâu tưởng ra khói xám rồi cho đó là định tướng
Sơ Thiền, thì thiền như vậy có phải là thiền của Phật không? Hay là một thứ thiền
tưởng mà quý vị đặt ra để ngồi trong mát ăn bát vàng, để lừa đảo người không biết?
Nói
đến Tầm, Tứ quý vị lại hiểu ngoài kinh sách của đạo Phật, quý vị có đọc bài
kinh Song Tầm và bài kinh An Trú Tầm chưa? Nếu đã đọc thì quý vị không thể giải
thích năm chi thiền như thế này được, năm chi thiền đó là :
“1-
Tầm (Vitakka): Đem tâm hướng về định tướng.
2- Tứ
(Vicara): Bám sát vào định tướng.
3- Hỷ
(pity): Ưa thích định tướng.
4- Lạc
(sukha): Cảm giác an lạc, sung sướng khi tiếp xúc với định tướng.
5-
Nhất tâm (Ekaggata): Tập trung về một điểm (đó là định tướng)”.
Ở
đây chúng tôi không có ý kiến, xin quý vị đọc lại hai bài kinh trên, trong kinh
Trung Bộ thì quý vị sẽ rõ.
Sơ
Thiền là một loại thiền xả tâm, dùng “ý thức tĩnh giác trong mọi hành động
để xả những tâm niệm ác của mình”, không bao giờ dùng tưởng thức.
Vì thế, phải lấy “Giới Luật tu tập, lập hạnh, sống đời sống Phạm hạnh có
như vậy thì mới xả tâm được”. Ngoài giới luật ra thì không còn có pháp
môn nào xả tâm hữu hiệu hơn nữa. Cho nên, giới luật là pháp môn đầu tiên của đạo
Phật để đi vào lộ trình giải thoát “Chánh định”.
Người
nào dạy tu tập thiền định Phật giáo mà không dạy giới luật thì người đó chưa hiểu
thiền định của đạo Phật. Khi đọc bài Quán Niệm Hơi Thở trong Nguyệt san Giác Ngộ
số 23, chúng tôi rất đau lòng vì bài thuyết pháp dạy tu Tứ Thánh Định là của một
nhà sư Nam Tông Nguyên Thủy mà dạy như vậy thì chúng ta không nên trách các nhà
sư Bắc Tông vì họ dạy theo kinh phát triển Đại Thừa.
Thảo
nào, hiện giờ người ta tu theo Phật giáo mà chẳng có ai thực hiện Bốn Thánh Định
và Tam Minh được, là vì không theo lời dạy của đức Phật. Người ta dùng tưởng tu
tập thiền định và tu hành chưa tới đâu, chẳng làm chủ sanh tử luân hồi được, mà
cũng lập đạo tràng dạy người tu. Bằng chứng qua bài viết này, chúng ta cũng biết
Phật giáo hiện giờ không còn ai tu chứng, nên những người học giả này muốn dạy
như thế nào tùy ý, dạy sao không ai dám cãi, dám bàn mà còn dám đăng trên báo,
phổ biến khắp nơi, xem các bậc Tôn Túc, Trưởng Lão Hòa Thượng, Thượng Tọa ở Việt
Nam và các nước trên thế giới là những người vô minh u tối không hiểu kinh sách
và lời dạy của đức Phật.
Người
nhập Sơ Thiền chưa có định, chỉ có ly dục ly ác pháp, tâm mới thanh tịnh. Vậy
mà ở đây lại dạy Sơ Thiền có định tướng.
Người
nhập Sơ Thiền là người tu tập giới luật, mới vén lên được năm cái màn ngăn che,
đó là: tham, sân, si, mạn, nghi chứ không phải tu tập hơi thở mà phá được ngũ
triền cái như trong bài Quán Niệm Hơi Thở này dạy.
Trong
bài kinh Song Tầm Phật dạy: “diệt tầm ác giữ tầm thiện” tức là ly
dục ly ác pháp; ly dục ly ác pháp, tức là nhập Sơ Thiền, chứ không như nhà học
dạy: Tầm là đem tâm hướng về định tướng; Tứ là bám sát vào định tướng, dạy như
vậy không đúng như lời Phật dạy.
