Câu hỏi của Diệu Thanh
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có vài điều chưa hiểu, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ:
Con hiểu diệt trừ bản ngã là tầm quan trọng của việc tu. Có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Đúng
vậy, diệt trừ bản ngã là điều quan trọng trong Phật giáo. Nếu không diệt bản
ngã thì không bao giờ có giải thoát.
Nói diệt ngã thì dễ mà hành diệt ngã thì khó, hành diệt
ngã còn phải hành đúng pháp, đúng pháp như thế nào?
Đúng pháp là phải đúng Bát Chánh Đạo, ngoài Bát Chánh
Đạo ra thì không có pháp nào tu tập diệt ngã được.
Các con nên lưu ý: đức Phật đã xác định trên Bát Chánh
Đạo có những pháp môn tu tập rõ ràng và cụ thể. Đừng nên nghe ngoại đạo lừa đảo
đưa những tà pháp không đúng chánh pháp như lời Phật dạy trong kinh sách Nguyên
Thủy.
Đức Phật thường dạy chúng ta tu tập: “Thân này
không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta” hoặc dạy về thân ngũ uẩn:
“Sắc uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thọ uẩn này
không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Tưởng uẩn này không phải là ta,
là của ta, là bản ngã của ta. Hành uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản
ngã của ta. Thức uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta”.
Khi chúng ta thường tác ý quán như vậy thì bản ngã của chúng bị diệt.
Khi Bàhiya tha thiết cầu Phật dạy pháp trên đường Phật
đang đi khất thực. Ba lần Phật từ chối, nhưng ba lần Ông cầu thỉnh với lòng tha
thiết. Vì thế, đức Phật dạy ngay bài kinh diệt ngã trên đường đang đi xin ăn: “Này
Bàhiya, Ông cần phải học như sau: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái
nghe sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái
thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”. Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì
rằng này Bàhiya, nếu Ông, trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ
chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức
tri sẽ chỉ là cái thức tri”. Do vậy, này Bàhiya. Ông không là chỗ ấy. Vì rằng,
này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa.
Như vậy là đoạn tận khổ đau”. (Tiểu Bộ kinh tập 1 Trang 128).
Khi nhận ra sáu căn, sáu thức này không phải là ta, là
của ta, là bản ngã của ta thì ngay đó bản ngã đã được diệt và bản ngã đã được
diệt thì sự giải thoát ở chỗ đó.
(Đường Về Xứ Phật, T5)
No comments:
Post a Comment