Thursday, July 2, 2020

Sư Tánh Trí - Giác Ngộ Chân Lý



Khi xưa một người đến với Đức Phật xin xuất gia, Ngài thường tìm hiểu, xem xét rất kỹ lưỡng, từ những nguyên nhân gì, từ động cơ gì, vì sao một người quyết định rời khỏi gia đình, từ biệt những người thân thương: cha, mẹ, anh, chị, em, bà con quyến thuộc, từ bỏ mọi công danh, sự nghiệp ở đời, xin xuất gia trở thành một người tu sĩ, khất sĩ không nhà, rày đây mai đó.

Có lẽ xưa và nay, thời nào cũng vậy, không khác, có rất nhiều nguyên do để khiến cho một người khởi lên ý muốn xuất gia. Có nhiều người xuất gia tâm rất chân chính, vì lý tưởng, vì yêu đạo, mến đạo, vì giác ngộ sự thật chân lý mà xuất gia nhưng cũng không ít những hạng người xuất gia từ những động cơ, động lực không chân chính. Cụ thể là đặc biệt thời nay, không nói ra thì mọi người chúng ta cũng đều thấy, biết số người xuất gia không chân chính, không có lý tưởng, không có đủ phẩm chất đạo đức, đạo hạnh, phạm hạnh trong các chùa chiền, tự viện… tương đối khá nhiều. Một phần do sự thiếu hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa, mục đích, cứu cánh của sự tu hành, một phần do sự quá dễ dãi của các vị Trụ Trì, thiếu trách nhiệm với đạo pháp, cho xuất gia một cách tùy tiện, dễ dàng, không cần tra hỏi, tìm hiểu động cơ, nguyên nhân vì sao người này xuất gia, hoặc vì tranh đua nhau, muốn hơn thua nhau về số lượng người xuất gia giữa chùa này với chùa kia, tịnh xá này với tịnh xá nọ, chùa được nổi tiếng vì có nhiều người xuất gia hơn, tranh hơn thua nhau chạy theo số lượng, dần dần đánh mất đi giá trị, phẩm chất đạo đức cao quý, đánh mất đi hình ảnh thiêng liêng, trang nghiêm, thanh tịnh của một người đệ tử Phật chân chính khi xưa, đi, đứng, nằm, ngồi với lục căn hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, đánh mất đi hoàn toàn ý nghĩa, mục đích, cứu cánh, cốt lõi của sự tu hành là giải thoát hết khổ, chấm dứt hoàn toàn đau khổ.

Khi xưa, một người tìm đến gặp Đức Phật xin xuất gia, Ngài thường đưa ra một số những câu hỏi để dò xét, tìm hiểu, nhằm hướng cho mọi người giác ngộ, có được nhận thức đúng đắn, tìm đến với đạo tu tập chỉ với một mục đích duy nhất là tầm cầu giải thoát hết khổ, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, hết tham, hết sân, hết si, có được cuộc sống hạnh phúc, an bình, an vui ngay trong từng phút giây hiện tại. Ngài tìm hiểu có phải vì người này mắc nợ, thiếu nợ ai đó không có tiền trả, trốn nợ, hoặc trốn thuế triều đình, sợ bị bắt, sợ đi tù mà đi xuất gia? Hoặc có phải vì buồn chuyện gia đình, giận cha mẹ, chồng vợ, con cái gì mà bỏ đi xuất gia? Hay vì bị ai đó ép buộc, dụ dỗ, đe dọa phải đi xuất gia? Có phải vì thất tình, bị tình phụ, buồn khổ quá mà bỏ đi xuất gia? Có phải vì thấy sống ở đời vất vả, cực khổ, nghèo đói, túng thiếu quá mà xin xuất gia? Có phải vì làm ăn thất bại, mất mát tài sản, buồn chán quá mà đi xuất gia? Có phải vì thấy người tu hành sướng quá, không phải làm gì cực khổ, lại được mọi người cung kính, lễ bái, trọng vọng, cúng dường mà xin xuất gia… 