Trong
Sơ Thiền có “Tầm Tứ”, tầm không phải hướng về định tướng,
mà là hướng về thiện pháp; Tứ không phải bám sát vào định tướng, mà Tứ là tác ý
(như lý tác ý) để diệt ác pháp. Như trong bài kinh Xuất Tức Nhập Tức, Phật đã dạy
về Định Niệm Hơi Thở, như lý tác ý rất rõ ràng: “Quán ly tham
tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”. Đó là “Tứ”
như lý tác ý để xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi, tức là xả ngũ triền
cái. Thiền định của Phật không phải dùng hơi thở ức chế tâm mà dùng hơi thở để
xả tâm. Cho nên Phật dạy: “muốn nhập Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền thì Định
Niệm Hơi Thở khéo tác ý”.
Ở
đây, nhà học giả Nam Tông dạy bốn thiền của Phật theo tưởng giải của mình, nên
Phật Pháp trở thành tà giáo ngoại đạo, chính vì vậy đạo Phật dần dần biến dạng,
thành tà giáo, pháp môn thành pháp môn của ngoại đạo.
Để
so sánh Quán Niệm Hơi Thở của nhà sư Nam Tông và Định Niệm Hơi Thở của đức Phật
giống nhau và khác nhau ở chỗ nào?
Nếu
ai đã đọc bài kinh Xuất Tức Nhập Tức trong kinh Trung Bộ thì nhận thấy có 16 đề
tài tu về Định Niệm Hơi Thở. Mười sáu đề tài đó là 16 câu pháp hướng để xả tâm
ngũ triền cái và thất kiết sử, tức là khắc phục tham ưu hay nói cách khác là ly
dục ly bất thiện pháp.
Cách
thức tu tập, nương vào hơi thở để giữ tâm bằng cách tĩnh thức và xả tâm. Đồng
thời một lượt mà đạt cả hai kết quả tĩnh thức và xả tâm, nhưng phải hiểu tĩnh
thức là vấn đề phụ, còn xả tâm là vấn đề chánh. Cho nên, khi xả tâm hoàn toàn
vô lậu thì tĩnh thức là xả tâm, tức là tâm nghe, hiểu, biết tất cả mà không
dính mắc một pháp nào. Đó là mục đích giải thoát của đạo Phật.
Khi
tâm đã ly dục ly ác pháp thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tâm mới đủ sức lực
để sử dụng pháp hướng dẫn thân tâm nhập vào các định (Định Như Ý Túc), cho nên
nhập từ Nhị Thiền đến Tứ Thiền không có khó khăn, không có mệt nhọc, chỉ bằng
pháp hướng tịnh chỉ các hành trong thân và tâm, chứ không dùng định tướng để nhập
các định khác như nhà học giả Nam Tông đã dạy.
Theo
lộ trình tu tập của đạo Phật, ngoài Định Niệm Hơi Thở, hành giả còn phải tu các
định khác nữa như: Định Sáng Suốt, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Vô Lậu, thì
mới mong nhập được Sơ Thiền, chứ không phải chỉ có định Niệm Hơi Thở không mà
thôi.
Ở
đây, nhà học giả Nam Tông dạy Quán Niệm Hơi Thở bằng cách tùy tức, nếu tùy tức
không nhiếp phục được vọng tưởng thì dùng pháp đếm hơi thở (sổ tức), khoảng độ
một giờ thì định tướng xuất hiện, khi định tướng xuất hiện, họ sẽ ôm định tướng
mà nhập các định khác (Từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền). Cách thức nhập Bốn Thánh Định
của họ quá đơn giản, nhưng chắc chắn họ sẽ không làm chủ sanh, già, bệnh, chết.
Bằng chứng những vị sư này chưa làm chủ bệnh đau của mình và đời sống của họ
thì mong gì làm chủ sự sống chết và luân hồi.
Tóm
lại, Định Niệm Hơi Thở của Phật và Quán Niệm hơi thở của nhà Sư Nam Tông thì sự
tu hành không giống nhau chút nào cả; một bên thì dùng hơi thở ức chế tâm để nhập
định; một bên thì dùng hơi thở tĩnh thức để xả tâm.
Đến
Thiền Thứ Hai nhà học giả dạy: “Thiền sinh cũng nên nhận thức rằng các
thiền chi Tầm và Tứ trong tầng Thiền Thứ Nhất làm cho tầng thiền này không an định
bằng tầng thiền thứ nhì”.
Qua
lời dạy trên đây chúng ta thấy nhà học giả không hiểu sự an định của thiền thứ
nhất và thiền thứ nhì. Sự an định của thiền thứ nhất là do “tầm tứ” tịnh chỉ
tâm dục và ác pháp hay nói cách khác là tịnh chỉ ngôn ngữ, tức là ly dục ly bất
thiện pháp. Vì thế, chúng ta phải hiểu sự an định của tầng thiền thứ nhất
“lấy tâm động, tạo tâm bất động” còn sự an định của tầng thiền thứ nhì “lấy
tâm bất động tạo định”, chứ không như nhà học giả dạy sự an định
của thiền thứ nhì hơn thiền thứ nhất. Hai sự an định của hai loại thiền này
không giống nhau, chỉ có hỷ lạc là thiền thứ nhì hơn thiền thứ nhất như đức Phật
đã dạy trong bài kinh Sa Môn Quả.
Chỗ
này muốn cho dễ hiểu hơn, chúng tôi cho một ví dụ thì quý vị sẽ hiểu rõ ràng:
Ví như có một người luôn tìm mọi cách sống trong thiện pháp, sau một thời gian
tâm họ hoàn toàn thiện và họ đang ở trong ngôi nhà thứ nhất, bây giờ họ muốn
sang ngôi nhà thứ nhì, thì họ có mang theo ngôi nhà thứ nhất hay không? Họ có
mang theo cái tâm toàn thiện của họ hay không? Bây giờ họ muốn sang ngôi nhà thứ
ba, thì họ có mang theo ngôi nhà thứ hai không? Và đến ngôi nhà thứ ba họ có
mang theo tâm thiện của họ hay không? Bây giờ họ lại muốn sang ngôi nhà thứ tư,
họ có mang theo ngôi nhà thứ ba không? Khi đến ngôi nhà thứ tư họ có mang theo
cái tâm thiện của họ không?
Nếu
tâm không thanh tịnh thì không thể nào nhập được chánh định, tâm chưa thanh tịnh
mà nhập định, tức là tà định, định ức chế tâm. Vì thế, người sống không đúng giới
hạnh là người nhập tà định.
Đến
thiền thứ nhì nhà học giả lúng túng không biết pháp hành. Đây, chúng ta nghe tiếp
đoạn trên: “Vì thế, từ ước muốn rời bỏ hai thiền chi này và chỉ còn giữ
thiền chi Hỷ, Lạc, Nhất tâm, thiền sinh tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như
thế thiền sinh có thể đạt vào tầng thiền thứ nhì”.
Đến
thiền thứ nhì nhà học giả quên lời Phật dạy: “Xả Sơ Thiền mới nhập Nhị thiền”.
Cái vô minh của nhà học giả đã để lộ chơn tướng u tối, cái không biết của mình
quá rõ ràng: “tiếp tục đem tâm vào tợ tướng”, tức là giữ
trạng thái định của Sơ thiền mà nhập Nhị Thiền, nhà học giả hiểu Sơ Thiền và Nhị
Thiền là hai nấc thang.
Sơ
Thiền và Nhị Thiền không phải là hai nấc thang của một cây thang mà hai loại
thiền định tu tập không giống nhau. Sơ Thiền còn có những tên như: Bất Động Tâm
Định, Vô Tướng Tâm Định. Cách tu tập của Sơ Thiền là “Ly”. Cách
tu của Nhị Thiền là “Diệt”. Các nhà học giả không có kinh
nghiệm tu hành nên bước vào tu thiền định thì chỉ có cách ức chế tâm “diệt
ý thức, hưng phấn tuởng thức”.
Thiền
thứ ba và thiền thứ tư nhà học giả cũng không biết pháp hành nên dạy cứ ôm tợ
tướng của thiền dưới nhập thiền trên: “Sau đó thiền sinh nhận thức, rằng
hỷ cũng không đem lại an định, nên ước muốn bỏ hỷ, chỉ còn giữ lại Lạc và Nhất
tâm. Thiền sinh tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế thiền sinh có thể đạt
vào tầng thiền thứ ba, vốn chỉ còn hai chi: Lạc và Nhất tâm. Sau
khi vào được Tam Thiền, thiền sinh hành trì năm loại thuần thục như trên”.