Khi xưa Đức Phật đặt ra nhiều câu hỏi, đưa ra nhiều lý do để dò xét, xem vì nguyên nhân gì mà người này quyết định từ bỏ gia đình, để xin gia nhập vào hàng ngũ Tăng đoàn, trở thành một vị Sa môn khất sĩ, Ngài loại bỏ dần những tư tưởng, suy nghĩ tà niệm xuất gia bất chính, hướng mọi người đến sự giác ngộ chân lý. Vì nếu mục đích xuất gia vì những nguyên do ích kỷ, phiền não, tham muốn phàm tục, muốn nhàn hạ, muốn ăn trên ngồi trước, muốn làm thầy thiên hạ… thì chỉ uổng phí một đời tu hành, không có lợi ích gì cho bản thân, mà ngược lại còn ảnh hưởng xấu, tai tiếng, làm ô uế, nhơ nhớp đến cả một tập thể, đoàn thể Tăng đoàn, làm mất lòng tin của các tín đồ Phật tử chân chính, tự tạo thêm cho mình nghiệp chướng sâu dày về sau. 

Thông thường, sau khi được nghe Đức Phật hỏi về nguyên nhân ý định, ý muốn xuất gia, một người giác ngộ được sự thật chân lý trả lời: 


“Thưa Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hạnh phúc cho con! Thật là hạnh phúc cho con! Con không phải vì tất cả các nguyên do ích kỷ, tham muốn thường tình kể trên, mà từ bỏ gia đình, để xin theo Thế Tôn xuất gia, con vì giác ngộ được sự thật chân lý từ những lời giảng dạy của Thế Tôn. Qua những lời giảng dạy, soi sáng của Thế Tôn, tâm con được khai mở, con nhận thức, thấy ra được bốn sự thật Tứ Diệu Đế về khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường hướng đến diệt khổ. Giác ngộ, thấy ra được bốn sự thật này, tâm con rất vui mừng, hạnh phúc, vì bắt đầu từ hôm nay cho đến cuối đời, con đã định được hướng đi cho cuộc đời của mình, con sẽ nương theo ánh sáng, trí tuệ sự hướng dẫn, dạy bảo của Thế Tôn. Xin Thế Tôn cho phép con được gia nhập Tăng Đoàn, xin nhận con làm đệ tử Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.” 


Sau khi được nghe người này, nói lên về sự giác ngộ sự thật, chân lý của mình, Đức Phật lại hỏi tiếp: “Nhưng con theo Ta xuất gia tu hành rất cực khổ, vất vả, phải từ bỏ hết tất cả mọi thú vui dục lạc ở đời, ăn ngày chỉ một bữa, ba y một bát, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, sống cô đơn, cô tịch một mình, ngủ nghỉ thì ở trong rừng, dưới gốc cây, tàng cây, khe suối, hang đá, chịu sương, chịu nắng, nóng, lạnh, gió, rét, muỗi mòng, thức khuya, dậy sớm, phải chịu sự sai bảo, rầy la, quở phạt của các Bậc Trưởng Thượng, nếu có những lỗi lầm sai phạm. Phải thử thách sống biệt trú bốn tháng như vậy, con có kham nhẫn để vượt qua không?” 

Khi nghe Đức Phật đưa ra những thử thách khó khăn như vậy, người này không chút ngần ngại, mà hoan hỷ trả lời một cách xác quyết: 

“Bạch Đức Thế Tôn! Con kham nhẫn được tất cả, chẳng những sống biệt trú bốn tháng, dù cho Thế Tôn có đưa ra thử thách là bốn năm, con cũng xin hoan hỷ, tùy thuận, bằng lòng, sống đời sống phạm hạnh thanh tịnh, xin Thế Tôn nhận con làm đệ tử xuất gia, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.” 


Khi được nghe người này trả lời với lòng đầy nhiệt quyết như vậy, Đức Phật mới nhận lời cho người này xuất gia, trở thành một vị Sa môn, khất sĩ chân chính. Khi được xuất gia, gia nhập Tăng Đoàn một thời gian, người này nỗ lực, siêng năng, tinh tấn tu tập, hành trì đúng pháp, xả được tâm, trừ diệt sạch được hết các kiết sử, lậu hoặc, triền cái, không bao lâu cũng trở thành một Bậc Thánh Tăng A La Hán. 