“Sau
đó thiền sinh nhận thức rằng nếu cứ duy trì lạc thì lại là một hình thức tham
thủ vào cảm giác vui sướng. Cho nên với ý định bỏ lạc, thiền sinh tiếp tục đem
tâm vào tợ tướng. Làm như thế thiền sinh có thể đạt vào tầng thiền thứ tư”.
Trong
kinh Ước Nguyện đức Phật dạy rất rõ: “Tùy theo ý, muốn ước nguyện một điều
gì thì giới luật phải sống nghiêm trì, không phạm phải một lỗi nhỏ nhặt nào,
thì nhập Bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, không có khó khăn,
không có mệt nhọc, không có phí sức”.
Xưa,
Thầy Khương Tăng Hội dạy nhập Bốn Thiền trong sách An Ban Thủ Ý theo kiểu học
giả mà chúng tôi đã có lần trả lời cho cô Diệu Quang. Đồng thời lúc ấy chúng
tôi cũng có nhận được một bức thư của cô Diệu Tịnh hỏi, trong đó nhà học giả lấy
kết quả của Bốn Thiền như trong kinh Sa Môn Quả mà đức Phật đã dạy, làm bốn bài
kệ dạy người tu nhập Bốn Thiền, giống như kiểu thiền sư Đông Độ v.v.. Xin quý vị
đọc tiếp “Đường Về Xứ Phật” phần vấn đạo thì quý vị càng rõ hơn. Trên đây là một
nhà học giả Nam Tông dạy nhập Bốn Thiền mà được dịch sang Việt ngữ, theo chúng
tôi nghĩ không phải có một bài này mà có rất nhiều bài dạy nhập về Bốn Thánh Định
này. Nhưng chắc chắn chưa có vị sư nào nhập được Bốn Thánh Định, chỉ nói dối lừa
đảo người mà thôi.
Người
xưa bảo rằng: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.
Thế mà, các nhà học giả thời nay tu hành chưa đến nơi đến chốn, và tu không
đúng như lời Phật dạy, tu chưa được giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, chưa thực
hiện đầy đủ Tam Minh, giống như người chưa biết thì nên dựa cột mà nghe, có đâu
lại dạy tu thiền điên khùng cho thiên hạ như vậy.
Dạy
thiền như các nhà học giả này mà còn viết soạn ra kinh sách, thì kinh sách này
sẽ chẳng ích lợi gì cho con người, mà còn làm cho con người phí hết cuộc đời và
có thể những người này sẽ trở thành những người lừa đảo có kinh sách.
Thật
ra bài Quán Niệm Hơi Thở này chúng tôi đã được đọc trong tập nguyệt san Giác Ngộ
hơn cả năm nay, thấy những điều dạy sai trong pháp hành thiền của đức Phật,
nhưng chúng tôi chẳng hề động đến, ai có duyên tu sao cũng được, đúng sai là do
nhân quả gieo duyên tu của mọi người.
Nhưng
rồi do một nhân duyên, đây cũng là duyên Phật pháp, khi đọc bản thảo Đường Về Xứ
Phật trên máy tính về phần vấn đạo nhiều Phật tử gợi ý: Sao Thầy không chứng
minh sự lừa đảo, lường gạt bằng những pháp môn kiến giải, tưởng giải của một số
Sư, Thầy “háo danh, háo lợi”, để giúp đỡ biết bao nhiêu
người tín đồ Phật giáo tránh khỏi sự lừa đảo, lường gạt này và làm sáng tỏ lại
giáo pháp của đức Phật. Nếu Thầy không nói ra thì còn ai biết đâu mà nói, đã từ
bao thế kỷ nay, biết bao nhiêu giáo pháp kiến giải, tưởng giải của một số tà sư
ngoại đạo đã che phủ toàn bộ giáo pháp của đức Phật, khiến cho mọi người nghiên
cứu và tu học giáo pháp của đức Phật không thể nào rõ được.
May
thay kinh sách Nguyên Thủy của Phật còn đó, nhờ Thầy vạch rõ để giúp cho mọi
người thấu hiểu, chứ hiện giờ họ xem những tu sĩ Phật giáo đã chịu ảnh hưởng sâu
sắc của kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ, nên họ chẳng còn biết lời dạy nào
đúng sai của Phật. Vì vậy, họ mới dám dạy thiền tưởng qua tưởng giải, từ chỗ tu
không đúng pháp của Phật.
(Đường Về Xứ Phật, T6)
No comments:
Post a Comment