Cho nên, khi xưa một người đến với Đức Phật tu hành, điều kiện tiên yếu là phải giác ngộ thì Ngài mới nhận cho xuất gia, vì tu là phải giác ngộ, có giác ngộ hiểu biết thế nào là khổ, khổ bao gồm những gì? Nguyên nhân của khổ là gì? Thế nào là trạng thái diệt khổ và con đường hướng đến diệt khổ? Chúng ta có hiểu biết rõ, thông suốt được về khổ và nguyên nhân của khổ thì mới nhận diện được khổ, mới đủ sức kham nhẫn vượt qua mọi chướng ngại, mới trừ diệt được các kiết sử, lậu hoặc phiền não, mới thành tựu được đạo quả giải thoát, hết khổ, chấm dứt được hoàn toàn đau khổ.

Đa phần, mọi người ngày nay ít nhiều gì cũng nhận thức, thấy ra bản chất cuộc đời này là vui ít, khổ nhiều. Tìm đến với đạo, bản thân mỗi người đều muốn giải thoát, hết khổ, nên rất ham tu, khuyên dạy lẫn nhau, phải ráng tu, nghe nói ở đâu có Quý Thầy, Quý Sư đứng ra tổ chức, giảng dạy, thực hành theo một pháp môn nào đó nhanh, sớm có kết quả, mau hết khổ, có cuộc sống an vui hạnh phúc liền là vui mừng, ham hở, không có nệ khó nhọc, đường xá xa xôi, thậm chí ra tận nước ngoài để đăng ký, ghi danh, tu tập hoặc gián tiếp tìm hiểu, đọc, xem qua các nguồn tư liệu trên mạng internet hay kinh điển, sách báo được in ấn, đăng tải trên các tạp chí, trưng bày, bán ở các chùa chiền, tự viện… như chúng ta đã từng được nghe, thấy như: lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, ngồi thiền, bố thí, làm phước, cúng dường, từ thiện, phóng sanh… 

Nếu một người chịu khó, siêng năng tu tập, công phu đều đặn là sẽ có được mọi điều như ý nguyện, thành công, phát đạt, mua may bán đắt, mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, đời sau sinh ra là được hưởng mọi điều sung sướng, an vui hạnh phúc, giàu sang phú quý, sau khi chết sẽ được về với Phật… hứa hẹn đủ điều. Mục đích, cứu cánh thật sự của người tu, kết quả hướng đến có được, đạt được là gì? Tâm thanh tịnh, bất động không còn phiền não, hết tham, hết sân, hết si, giải thoát, không còn đau khổ. 

Nhưng câu hỏi được đặt ra, nguyên do, vì sao mặc dù có siêng năng tinh tấn, công phu, hành trì tu tập đều đặn mỗi ngày, nhưng khi đối diện, giáp mặt với đời sống thường nhật, đứng trước mọi vấn đề nan giải phức tạp, khó khăn, cần được giải quyết, thì đau khổ vẫn hoàn đau khổ, tham, sân, si, phiền não cố tật vẫn còn nguyên: bất an, căng thẳng, mệt mỏi, bức xúc, buồn phiền, sân giận, lo lắng, ưu tư, sợ hãi vẫn còn nguyên. Vì sao như vậy? Có bao giờ chúng ta tự hỏi, những gì mình đang thực hành tu tập có đúng với Chánh Pháp, đúng với những lời dạy của Đức Phật khi xưa không? Câu trả lời rõ ràng là không đúng, vì tất cả những gì chúng ta đang hành trì, tu tập mỗi ngày, chỉ giải quyết phần cành nhánh, lá ngọn, chỉ để xoa dịu, an ủi đau khổ trên bề mặt tâm thức, chưa đi vào thực chất, nội dung, cội rễ nguồn gốc của khổ và nguyên nhân của khổ. 

Chúng ta đa phần là những con người hiền lành, có thiện tâm, thiện chí, hướng thượng, hướng thiện, thích tu, ham tu nhưng nguyên do, vì chúng ta quá vội vàng, nôn nóng, quá dễ dãi, quá cả tin, không tìm hiểu sự thật, chân lý nguồn cội của khổ và nguyên nhân của khổ một cách nghiêm túc, cẩn thận, kỹ lưỡng, thấu đáo. Chúng ta tu muốn hết khổ, mà không hiểu biết thế nào là khổ, thế nào là nguyên nhân của khổ, thì làm sao trừ diệt được khổ. Có thấy khổ và nguyên nhân của khổ từ đâu sinh khởi, bắt nguồn từ đâu, thì mới trừ diệt được khổ, mới từ bỏ, mới đoạn tận được cội rể của khổ. 

Đạo Phật là đạo Giác Ngộ, đạo Trí Tuệ. Vì vậy, bước vào sự nghiệp tu hành, việc đầu tiên đến với đạo là chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa, mục đích và cứu cánh của sự tu hành trong đạo Phật là gì? Và nếu sự tìm hiểu, học hỏi của chúng ta kỹ lưỡng, thận trọng, thấu đáo càng nhiều bao nhiêu, thì cuộc đời tu hành của chúng ta sẽ đỡ cực khổ, vất vả, đỡ tốn công, tốn của, mất thời gian, hao tâm tổn trí càng nhiều bấy nhiêu. Chúng ta tu không có khó khăn, không có mệt nhọc, không còn sợ bị lầm đường, lạc lối, tu đến đâu là có được kết quả thiết thực hiện tại, hết khổ, giải thoát, bình an, hạnh phúc, Niết Bàn đến đó.

Đọc lại lịch sử khi xưa, một đạo Phật Nguyên Thủy, tinh nguyên được hình thành tại đất nước Ấn Độ, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bậc Đạo Sư đã đem lại sự lợi ích thiết thực vô cùng to lớn, giải quyết được tận nguồn cội của đau khổ, giúp cho con người thời đó có được cuộc sống hạnh phúc, bình an, bất tử Niết Bàn ngay trong đời sống hiện tại. 

Nhưng kể từ khi Đức Phật nhập diệt và các vị Thánh Tăng A La Hán dần dần vắng bóng, thì Chánh Pháp, Pháp thiết thực hiện tại, Diệt Đế, Niết Bàn không có không gian, thời gian, có quả tức thời, giải quyết được tận nguồn gốc của đau khổ cũng theo đó mà bị mai một, vùi lấp. Do không còn được người giác ngộ, chứng đạo thật sự đi trước, soi đường dẫn lối, khiến cho người đời, nhiều thế hệ về sau, mờ mịt lại càng thêm mờ mịt, vô minh chồng chất vô minh. Tuy có tấm lòng mộ đạo chân chính, nhưng do thiếu trí tuệ, không thấy được sự thật, hiểu chân lý một cách sai lệch, phát minh ra nhiều đường lối, nhiều pháp môn chia chẻ manh mún, chỉ tu trên cành nhánh, lá ngọn, không đi đúng theo lời dạy của Đức Phật năm xưa, tu hành phải có căn bản, trình tự, thứ lớp, phải bao gồm Giới, Định, Tuệ đầy đủ. 

Như Đức Phật đã từng xác quyết, giảng dạy, nhắc nhở nhiều lần trong kinh điển: “Sở dĩ Ta và các ông bị trôi lăn trong biển khổ sinh tử, là vì sống không đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ. Do sống không đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, Ta và các ông phải bị trôi lăn trong biển khổ sinh tử. Và nay, do nhờ sống đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, Ta và các ông được giải thoát, chấm dứt hoàn toàn đau khổ.” 

Cho nên hết thế hệ này, đến thế hệ kia, nối tiếp nhau tu hành cực khổ, vất vả, nhiều tháng, nhiều năm, mà cứ vẫn giậm chân tại chỗ, không đem đến kết quả giải thoát, đau khổ vẫn hoàn đau khổ, tham, sân, si vẫn cứ con nguyên. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu, đối chiếu, phân tích, tìm ra sự thật vì sao như vậy. Tu theo Đức Phật Thích Ca thời nguyên thủy là gì? Sự thật tu như thế nào là tu đúng, tu như thế nào là tu sai? Tu như thế nào mới thật sự gọi là tu ? Tu như thế nào mới thật sự hết khổ, giải thoát, chấm dứt hoàn toàn đau khổ? 

Chúng ta hãy cùng nhau đọc qua phẩm kinh “Tâm Đặt Sai Hướng” trong Kinh Tăng Chi: 

“Ví như, này các Tỷ Kheo, sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch bị đặt sai hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì sợi râu bị đặt sai hướng. Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, vị Tỷ Kheo, với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết Bàn, sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì tâm bị đặt sai hướng. Ví như, này các Tỷ Kheo, sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, Vị Tỷ Kheo, với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết Bàn, sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì tâm được đặt đúng hướng”. 


Tu là giác ngộ. Giác ngộ ra sự thật, chân lý, giác ngộ ra con đường hai ngả, thiện ác, tội phước. Thiện, lợi mình, lợi người thì dẫn đến bình an, hạnh phúc; Ác, làm khổ mình, khổ người thì đưa đến đau khổ, trầm luân. Có giác ngộ, nhận thức đúng ra được sự thật chân lý, thì chúng ta mới biết điều chỉnh từng suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình sống trên điều lành, điều thiện. 

Vì vậy, khi xưa, những ai có duyên lành đến với Đức Phật, Ngài thường hướng dẫn, chỉ dạy cho mọi người tu tập, hành trì rất căn bản, kỹ lưỡng từ thấp lên cao, phù hợp đúng với từng đặc tính, đặc tướng của mỗi người. Giống như biển cả thuận hướng từ trong bờ cạn, đi ra xa thì sâu dần, sâu dần. Ngài nói Pháp của Ngài dạy cũng vậy, là tu từ từ, xả từ từ và chứng từ từ, nghĩa là không có sự chứng đạo đột ngột và sự tu hành phải trải qua ba giai đoạn: học pháp, hành pháp và chứng pháp. 

Thông thường thời Đức Phật vị tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia học pháp, là người này trực tiếp đến thưa hỏi, lắng nghe những lời giảng dạy của Đức Phật, hoặc gián tiếp từ các vị Thánh Tăng A La Hán, khi đã hiểu, thông suốt thì bước tiếp theo mới hành pháp. Nếu chưa hiểu, chưa thông suốt mà đã vội vàng, nôn nóng hành trì tu tập thì sự tu hành của chúng ta sẽ không có kết quả, bị ức chế, giậm chân tại chỗ. 

Cho nên, từ "hành pháp" (dụng công tu tập) ở đây không nhất thiết buộc, ép cái thân này phải cực khổ thức khuya, dậy sớm, tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền nhiều giờ như hiện nay ở khắp mọi nơi, các chùa chiền hay tự viện mọi người đang tu tập, mà là giác ngộ trên cái trí, giác ngộ thấy ra được sự thật khổ và nguyên nhân của khổ. Từ đó các Vị tự nguyện, tự giác sống đời sống đời phạm hạnh, hộ trì Thánh Giới Uẩn, Thánh Hộ Trì Các Căn, Thánh Chánh Niệm Tỉnh Giác, Thánh Thiểu Dục Tri Túc để diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly bất thiện pháp. 

Hành Pháp là xả tâm, ngăn và trừ diệt, xả bỏ các tâm bất thiện triền cái, kiết sử xấu ác, tham, sân, si nơi tâm thức của mình. Xả được tâm, xả được kiết sử, lậu hoặc, phiền não dẫn đến hại mình, hại người đến đâu là có sự bình an, hạnh phúc, Diệt Đế, Niết Bàn đến đó. Xả được tâm hoàn toàn, thì được giải thoát hoàn toàn ngay trong hiện kiếp. 

Vì vậy, khi xưa Đức Phật dạy một người tu đúng đường, đặt đúng hướng thì người này phải trải qua quá trình học pháp và hành pháp như sau:


1. Thân cận Bậc Thiện Hữu Tri Thức

2. Học, hiểu, thông suốt về bốn sự thật chân lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo cùng các Pháp Hành trợ đạo như Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực… thấy ra được bản chất như thật của đời sống, biết tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, khổ, vô ngã, là pháp sinh diệt, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan, không có cái gì là ta, là của ta, là tự ngã của ta, các dục thế gian vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn… Khi sự học, hiểu, thâm nhập Pháp càng thông suốt, càng sâu sắc đến đâu, thì, lòng tham muốn, tham ái, tham dục, chấp thủ, chấp ngã, tà kiến, tham, sân, si của chúng ta cũng theo đó mà muội lược, giảm thiểu, mỏng nhạt dần đến đó. Nhờ siêng năng học hỏi, trau dồi, tu tập đúng Chánh Pháp mà chúng ta có đầy đủ lòng tin, nội lực, sức mạnh (Tín Căn, Tín Lực, Tấn Lực) để trong đời sống khi gặp trở ngại, chướng duyên, gặp người xấu, người ác, chúng ta biết cách ứng xử, kịp thời hóa giải tức thời mọi đau khổ, phiền não khi chúng xuất hiện nơi tâm thức của mình.

3. Giác ngộ được Pháp thiết thực hiện tại, Diệt Đế, Niết Bàn nơi chấm dứt hoàn toàn đau khổ là không có không gian, thời gian, có quả tức thời, chỉ người trí tự mình giác hiểu. Trạng thái Diệt Đế, Niết Bàn vĩnh hằng an vui, hạnh phúc không nằm ở một cõi giới xa xăm, huyền nhiệm nào, mà ở ngay trong tâm thức của chính mình trong từng sát na hiện tại.

4. Có đời sống phạm hạnh thanh tịnh, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ có tiết độ, có giờ giấc, ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt, phi thời. Trường hợp đối với người bệnh, người sức khỏe, thể tạng yếu, suy nhược, chúng ta có thể ăn nhẹ, uống thêm sữa hoặc bột ngũ cốc vào buổi chiều.

5. Hộ trì gánh nặng thiện pháp. Hộ trì, giữ gìn ba nơi thân, khẩu, ý từng suy nghĩ, lời nói, hành vi luôn sống trên điều lành điều thiện, chánh thiện. Sống không làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh. Ngăn ngừa các điều ác, từ bỏ các điều ác, đoạn tận các điều ác.

6. Không nhìn lỗi người, chỉ chuyên tâm nhìn lỗi mình để tu sửa. Từ bỏ, không tranh luận hơn thua, thiệt hơn, phải trái, đúng sai, không khen mình, chê người, không chỉ trích, nói xấu, phê bình, phê phán bất kỳ ai.

7. Có Lòng Từ, Lòng Bi, Lòng Hỷ, Lòng Xả, biết thông cảm, thương yêu, bao dung, tha thứ, hỷ xả đến muôn vạn loài chúng sinh.

8. Không chấp thủ hai đời, thân hiện tại đời này và thân tương lai đời sau. Đức Phật dạy người giác ngộ, có Chánh Kiến là người không chấp thủ hai đời, không có buồn khổ, bất an, lo lắng, sợ hãi khi thân này có rủi ro tai nạn, bệnh hoạn đau ốm hay mong muốn, ước muốn cho thân đời sau được mọi điều tốt đẹp, được an lành hơn, hạnh phúc hơn. Sống tỉnh thức, sáng suốt, hoan hỷ, tùy thuận, bằng lòng, an vui với cuộc sống hiện tại.

9. Quán chiếu cái thân ngũ uẩn này với Chánh Trí Tuệ, từ xa đến gần, từ trong ra ngoài, từ thô đến tế, từ tốt đến xấu… không thấy có cái gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Không thấy có gì là mình, là của mình, mình không là gì cả.

10. Tu tập hướng đến phá trừ năm triền cái là tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi.

11. Tu tập hướng đến trừ diệt mười kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử và vô minh.

Sau khi đã tìm hiểu sơ lược, thông qua quá trình tu tập, học pháp và hành pháp hướng đến sự giải thoát không còn đau khổ của Chánh Pháp Nguyên Thủy khi xưa thời Đức Phật. Để biết được mình hoặc huynh đệ, đồng đạo, bè bạn, những người thân xung quanh mình đang tu tập theo một Tông Phái hay một pháp môn nào có tu đúng theo những gì Đức Phật dạy trong kinh điển khi xưa không? Mỗi người chúng ta phải luôn tự phản tỉnh, quan sát, nhìn lại chính mình xem những tâm niệm, những suy nghĩ, lời nói, hành vi bất thiện, xấu ác nơi bản thân mình có giảm thiểu nhiều không, có thật sự hết chưa? Và các tâm thiện, điều lành nơi mình có sinh trưởng, tăng trưởng lên không? Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả có tăng trưởng hơn, có quảng đại hơn không? Tu hành giải thoát là phải lấy phạm hạnh đạo đức làm nền tảng. Một người tu đúng thì đạo hạnh, đạo đức bên trong phải được tu dưỡng, hàm dưỡng, tăng trưởng, lớn dần lên theo thời gian, qua sự hành trì tu tập, cũng như hạ lạp, tuổi đời, tuổi đạo của người đó. Đạo đức, đạo hạnh, điều thiện điều lành bên trong phải được thể hiện ra bên ngoài qua từng lời nói, hành vi, cử chỉ, từng ánh mắt, nụ cười trên gương mặt của người đó luôn toát ra một vẻ hiền lành, thân thiện, vui tươi, từ ái, khiêm cung, chân thật, thông cảm, bao dung, tha thứ, hỷ, xả hoàn toàn. 

Đạo Phật là đạo của sự thật, đạo Giác Ngộ, đạo Trí Tuệ. Sự thật là sự thật, không có một ai trên đời này có thể tạo ra được sự thật. Khi xưa Đức Phật tuyên bố, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Những gì Ta chứng tri, chứng ngộ, Ta đem ra thuyết giảng, trình bày, nói lên sự thật, Ta không có phản lại lời hứa đối với đời, không có nói láo trong Ta. Pháp, những gì Ta giảng dạy, sự bình an, hạnh phúc, Diệt Đế, Niết Bàn, là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có quả tức thời, chỉ người trí tự mình giác hiểu. 

Khi một người giác ngộ, thông suốt Tứ Diệu Đế, có Chánh Kiến thấy ra được sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ là người này không còn chấp thủ hai đời, thân hiện tại và thân tương lai, thân kiến bỏ sang môt bên, từ đây người này không còn có khái niệm sợ khổ, buồn phiền, lo lắng, than vãn về khổ hay ham thích, vui thích hưởng thụ dục lạc ở đời, không còn sợ lầm đường, lạc lối. Tu đúng theo lời dạy của Đức Phật khi xưa là nhất hướng Niết Bàn. (Nhất hướng, yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn). 

Chúng ta luôn biết hướng tâm mình, an trú tâm mình trên điều thiện, niệm thiện, từ bỏ các điều ác, đoạn tận các điều ác, sống không làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh, sống với mọi người xung quanh mình bằng Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả. Chúng ta sống đạo đức, vui vẻ, hoan hỷ, bằng lòng trước tất cả mọi hoàn cảnh nhân quả khó khổ đến với mình, xả được tâm, xả được kiết sử, lậu hoặc, phiền não, dục, ác pháp, bất thiện pháp đến đâu là có được hạnh phúc bình an, Niết Bàn đến đó. Xả được tâm, đoạn tận được các kiết sử, phiền não tham, sân, si hoàn toàn, thì chúng ta chứng đạt chân lý Diệt Đế, Niết Bàn ngay trong hiện kiếp.


(Thích Tánh Trí, Lời Phật Dạy, Nxb. Hồng Đức, 2020)

Link download 3 quyển sách của Sư Tánh Trí



Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí

Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa. Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY...