Sunday, August 16, 2020

Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí



Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa.
Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY đến với mọi người và có cuộc sống bình an giải thoát.

Link download






Thursday, August 13, 2020

[Lời Phật Dạy] - VAI TRÒ CỦA BẬC THIỆN HỮU TRI THỨC

Khi xưa Đức Phật dạy để học pháp, hiểu pháp và hành pháp cho đúng, bước đầu tiên của một người tu hành chân chính, hướng đến sự giác ngộ, giải thoát, là phải tìm đến các Bậc Thánh, các Bậc Chân Nhân, Bậc Thiện Hữu Tri Thức tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, giải thoát để nhờ các Ngài khai thị, khai ngộ chỉ ra những chỗ vô minh, si mê, tà kiến trong nhận thức của chúng ta ngay trong đời sống hiện tại cũng như nhiều kiếp sống luân hồi trước đó. Hầu hết, đa phần người tu ngày nay đều hiểu biết được lời Đức Phật dạy tham là khổ, sân là khổ, si là khổ; tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, si là cấu uế của tâm. 


Tuy nhiên, để sống như thế nào, tu hành như thế nào cho hết khổ, hết tham, hết sân, hết si, tâm không còn cấu uế, phiền não, thì hầu như chúng ta chỉ giải quyết được phần cành lá, nhánh ngọn, chưa có phương cách nào thực sự để đào sâu, dọn sạch, bứng sạch được tận gốc rễ của đau khổ. 

Vì vậy, sống ở đời, một người khởi ý muốn đi tìm con đường giải thoát hết khổ, không còn tham, còn sân, còn si, thì điều căn bản đầu tiên, là chúng ta phải tìm đến các Bậc Thánh, Bậc Minh Sư, Bậc Thiện Hữu Tri Thức tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, giải thoát, việc tu hành đã thành mãn, để thưa hỏi, học hỏi, nhờ các Ngài, giúp cho mình khai mở trí tuệ

chỉ có những Bậc hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn giải thoát mới có thể giúp cho mình được Chánh Kiến, hiểu biết thông suốt về bốn sự thật, chân lý Tứ Diệu Đế. Vì muốn hết khổ, thoát khổ mà không tìm hiểu, không học hỏi, không biết thế nào là khổ, không biết thế nào là nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường hướng đến diệt khổ, thì không có phương cách nào có thể trừ diệt, đoạn diệt được tận gốc rễ của khổ. 

Nhờ có Chánh Kiến, biết được sự thật thế nào là khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ, biết thế nào là thiện ác, tội phước, phải trái, đúng sai; biết thế nào là Minh, thế nào là vô minh, si mê, chấp thủ, tà kiến... Từ đây chúng ta mới có được định hướng, chủ hướng rõ ràng, có được niềm tin vững chắc, không còn sợ lầm đường lạc lối, nhờ vậy, sự tu hành sẽ dễ dàng hơn, đỡ cực khổ vất vả hơn, tu sẽ không có khó khăn, không có mệt nhọc, tu đến đâu là có kết quả, lợi ích thiết thực, hết khổ, bình an hạnh phúc, giải thoát, Niết Bàn đến đó. 

Cho nên, khởi điểm ban đầu đến với đạo, đặt đúng hướng, là chúng ta phải tìm đến Bậc Thiện Hữu Tri Thức để học hỏi, thưa hỏi, nhờ các Ngài giảng dạy, khai thị giúp cho chúng ta giác ngộ, hiểu biết về bốn sự thật, chân lý Tứ Diệu Đế. Vì vậy, vai trò cũng như sự có mặt, hiện hữu của Bậc Thiện Hữu Tri Thức trên cuộc đời này là vô cùng quan trọng. Các Ngài đã thắp lên ánh sáng chân lý, khơi dậy niềm tin, mang đến điều thiện chân chính, Tâm Từ, lòng thương yêu thật sự của các Ngài đem đến với cuộc đời này, vốn gần như đã bị thiêu rụi, tắt lịm từ lâu, bởi sự ích kỷ, nhỏ nhen, mưu mô, hiểm độc của con người đã chôn giấu, vùi lấp, che lấp sự thật chân lý suốt một thời gian dài hơn 20 thế kỷ. Trí Tuệ của các Ngài ví như ánh mặt trời chiếu soi vào tâm thức u mê, tăm tối ngàn đời của chúng sinh, giúp cho loài người bừng tỉnh, thấy ra mọi tội lỗi, tội ác sai lầm, thấy ra nguồn cội của khổ và nguyên nhân của khổ, những tâm niệm bất thiện, tham lam, giành giật hơn thua, ích kỷ, ác độc trong chính nội tâm mình. Lòng Từ Bi của các Ngài tợ như dòng suối mát tuôn chảy, tưới xuống mảnh đất tâm hồn của con người vốn cằn cỏi, khô héo, ngột ngạt, oi bức, bất an, dằn vặt bởi dung chứa, tích chứa, đầy lòng sân hận, tỵ hiềm, đố kỵ, gian hiểm, thâm độc, ác độc. 

Vì vậy, thật là hạnh phúc thay cho những ai, có duyên lành trên cuộc đời này hữu duyên gặp được, thân cận được Bậc Thiện Hữu Tri Thức để thưa hỏi, học hỏi, thu nhận, tiếp nhận được nguồn năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ của các Ngài. Nhờ trực tiếp thưa hỏi, học hỏi, thu nhận, tiếp nhận được nguồn năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ này mà chúng ta nhanh chóng giác ngộ được sự thật chân lý, chúng ta được các Ngài khai thị, soi sáng, khai tâm mở trí, chỉ dạy cho chúng ta những phương thức, phương pháp, cách thức tu tập, hành trì hướng đến đời sống phạm hạnh thanh tịnh, diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly bất thiện pháp. Sự thật chân lý về khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường đưa dến diệt khổ được giảng dạy, trình bày, phân tích, hiển lộ, không bị vo tròn, bóp méo, không bị thêm thắt, tưởng tượng, không qua lăng kính trung gian, kiến giải của bất kỳ một cá nhân, hay một bậc thầy nào, mà người này chưa thật sự giải thoát. 

Nhờ vậy, chúng ta không hiểu sai, hành sai, chúng ta tu tập, hành trì xả tâm, xả bỏ được các kiết sử, lậu hoặc, phiền não tham, sân, si đến đâu là có được kết quả, giải thoát, bình an, hạnh phúc, Niết Bàn đến đó. Vì vậy khi xưa, những người nào có duyên lành gặp Đức Phật, được Ngài trực tiếp khai thị, giảng dạy, đều chứng đạo, giải thoát, chứng Pháp Nhãn Thanh Tịnh, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, chấm dứt sinh tử luân hồi ngay trong đời sống hiện tại. Trong kinh còn ghi lại, khi một vị Bà La Môn nào có duyên lành được Đức Phật khai thị, ngay đó chứng được Pháp Nhãn Thanh Tịnh, Vị đó thường cất lên lời tán thán, ca ngợi Đức Phật hết lời: “Vi diệu quá Bạch Thế Tôn! Vi diệu quá Bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che khuất, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Pháp thiết thực hiện tại (Diệt Đế, Niết Bàn) đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, khai sáng. Xin cho con được quy y, được xuất gia theo Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.


Thursday, July 2, 2020

Sư Tánh Trí - Giác Ngộ Chân Lý



Khi xưa một người đến với Đức Phật xin xuất gia, Ngài thường tìm hiểu, xem xét rất kỹ lưỡng, từ những nguyên nhân gì, từ động cơ gì, vì sao một người quyết định rời khỏi gia đình, từ biệt những người thân thương: cha, mẹ, anh, chị, em, bà con quyến thuộc, từ bỏ mọi công danh, sự nghiệp ở đời, xin xuất gia trở thành một người tu sĩ, khất sĩ không nhà, rày đây mai đó.

Có lẽ xưa và nay, thời nào cũng vậy, không khác, có rất nhiều nguyên do để khiến cho một người khởi lên ý muốn xuất gia. Có nhiều người xuất gia tâm rất chân chính, vì lý tưởng, vì yêu đạo, mến đạo, vì giác ngộ sự thật chân lý mà xuất gia nhưng cũng không ít những hạng người xuất gia từ những động cơ, động lực không chân chính. Cụ thể là đặc biệt thời nay, không nói ra thì mọi người chúng ta cũng đều thấy, biết số người xuất gia không chân chính, không có lý tưởng, không có đủ phẩm chất đạo đức, đạo hạnh, phạm hạnh trong các chùa chiền, tự viện… tương đối khá nhiều. Một phần do sự thiếu hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa, mục đích, cứu cánh của sự tu hành, một phần do sự quá dễ dãi của các vị Trụ Trì, thiếu trách nhiệm với đạo pháp, cho xuất gia một cách tùy tiện, dễ dàng, không cần tra hỏi, tìm hiểu động cơ, nguyên nhân vì sao người này xuất gia, hoặc vì tranh đua nhau, muốn hơn thua nhau về số lượng người xuất gia giữa chùa này với chùa kia, tịnh xá này với tịnh xá nọ, chùa được nổi tiếng vì có nhiều người xuất gia hơn, tranh hơn thua nhau chạy theo số lượng, dần dần đánh mất đi giá trị, phẩm chất đạo đức cao quý, đánh mất đi hình ảnh thiêng liêng, trang nghiêm, thanh tịnh của một người đệ tử Phật chân chính khi xưa, đi, đứng, nằm, ngồi với lục căn hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, đánh mất đi hoàn toàn ý nghĩa, mục đích, cứu cánh, cốt lõi của sự tu hành là giải thoát hết khổ, chấm dứt hoàn toàn đau khổ.

Khi xưa, một người tìm đến gặp Đức Phật xin xuất gia, Ngài thường đưa ra một số những câu hỏi để dò xét, tìm hiểu, nhằm hướng cho mọi người giác ngộ, có được nhận thức đúng đắn, tìm đến với đạo tu tập chỉ với một mục đích duy nhất là tầm cầu giải thoát hết khổ, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, hết tham, hết sân, hết si, có được cuộc sống hạnh phúc, an bình, an vui ngay trong từng phút giây hiện tại. Ngài tìm hiểu có phải vì người này mắc nợ, thiếu nợ ai đó không có tiền trả, trốn nợ, hoặc trốn thuế triều đình, sợ bị bắt, sợ đi tù mà đi xuất gia? Hoặc có phải vì buồn chuyện gia đình, giận cha mẹ, chồng vợ, con cái gì mà bỏ đi xuất gia? Hay vì bị ai đó ép buộc, dụ dỗ, đe dọa phải đi xuất gia? Có phải vì thất tình, bị tình phụ, buồn khổ quá mà bỏ đi xuất gia? Có phải vì thấy sống ở đời vất vả, cực khổ, nghèo đói, túng thiếu quá mà xin xuất gia? Có phải vì làm ăn thất bại, mất mát tài sản, buồn chán quá mà đi xuất gia? Có phải vì thấy người tu hành sướng quá, không phải làm gì cực khổ, lại được mọi người cung kính, lễ bái, trọng vọng, cúng dường mà xin xuất gia… 

Khi xưa Đức Phật đặt ra nhiều câu hỏi, đưa ra nhiều lý do để dò xét, xem vì nguyên nhân gì mà người này quyết định từ bỏ gia đình, để xin gia nhập vào hàng ngũ Tăng đoàn, trở thành một vị Sa môn khất sĩ, Ngài loại bỏ dần những tư tưởng, suy nghĩ tà niệm xuất gia bất chính, hướng mọi người đến sự giác ngộ chân lý. Vì nếu mục đích xuất gia vì những nguyên do ích kỷ, phiền não, tham muốn phàm tục, muốn nhàn hạ, muốn ăn trên ngồi trước, muốn làm thầy thiên hạ… thì chỉ uổng phí một đời tu hành, không có lợi ích gì cho bản thân, mà ngược lại còn ảnh hưởng xấu, tai tiếng, làm ô uế, nhơ nhớp đến cả một tập thể, đoàn thể Tăng đoàn, làm mất lòng tin của các tín đồ Phật tử chân chính, tự tạo thêm cho mình nghiệp chướng sâu dày về sau. 

Thông thường, sau khi được nghe Đức Phật hỏi về nguyên nhân ý định, ý muốn xuất gia, một người giác ngộ được sự thật chân lý trả lời: 


“Thưa Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hạnh phúc cho con! Thật là hạnh phúc cho con! Con không phải vì tất cả các nguyên do ích kỷ, tham muốn thường tình kể trên, mà từ bỏ gia đình, để xin theo Thế Tôn xuất gia, con vì giác ngộ được sự thật chân lý từ những lời giảng dạy của Thế Tôn. Qua những lời giảng dạy, soi sáng của Thế Tôn, tâm con được khai mở, con nhận thức, thấy ra được bốn sự thật Tứ Diệu Đế về khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường hướng đến diệt khổ. Giác ngộ, thấy ra được bốn sự thật này, tâm con rất vui mừng, hạnh phúc, vì bắt đầu từ hôm nay cho đến cuối đời, con đã định được hướng đi cho cuộc đời của mình, con sẽ nương theo ánh sáng, trí tuệ sự hướng dẫn, dạy bảo của Thế Tôn. Xin Thế Tôn cho phép con được gia nhập Tăng Đoàn, xin nhận con làm đệ tử Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.” 


Sau khi được nghe người này, nói lên về sự giác ngộ sự thật, chân lý của mình, Đức Phật lại hỏi tiếp: “Nhưng con theo Ta xuất gia tu hành rất cực khổ, vất vả, phải từ bỏ hết tất cả mọi thú vui dục lạc ở đời, ăn ngày chỉ một bữa, ba y một bát, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, sống cô đơn, cô tịch một mình, ngủ nghỉ thì ở trong rừng, dưới gốc cây, tàng cây, khe suối, hang đá, chịu sương, chịu nắng, nóng, lạnh, gió, rét, muỗi mòng, thức khuya, dậy sớm, phải chịu sự sai bảo, rầy la, quở phạt của các Bậc Trưởng Thượng, nếu có những lỗi lầm sai phạm. Phải thử thách sống biệt trú bốn tháng như vậy, con có kham nhẫn để vượt qua không?” 

Khi nghe Đức Phật đưa ra những thử thách khó khăn như vậy, người này không chút ngần ngại, mà hoan hỷ trả lời một cách xác quyết: 

“Bạch Đức Thế Tôn! Con kham nhẫn được tất cả, chẳng những sống biệt trú bốn tháng, dù cho Thế Tôn có đưa ra thử thách là bốn năm, con cũng xin hoan hỷ, tùy thuận, bằng lòng, sống đời sống phạm hạnh thanh tịnh, xin Thế Tôn nhận con làm đệ tử xuất gia, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.” 


Khi được nghe người này trả lời với lòng đầy nhiệt quyết như vậy, Đức Phật mới nhận lời cho người này xuất gia, trở thành một vị Sa môn, khất sĩ chân chính. Khi được xuất gia, gia nhập Tăng Đoàn một thời gian, người này nỗ lực, siêng năng, tinh tấn tu tập, hành trì đúng pháp, xả được tâm, trừ diệt sạch được hết các kiết sử, lậu hoặc, triền cái, không bao lâu cũng trở thành một Bậc Thánh Tăng A La Hán. 

Cho nên, khi xưa một người đến với Đức Phật tu hành, điều kiện tiên yếu là phải giác ngộ thì Ngài mới nhận cho xuất gia, vì tu là phải giác ngộ, có giác ngộ hiểu biết thế nào là khổ, khổ bao gồm những gì? Nguyên nhân của khổ là gì? Thế nào là trạng thái diệt khổ và con đường hướng đến diệt khổ? Chúng ta có hiểu biết rõ, thông suốt được về khổ và nguyên nhân của khổ thì mới nhận diện được khổ, mới đủ sức kham nhẫn vượt qua mọi chướng ngại, mới trừ diệt được các kiết sử, lậu hoặc phiền não, mới thành tựu được đạo quả giải thoát, hết khổ, chấm dứt được hoàn toàn đau khổ.

Đa phần, mọi người ngày nay ít nhiều gì cũng nhận thức, thấy ra bản chất cuộc đời này là vui ít, khổ nhiều. Tìm đến với đạo, bản thân mỗi người đều muốn giải thoát, hết khổ, nên rất ham tu, khuyên dạy lẫn nhau, phải ráng tu, nghe nói ở đâu có Quý Thầy, Quý Sư đứng ra tổ chức, giảng dạy, thực hành theo một pháp môn nào đó nhanh, sớm có kết quả, mau hết khổ, có cuộc sống an vui hạnh phúc liền là vui mừng, ham hở, không có nệ khó nhọc, đường xá xa xôi, thậm chí ra tận nước ngoài để đăng ký, ghi danh, tu tập hoặc gián tiếp tìm hiểu, đọc, xem qua các nguồn tư liệu trên mạng internet hay kinh điển, sách báo được in ấn, đăng tải trên các tạp chí, trưng bày, bán ở các chùa chiền, tự viện… như chúng ta đã từng được nghe, thấy như: lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, ngồi thiền, bố thí, làm phước, cúng dường, từ thiện, phóng sanh… 

Nếu một người chịu khó, siêng năng tu tập, công phu đều đặn là sẽ có được mọi điều như ý nguyện, thành công, phát đạt, mua may bán đắt, mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, đời sau sinh ra là được hưởng mọi điều sung sướng, an vui hạnh phúc, giàu sang phú quý, sau khi chết sẽ được về với Phật… hứa hẹn đủ điều. Mục đích, cứu cánh thật sự của người tu, kết quả hướng đến có được, đạt được là gì? Tâm thanh tịnh, bất động không còn phiền não, hết tham, hết sân, hết si, giải thoát, không còn đau khổ. 

Nhưng câu hỏi được đặt ra, nguyên do, vì sao mặc dù có siêng năng tinh tấn, công phu, hành trì tu tập đều đặn mỗi ngày, nhưng khi đối diện, giáp mặt với đời sống thường nhật, đứng trước mọi vấn đề nan giải phức tạp, khó khăn, cần được giải quyết, thì đau khổ vẫn hoàn đau khổ, tham, sân, si, phiền não cố tật vẫn còn nguyên: bất an, căng thẳng, mệt mỏi, bức xúc, buồn phiền, sân giận, lo lắng, ưu tư, sợ hãi vẫn còn nguyên. Vì sao như vậy? Có bao giờ chúng ta tự hỏi, những gì mình đang thực hành tu tập có đúng với Chánh Pháp, đúng với những lời dạy của Đức Phật khi xưa không? Câu trả lời rõ ràng là không đúng, vì tất cả những gì chúng ta đang hành trì, tu tập mỗi ngày, chỉ giải quyết phần cành nhánh, lá ngọn, chỉ để xoa dịu, an ủi đau khổ trên bề mặt tâm thức, chưa đi vào thực chất, nội dung, cội rễ nguồn gốc của khổ và nguyên nhân của khổ. 

Chúng ta đa phần là những con người hiền lành, có thiện tâm, thiện chí, hướng thượng, hướng thiện, thích tu, ham tu nhưng nguyên do, vì chúng ta quá vội vàng, nôn nóng, quá dễ dãi, quá cả tin, không tìm hiểu sự thật, chân lý nguồn cội của khổ và nguyên nhân của khổ một cách nghiêm túc, cẩn thận, kỹ lưỡng, thấu đáo. Chúng ta tu muốn hết khổ, mà không hiểu biết thế nào là khổ, thế nào là nguyên nhân của khổ, thì làm sao trừ diệt được khổ. Có thấy khổ và nguyên nhân của khổ từ đâu sinh khởi, bắt nguồn từ đâu, thì mới trừ diệt được khổ, mới từ bỏ, mới đoạn tận được cội rể của khổ. 

Đạo Phật là đạo Giác Ngộ, đạo Trí Tuệ. Vì vậy, bước vào sự nghiệp tu hành, việc đầu tiên đến với đạo là chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa, mục đích và cứu cánh của sự tu hành trong đạo Phật là gì? Và nếu sự tìm hiểu, học hỏi của chúng ta kỹ lưỡng, thận trọng, thấu đáo càng nhiều bao nhiêu, thì cuộc đời tu hành của chúng ta sẽ đỡ cực khổ, vất vả, đỡ tốn công, tốn của, mất thời gian, hao tâm tổn trí càng nhiều bấy nhiêu. Chúng ta tu không có khó khăn, không có mệt nhọc, không còn sợ bị lầm đường, lạc lối, tu đến đâu là có được kết quả thiết thực hiện tại, hết khổ, giải thoát, bình an, hạnh phúc, Niết Bàn đến đó.

Đọc lại lịch sử khi xưa, một đạo Phật Nguyên Thủy, tinh nguyên được hình thành tại đất nước Ấn Độ, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bậc Đạo Sư đã đem lại sự lợi ích thiết thực vô cùng to lớn, giải quyết được tận nguồn cội của đau khổ, giúp cho con người thời đó có được cuộc sống hạnh phúc, bình an, bất tử Niết Bàn ngay trong đời sống hiện tại. 

Nhưng kể từ khi Đức Phật nhập diệt và các vị Thánh Tăng A La Hán dần dần vắng bóng, thì Chánh Pháp, Pháp thiết thực hiện tại, Diệt Đế, Niết Bàn không có không gian, thời gian, có quả tức thời, giải quyết được tận nguồn gốc của đau khổ cũng theo đó mà bị mai một, vùi lấp. Do không còn được người giác ngộ, chứng đạo thật sự đi trước, soi đường dẫn lối, khiến cho người đời, nhiều thế hệ về sau, mờ mịt lại càng thêm mờ mịt, vô minh chồng chất vô minh. Tuy có tấm lòng mộ đạo chân chính, nhưng do thiếu trí tuệ, không thấy được sự thật, hiểu chân lý một cách sai lệch, phát minh ra nhiều đường lối, nhiều pháp môn chia chẻ manh mún, chỉ tu trên cành nhánh, lá ngọn, không đi đúng theo lời dạy của Đức Phật năm xưa, tu hành phải có căn bản, trình tự, thứ lớp, phải bao gồm Giới, Định, Tuệ đầy đủ. 

Như Đức Phật đã từng xác quyết, giảng dạy, nhắc nhở nhiều lần trong kinh điển: “Sở dĩ Ta và các ông bị trôi lăn trong biển khổ sinh tử, là vì sống không đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ. Do sống không đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, Ta và các ông phải bị trôi lăn trong biển khổ sinh tử. Và nay, do nhờ sống đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, Ta và các ông được giải thoát, chấm dứt hoàn toàn đau khổ.” 

Cho nên hết thế hệ này, đến thế hệ kia, nối tiếp nhau tu hành cực khổ, vất vả, nhiều tháng, nhiều năm, mà cứ vẫn giậm chân tại chỗ, không đem đến kết quả giải thoát, đau khổ vẫn hoàn đau khổ, tham, sân, si vẫn cứ con nguyên. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu, đối chiếu, phân tích, tìm ra sự thật vì sao như vậy. Tu theo Đức Phật Thích Ca thời nguyên thủy là gì? Sự thật tu như thế nào là tu đúng, tu như thế nào là tu sai? Tu như thế nào mới thật sự gọi là tu ? Tu như thế nào mới thật sự hết khổ, giải thoát, chấm dứt hoàn toàn đau khổ? 

Chúng ta hãy cùng nhau đọc qua phẩm kinh “Tâm Đặt Sai Hướng” trong Kinh Tăng Chi: 

“Ví như, này các Tỷ Kheo, sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch bị đặt sai hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì sợi râu bị đặt sai hướng. Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, vị Tỷ Kheo, với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết Bàn, sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì tâm bị đặt sai hướng. Ví như, này các Tỷ Kheo, sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, Vị Tỷ Kheo, với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết Bàn, sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì tâm được đặt đúng hướng”. 


Tu là giác ngộ. Giác ngộ ra sự thật, chân lý, giác ngộ ra con đường hai ngả, thiện ác, tội phước. Thiện, lợi mình, lợi người thì dẫn đến bình an, hạnh phúc; Ác, làm khổ mình, khổ người thì đưa đến đau khổ, trầm luân. Có giác ngộ, nhận thức đúng ra được sự thật chân lý, thì chúng ta mới biết điều chỉnh từng suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình sống trên điều lành, điều thiện. 

Vì vậy, khi xưa, những ai có duyên lành đến với Đức Phật, Ngài thường hướng dẫn, chỉ dạy cho mọi người tu tập, hành trì rất căn bản, kỹ lưỡng từ thấp lên cao, phù hợp đúng với từng đặc tính, đặc tướng của mỗi người. Giống như biển cả thuận hướng từ trong bờ cạn, đi ra xa thì sâu dần, sâu dần. Ngài nói Pháp của Ngài dạy cũng vậy, là tu từ từ, xả từ từ và chứng từ từ, nghĩa là không có sự chứng đạo đột ngột và sự tu hành phải trải qua ba giai đoạn: học pháp, hành pháp và chứng pháp. 

Thông thường thời Đức Phật vị tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia học pháp, là người này trực tiếp đến thưa hỏi, lắng nghe những lời giảng dạy của Đức Phật, hoặc gián tiếp từ các vị Thánh Tăng A La Hán, khi đã hiểu, thông suốt thì bước tiếp theo mới hành pháp. Nếu chưa hiểu, chưa thông suốt mà đã vội vàng, nôn nóng hành trì tu tập thì sự tu hành của chúng ta sẽ không có kết quả, bị ức chế, giậm chân tại chỗ. 

Cho nên, từ "hành pháp" (dụng công tu tập) ở đây không nhất thiết buộc, ép cái thân này phải cực khổ thức khuya, dậy sớm, tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền nhiều giờ như hiện nay ở khắp mọi nơi, các chùa chiền hay tự viện mọi người đang tu tập, mà là giác ngộ trên cái trí, giác ngộ thấy ra được sự thật khổ và nguyên nhân của khổ. Từ đó các Vị tự nguyện, tự giác sống đời sống đời phạm hạnh, hộ trì Thánh Giới Uẩn, Thánh Hộ Trì Các Căn, Thánh Chánh Niệm Tỉnh Giác, Thánh Thiểu Dục Tri Túc để diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly bất thiện pháp. 

Hành Pháp là xả tâm, ngăn và trừ diệt, xả bỏ các tâm bất thiện triền cái, kiết sử xấu ác, tham, sân, si nơi tâm thức của mình. Xả được tâm, xả được kiết sử, lậu hoặc, phiền não dẫn đến hại mình, hại người đến đâu là có sự bình an, hạnh phúc, Diệt Đế, Niết Bàn đến đó. Xả được tâm hoàn toàn, thì được giải thoát hoàn toàn ngay trong hiện kiếp. 

Vì vậy, khi xưa Đức Phật dạy một người tu đúng đường, đặt đúng hướng thì người này phải trải qua quá trình học pháp và hành pháp như sau:


1. Thân cận Bậc Thiện Hữu Tri Thức

2. Học, hiểu, thông suốt về bốn sự thật chân lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo cùng các Pháp Hành trợ đạo như Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực… thấy ra được bản chất như thật của đời sống, biết tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, khổ, vô ngã, là pháp sinh diệt, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan, không có cái gì là ta, là của ta, là tự ngã của ta, các dục thế gian vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn… Khi sự học, hiểu, thâm nhập Pháp càng thông suốt, càng sâu sắc đến đâu, thì, lòng tham muốn, tham ái, tham dục, chấp thủ, chấp ngã, tà kiến, tham, sân, si của chúng ta cũng theo đó mà muội lược, giảm thiểu, mỏng nhạt dần đến đó. Nhờ siêng năng học hỏi, trau dồi, tu tập đúng Chánh Pháp mà chúng ta có đầy đủ lòng tin, nội lực, sức mạnh (Tín Căn, Tín Lực, Tấn Lực) để trong đời sống khi gặp trở ngại, chướng duyên, gặp người xấu, người ác, chúng ta biết cách ứng xử, kịp thời hóa giải tức thời mọi đau khổ, phiền não khi chúng xuất hiện nơi tâm thức của mình.

3. Giác ngộ được Pháp thiết thực hiện tại, Diệt Đế, Niết Bàn nơi chấm dứt hoàn toàn đau khổ là không có không gian, thời gian, có quả tức thời, chỉ người trí tự mình giác hiểu. Trạng thái Diệt Đế, Niết Bàn vĩnh hằng an vui, hạnh phúc không nằm ở một cõi giới xa xăm, huyền nhiệm nào, mà ở ngay trong tâm thức của chính mình trong từng sát na hiện tại.

4. Có đời sống phạm hạnh thanh tịnh, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ có tiết độ, có giờ giấc, ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt, phi thời. Trường hợp đối với người bệnh, người sức khỏe, thể tạng yếu, suy nhược, chúng ta có thể ăn nhẹ, uống thêm sữa hoặc bột ngũ cốc vào buổi chiều.

5. Hộ trì gánh nặng thiện pháp. Hộ trì, giữ gìn ba nơi thân, khẩu, ý từng suy nghĩ, lời nói, hành vi luôn sống trên điều lành điều thiện, chánh thiện. Sống không làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh. Ngăn ngừa các điều ác, từ bỏ các điều ác, đoạn tận các điều ác.

6. Không nhìn lỗi người, chỉ chuyên tâm nhìn lỗi mình để tu sửa. Từ bỏ, không tranh luận hơn thua, thiệt hơn, phải trái, đúng sai, không khen mình, chê người, không chỉ trích, nói xấu, phê bình, phê phán bất kỳ ai.

7. Có Lòng Từ, Lòng Bi, Lòng Hỷ, Lòng Xả, biết thông cảm, thương yêu, bao dung, tha thứ, hỷ xả đến muôn vạn loài chúng sinh.

8. Không chấp thủ hai đời, thân hiện tại đời này và thân tương lai đời sau. Đức Phật dạy người giác ngộ, có Chánh Kiến là người không chấp thủ hai đời, không có buồn khổ, bất an, lo lắng, sợ hãi khi thân này có rủi ro tai nạn, bệnh hoạn đau ốm hay mong muốn, ước muốn cho thân đời sau được mọi điều tốt đẹp, được an lành hơn, hạnh phúc hơn. Sống tỉnh thức, sáng suốt, hoan hỷ, tùy thuận, bằng lòng, an vui với cuộc sống hiện tại.

9. Quán chiếu cái thân ngũ uẩn này với Chánh Trí Tuệ, từ xa đến gần, từ trong ra ngoài, từ thô đến tế, từ tốt đến xấu… không thấy có cái gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Không thấy có gì là mình, là của mình, mình không là gì cả.

10. Tu tập hướng đến phá trừ năm triền cái là tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi.

11. Tu tập hướng đến trừ diệt mười kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử và vô minh.

Sau khi đã tìm hiểu sơ lược, thông qua quá trình tu tập, học pháp và hành pháp hướng đến sự giải thoát không còn đau khổ của Chánh Pháp Nguyên Thủy khi xưa thời Đức Phật. Để biết được mình hoặc huynh đệ, đồng đạo, bè bạn, những người thân xung quanh mình đang tu tập theo một Tông Phái hay một pháp môn nào có tu đúng theo những gì Đức Phật dạy trong kinh điển khi xưa không? Mỗi người chúng ta phải luôn tự phản tỉnh, quan sát, nhìn lại chính mình xem những tâm niệm, những suy nghĩ, lời nói, hành vi bất thiện, xấu ác nơi bản thân mình có giảm thiểu nhiều không, có thật sự hết chưa? Và các tâm thiện, điều lành nơi mình có sinh trưởng, tăng trưởng lên không? Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả có tăng trưởng hơn, có quảng đại hơn không? Tu hành giải thoát là phải lấy phạm hạnh đạo đức làm nền tảng. Một người tu đúng thì đạo hạnh, đạo đức bên trong phải được tu dưỡng, hàm dưỡng, tăng trưởng, lớn dần lên theo thời gian, qua sự hành trì tu tập, cũng như hạ lạp, tuổi đời, tuổi đạo của người đó. Đạo đức, đạo hạnh, điều thiện điều lành bên trong phải được thể hiện ra bên ngoài qua từng lời nói, hành vi, cử chỉ, từng ánh mắt, nụ cười trên gương mặt của người đó luôn toát ra một vẻ hiền lành, thân thiện, vui tươi, từ ái, khiêm cung, chân thật, thông cảm, bao dung, tha thứ, hỷ, xả hoàn toàn. 

Đạo Phật là đạo của sự thật, đạo Giác Ngộ, đạo Trí Tuệ. Sự thật là sự thật, không có một ai trên đời này có thể tạo ra được sự thật. Khi xưa Đức Phật tuyên bố, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Những gì Ta chứng tri, chứng ngộ, Ta đem ra thuyết giảng, trình bày, nói lên sự thật, Ta không có phản lại lời hứa đối với đời, không có nói láo trong Ta. Pháp, những gì Ta giảng dạy, sự bình an, hạnh phúc, Diệt Đế, Niết Bàn, là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có quả tức thời, chỉ người trí tự mình giác hiểu. 

Khi một người giác ngộ, thông suốt Tứ Diệu Đế, có Chánh Kiến thấy ra được sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ là người này không còn chấp thủ hai đời, thân hiện tại và thân tương lai, thân kiến bỏ sang môt bên, từ đây người này không còn có khái niệm sợ khổ, buồn phiền, lo lắng, than vãn về khổ hay ham thích, vui thích hưởng thụ dục lạc ở đời, không còn sợ lầm đường, lạc lối. Tu đúng theo lời dạy của Đức Phật khi xưa là nhất hướng Niết Bàn. (Nhất hướng, yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn). 

Chúng ta luôn biết hướng tâm mình, an trú tâm mình trên điều thiện, niệm thiện, từ bỏ các điều ác, đoạn tận các điều ác, sống không làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh, sống với mọi người xung quanh mình bằng Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả. Chúng ta sống đạo đức, vui vẻ, hoan hỷ, bằng lòng trước tất cả mọi hoàn cảnh nhân quả khó khổ đến với mình, xả được tâm, xả được kiết sử, lậu hoặc, phiền não, dục, ác pháp, bất thiện pháp đến đâu là có được hạnh phúc bình an, Niết Bàn đến đó. Xả được tâm, đoạn tận được các kiết sử, phiền não tham, sân, si hoàn toàn, thì chúng ta chứng đạt chân lý Diệt Đế, Niết Bàn ngay trong hiện kiếp.


(Thích Tánh Trí, Lời Phật Dạy, Nxb. Hồng Đức, 2020)

Link download 3 quyển sách của Sư Tánh Trí



Monday, June 29, 2020

Lời Phật Dạy - Sư Tánh Trí - Lời Tựa




LỜI TỰA
Các huynh đệ thân mến! Kể từ khi hai tập sách Làm Bạn Với Thiện Là Giải Thoát Tu Là Gì ra đời đến nay, được sự tiếp nhận, đồng tình và hoan hỷ của rất nhiều các bạn ở khắp mọi nơi trong bổn đạo, các huynh đệ khi đọc, hiểu, giác ngộ thấy ra được sự thật, chân lý, biết được sự thật tu là gì? Tu như thế nào mới gọi là tu? Tu như thế nào là tu đúng? Tu như thế nào là tu sai? Tại sao có người tu hoài, thậm chí tu cả đời, bỏ ra ba, bốn chục năm tu hành cực khổ, vất vả mà không có được kết quả gì, tham, sân, si, cố tật vẫn còn nguyên. Từ khi đón nhận được hai tập sách, sống và thực hành theo lời dạy của Đức Phật, được ghi chép lại trong hai tập sách này, thực hành đến đâu, là thấy có được kết quả, lợi ích thiết thực, giải thoát, an vui, hạnh phúc ngay trong đời sống đến đó. Có nhiều huynh đệ đã bật khóc vì quá vui mừng, đã bày tỏ cảm xúc và niềm hoan hỷ, nhắn tin hoặc gọi điện cho chúng tôi để nói lên lời cám ơn, lòng biết ơn chân thành, từ khi các bạn đọc, hiểu, nhận thức thấy ra được những sai phạm, lầm lỗi trong đường hướng tu hành của mình, biết điều chỉnh, sửa chữa, từ bỏ dần những điều xấu ác trong tâm, tự làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh theo những lời hướng dẫn, dạy bảo trong hai tập sách thì thấy cuộc sống của mình và các huynh đệ đồng đạo, anh em, vợ chồng, con cái trong gia đình có nhiều niềm vui hơn, hạnh phúc hơn, bình an hơn. Chúng tôi rất lấy làm hoan hỷ, đó là mong ước của chúng tôi khi ngồi biên soạn, ghi chép ra hai tập sách này. 
Xin chúc mừng các bạn, xin ghi nhận tình cảm, tấm chân tình của các bạn, các huynh đệ đã đón nhận tập sách, tin tưởng và thực hành theo, tấm lòng và ân tình đó của các bạn, chúng tôi xin dâng lên cúng dường Đức Phật và Thầy Tổ của chúng tôi, các Ngài đã tự thân tu tập, hành trì, chứng đạt được sự thật, chân lý. Các Ngài đã tuyên thuyết, trình bày, giảng dạy, nói lên sự thật và để lại cho chúng ta tài sản vô giá này. 
Bản thân chúng tôi cũng giống như các bạn, là người may mắn có được chút phước duyên, giác ngộ nhận được Chánh Pháp từ những lời dạy của các Ngài, để bày tỏ lòng biết ơn các Ngài, chúng tôi cố gắng hết sức, với tất cả sức lực, trí tuệ nhỏ bé, ít ỏi, khiêm tốn của mình đóng góp một chút ít công sức, bỏ ra một ít thời gian để ngồi kết tập, hệ thống, ghi chép, biên soạn lại những lời giảng dạy của các Ngài chuyển đến các bạn, những ai chưa có duyên lành giác ngộ được Chánh Pháp, không có gì là của chúng tôi cả.
     Thời gian gần đây, có vài huynh đệ gọi điện đến thăm hỏi chúng tôi và bày tỏ ước nguyện, vì lợi ích của đa số mọi người còn chưa giác ngộ được Chánh Pháp, hiểu sai, tu sai, hành sai, chưa phân biệt được đâu là Chánh Pháp của Đức Phật, đâu là những gì của người sau phát minh, biên soạn, ghi chép, giảng dạy ra sau này. Mong muốn chúng tôi nếu có thể, vì lòng từ bi, hoan hỷ, xin tiếp tục biên soạn ra thêm vài tập sách nữa để minh chứng rõ thêm, làm sáng tỏ thêm hơn về sự khác biệt, sự sai biệt giữa Chánh Pháp của Đức Phật và những gì không phải là Chánh Pháp, mà tự cho là Chánh Pháp, để ngỏ hầu giúp cho mọi người, những thế hệ về sau sớm giác ngộ được sự thật chân lý, nhờ đó trí tuệ được khai mở hơn, tu hành có được kết quả, lợi ích, cuộc sống có được nhiều niềm vui hơn, sống bình an hơn, hạnh phúc hơn.
     Chúng tôi thiết nghĩ, với hai tập sách đó cũng là tạm đủ, để các bạn nhận thức rõ, đâu là Chánh Pháp của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Nhưng để đáp ứng nguyện vọng, tấm chân tình tha thiết của các bạn, những người đệ tử Phật chân chính, được sự cho phép và khuyến tấn của Thầy Tổ, cùng sự hoan hỷ, đồng tình hỗ trợ của các huynh đệ đồng phạm hạnh, chúng tôi nhận lời và đây cũng là nguyên do chúng tôi chọn đề tựa cho tập sách lấy tên là LỜI PHẬT DẠY
     Trong tập sách này chúng tôi sẽ cố gắng biên chép lại thật đầy đủ những điều cốt lõi, tinh nguyên từ những lời dạy của Đức Phật bao gồm Tứ Diệu Đê, Bát Chánh Đạo và các Pháp Hành trợ đạo để các bạn và các huynh đệ thuận tiện trong việc nghiên cứu và ứng dụng thực hành tu tập, đồng thời phân biệt rõ, thế nào là Chánh Pháp Nguyên Thủy khi xưa, từ kim khẩu của Đức Phật nói ra và đồng thời nhận ra những gì không phải là Chánh Pháp, mà do những người sau đã chế tác, biên soạn, ghi chép lồng vào trong giáo lý đạo Phật.
     Chánh Pháp Nguyên Thủy khi xưa của Đức Phật ra đời tại đất nước Ấn Độ, sau đó được truyền bá, phát triển lần hồi sang nhiều đất nước khác cho đến ngày nay dường như đã bị mai một, mất gốc hoàn toàn. Một phần do tập tính, phong tục, tập quán, lối sống, cách sinh hoạt, ăn ở của mỗi miền đất nước khác nhau trên thế giới, từ đó các vị tu hành sau này nối tiếp nhau, tùy theo trí tuệ, sức lực, kinh nghiệm, sự tu hành chứng đạo, chứng đắc của mình, với ước muốn, ước nguyện phát triển, phổ biến truyền bá giáo pháp của Đức Phật được rộng khắp đến hầu hết tất cả mọi tầng lớp chúng sinh, nên đã linh động, uyển chuyển tùy duyên phát minh, sáng tạo, chế tác, thành lập ra thêm rất nhiều các Tông Phái, Hệ Phái, nhiều pháp môn để tùy thời, tùy duyên dễ dàng hóa độ quần chúng, không ngờ dần dần đánh mất đi nguồn cội, cốt lõi, cứu cánh, mục đích sự giải thoát thật sự ban đầu của Chánh Pháp Nguyên Thủy, tinh nguyên thời Đức Phật. 
       Hiện trạng bây giờ ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới, các Vị Giảng Sư, Giáo Thọ Sư khi đứng ra đại diện cho các Hệ Phái, Tông Phái của mình tuyên giảng Phật Pháp, Vị nào cũng cố gắng giảng thuyết, tuyên thuyết chứng minh, đưa ra những lập luận, lý luận, đều tự cho rằng mình đang giảng thuyết, nói đúng về Chánh Pháp của Phật. Có lẽ mọi người chúng ta ai cũng biết sự thật, chân lý ở đời chỉ có một. Và như Đức Phật đã xác quyết chỉ có một con đường duy nhất đến được chân lý, đó là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh đường duy nhất đến bình an bất tử. Nghĩa là ngoài Bát Chánh Đạo là tuyệt đối không có con đường thứ hai nào khác tu tập, hành trì đưa đến giải thoát. Tất cả mọi con đường tu tập, hành trì không đúng Bát Chánh Đạo, đều không thể nào đưa đến chứng ngộ, chứng đạt được chân lý bất tử Niết Bàn. Ở đâu có Bát Chánh Đạo, ở đó mới có bốn quả vị Thánh, ngoài Bát Chánh Đạo là tuyệt đối không có một con đường nào khác tu tập, hành trì chứng đạt được bốn quả vị Thánh. 
       Tu tập đúng Chánh Pháp của Phật khi xưa, là phải sống phạm hạnh thanh tịnh, hướng đến diệt ngã xả tâm, ly dục, ly bất thiện pháp, phá trừ năm triền cái, trừ diệt mười kiết sử, chứng đạt lần lượt bốn quả vị Thánh, có được hạnh phúc, bình an trong từng phút giây hiện tại, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, chấm dứt tái sanh, sinh tử luân hồi ngay trong hiện kiếp.
      Điều đó có nghĩa là tất cả những kinh sách phát triển, những phương pháp phát minh sau này, được đem ra rao giảng, thuyết giảng đặt sai hướng, đi sai đường, khi thực hành tu tập bị giậm chân tại chỗ, không đem đến kết quả giải thoát, hạnh phúc, bình an chấm dứt hoàn toàn đau khổ, chấm dứt tái sanh sinh tử luân hồi ngay trong đời sống hiện tại, đều có thể kết luận là Tà Pháp, (Bát Tà Đạo). 
       Chữ Tà Pháp ở đây không có nghĩa là đối ngược lại hoàn toàn với hai chữ Chánh Pháp, mà là khi ứng dụng tu hành theo đường lối, phương pháp hướng dẫn nào đó cả đời vẫn không có kết quả giải thoát, tham, sân, si, kiết sử, triền cái, lậu hoặc vẫn còn nguyên, vẫn cứ tiếp tục chịu tái sinh, chịu trôi lăn trong ba cõi, sáu đường, vẫn còn ở trong nhà lửa địa ngục, đều gọi là Bát Tà Đạo. 
       Chánh Pháp những gì được Đức Phật giảng dạy, khai thị, trình bày, phân tích, hiển lộ khi xưa chỉ bao gồm Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và các Pháp Hành trợ đạo. Suốt 45 năm trường vất vả, cực khổ vì Lòng Từ mẫn thuyết pháp, hóa độ chúng sinh, khi chuẩn bị nhập Niết Bàn, Đức Phật cho vân tập, dặn dò, di chúc lại cho các Thánh Chúng đệ tử của Ngài: 
Này các Tỷ Kheo! Trong suốt 45 năm trường thuyết pháp độ sinh Ta chỉ nói đúng hai điều: Khổ và sự Diệt khổ. Biển chỉ có một vị mặn và giáo pháp những gì ta giảng dạy cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát. Pháp của Ta dạy, Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có quả tức thời, chỉ Người Trí tự mình giác hiểu. Sau khi Ta diệt độ, nếu sau này có những kinh sách nào do người sau biên soạn, ghi chép, trình bày, giảng dạy không đúng Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và các Pháp Hành trợ đạo, khi thực hành tu tập, không đem đến kết quả bình an, hạnh phúc, giải thoát Niết Bàn trong từng phút giây hiện tại, đều phải biết rằng, những kinh sách này không phải là những gì Ta giảng, Ta thuyết.”
     Với Trí Tuệ vô biên và Lòng Từ Bi vô hạn, Đức Phật đã tiên đoán trước, sau này sẽ có ngoại đạo biên soạn, ghi chép kinh sách, lồng vào trong giáo pháp của Ngài. Cho nên, trước khi nhập diệt, Ngài đã để lại những lời dạy cuối cùng, những lời giáo huấn, dặn dò, di chúc lại rất cẩn thận, kỹ lưỡng để gởi gấm lại cho các thế hệ về sau, những bậc tu hành nghiêm túc, chân chính muốn đi tìm con đường giải thoát, chấm dứt hoàn toàn đau khổ sau này, khi nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, đọc, xem kinh sách, không bị nhầm lẩn, biết rõ được đâu là Chánh Pháp, đâu mới thật sự là những lời dạy của Ngài, đâu là của những người sau phát minh, biên soạn, ghi chép ra, đưa vào, lồng vào trong kinh sách, gán ghép, mạo nhận, cho rằng của Ngài dạy, Ngài thuyết. Đó là nguyên do tôi lấy đề tựa tập sách là Lời Phật Dạy. 
        Vì vậy trong tập sách này chúng tôi sẽ cố gắng biên soạn, ghi chép lại toàn bộ Chánh Pháp thời Nguyên Thủy từ kim khẩu của Đức Phật bao gồm từ Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, cho đến các Pháp Hành trợ đạo khi xưa một cách đầy đủ để các bạn, các huynh đệ tiện tham khảo, nghiên cứu, tìm hiểu, tu tập, thực hành được thuận lợi hơn, dễ dàng hơn. 
         Do đó sẽ có những phần được biên soạn, ghi chép trong các tập sách trước đây, sẽ được biên soạn lại trong tập sách này, mong các bạn thông cảm. 
         Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng, nếu đúng là Chánh Pháp từ những lời dạy của Đức Phật thì những gì chúng ta được đọc lại, được nghe lại nhiều lần, thì chúng ta càng hiểu rõ hơn, thông suốt hơn, nhớ kỹ hơn, tri kiến của chúng ta càng sáng, trí tuệ càng thông suốt thì việc tu tập, hành trì, diệt ngã xả tâm của chúng ta càng tốt hơn, càng có được kết quả lợi ích nhiều hơn. Trong kinh khi xưa Đức Phật cũng thường khuyên dạy, tán thán, khen ngợi các Bậc Đa Văn Thánh đệ tử nghe nhiều, tích tập những điều đã nghe. Vì nhờ có nghe nhiều, đọc nhiều, ghi nhớ, suy tư, chiêm nghiệm, nghiền ngẩm nhiều, thì khi gặp hoàn cảnh nhân quả xấu, ác pháp đến, chúng ta mới có đủ hành trang, tư lương để ngăn và diệt, hóa giải được tức thời tất cả mọi đau khổ, phiền não khi chúng xuất hiện nơi tâm thức của mình.
(Thích Tánh Trí, Lời Phật Dạy, Nxb. Hồng Đức, 2020)

Link download 3 quyển sách của Sư Tánh Trí

Saturday, June 29, 2019

Hiểu Về Niết Bàn



Niết Bàn là trạng thái tâm bất động giải thoát, chấm dứt phiền não nghiệp khổ luân hồi. Vậy tu tập như thế nào để có được trạng thái Niết Bàn ? Dưới đây là những lời Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Niết Bàn.

Người hằng tu thiền định
Thường kiên trì tinh tấn
Bậc trí hưởng Niết Bàn
Đạt an tịnh vô thượng.

📝 Người hằng tu thiền định chỉ cho hành giả siêng năng tu chánh niệm tỉnh giác, kiểm soát thân - khẩu - ý, và dùng pháp như lý tác ý để xả tâm phiền não tham - sân - si - mạn - nghi. Khi hết tham - sân - si - mạn - nghi thì chứng được tâm vô lậu Niết Bàn. ( Để hiểu rõ về cách thức tu tập diệt tham tham – sân – si - mạn – nghi, quý phật tử nghe thêm pháp thoại PHÁP HÀNH TỨ NIỆM XỨ ).

Trong Phẩm Không Phóng Dật, Phật dạy:

Tỳ kheo sợ phóng dật
Ưa thích không phóng dật
Nhất định gần Niết Bàn
Không còn bị đọa lạc.

📝 Phóng dật là trạng thái tâm bị dao động và phiền não. Ví dụ, khi nghe ai nói lời xúc phạm ta thì trong tâm mình cảm thấy khó chịu bực dọc, tâm khó chịu bực dọc thuộc về sân phóng dật. 

Hoặc nghe người khác khen mình mà trong lòng thích thú vui mừng và mong được khen nữa, tâm đó thuộc về tham phóng dật. 

Hoặc khi ta thành tựu điều gì tốt mà hay tự mãn khoe khoang, tâm đó là mạn phóng dật. 

Tâm hay nghi kỵ, thiệt hơn, đúng sai, phải trái chuyện xấu tốt của mọi người xung quanh mình, tâm đó là nghi phóng dật. 

Tu tập các pháp sai mà cho là đúng, hoặc tin theo những điều tà mà cho là chánh, tâm đó là si phóng dật. 

Nếu hành giả tu tập đoạt diệt năm phóng dật phiền não tham - sân - si - mạn - nghi thì tâm chứng được vô lậu Niết Bàn, không còn bị đọa lạc sinh tử luân hồi. Vì vậy Đức Phật nói:

“Ta thành tựu Chánh Đẳng Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành từ đó mà sinh”.


( Để hiểu rõ hơn về cách thức tu tập tâm không phóng dật, quý Phật tử nghe thêm pháp thoại KHÔNG PHÓNG DẬT BẤT TỬ ).


Khác thay duyên thế lợi
Khác thay đường Niết Bàn
Tỷ kheo, đệ tử Phật
Hãy như vậy thắng tri
Chớ ưa thích cung kính
Hãy tu hạnh viễn ly.

📝 Viễn ly là tâm không còn tham chấp lợi đắc, cung kính và danh vọng. Ai sống theo lợi đắc, cung kính và danh vọng thì tâm bị mất Niết Bàn. Cho nên, để tâm không bị mất Niết Bàn thì phải tu hạnh viễn ly.

Hãy cầu vui Niết Bàn
Bỏ dục, không nhiễm uế
Kẻ trí tự rửa sạch
Mọi cấu uế nội tâm.

📝 Tâm giống như miếng vải dơ bẩn, nếu chúng ta biết giặt sạch chúng thì chúng trở nên sạch sẽ và hữu dụng. Cũng vậy tâm chúng ta hàng ngày siêng năng tu tập, bỏ dần mọi tham đắm dục lạc (danh, lợi, sắc, thực, thùy) thì tâm ấy sẽ đạt được giải thoát Niết Bàn. (Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM CẤU UẾ PHIỀN NÃO ).

Những ai thường chánh tâm
Tu tập pháp giác chi
Xa lìa mọi chấp trước
Hoan hỷ không nhiễm ái
Sẽ sống không lậu hoặc
Sáng chói, chứng Niết Bàn
Ngay trong đời hiện tại.

📝 Tham ái là trạng thái ưa thích dục lạc trong tâm. Ví dụ tâm mình còn tham chấp được người khác yêu quý mình, đó là tham ái. Tâm còn tham chấp ăn ngon, mặc đẹp, đó là tham ái... Hoặc khi ta đạt được thành công gì mà tâm còn tự mãn, vui thích khoe khoang, đó là tham ái. Hoặc một vị tu tập chứng đạt thiền định, tâm có khinh an hỷ lạc mà còn chấp thủ, khoe khoang, đó là tham ái… Để tâm không còn tham ái, Đức Phật dạy chúng ta hãy tu tập Bảy Pháp Giác Chi, hướng tâm đến Xả Giác Chi để xả ly tham ái, chứng ngộ Niết Bàn. ( Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại PHÁP HÀNH BẢY GIÁC CHIBỐN QUẢ CHỨNG THIỀN ĐỊNH ).

Một số sinh bào thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện lên cõi trời
Vộ lậu chứng Niết Bàn.

📝 Đức Phật dạy có bốn thế giới tâm thức ở trong thân tâm của chúng ta. Nếu thân - khẩu - ý còn tạo nghiệp tham - sân - si thì sẽ dẫn đến tái sinh luân hồi của thân đời sau. Nếu thân - khẩu - ý tạo nghiệp sát sinh, gian tham trộm cắp… thì thân đời này và đời sau chịu nhiều quả khổ địa ngục. Nếu thân - khẩu - ý giữ gìn các giới hạnh thanh tịnh, tu tập các pháp quán Từ Bi Hỷ Xả thì sẽ được sống trong thiên giới, cõi trời. Còn nếu thân - khẩu - ý đoạn diệt tham - sân - si - mạn - nghi sẽ được hóa sinh vào Niết Bàn, chấm dứt sinh tử, luân hồi. ( Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM VÔ LẬU CHỨNG NIẾT BÀN ).

Như chiếc chuông bị bể
Tự mình giữ yên lặng
Người đã chứng Niết Bàn
Tự mình không sân hận.

📝 Chiếc chuông bị bể không còn nghe được tiếng. Cũng vậy, người có tâm bất động giải thoát Niết Bàn thì không còn phiền não than vãn khổ với ai điều gì.

Chư Phật thường giảng dạy
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng
Niết Bàn, quả tối thượng
Xuất gia không phá người
Sa môn không hại người.

📝 Đức Phật dạy chúng ta có bốn điều lợi ích:

+ Người tu tập đức kham nhẫn, dù thân này chịu nhiều khổ đau bệnh tật, nhưng tâm vẫn hoan hỷ bất động.

+ Niết Bàn là trạng thái bất động giải thoát hạnh phúc nhất, không còn tái sinh luân hồi

+ Người xuất gia không còn ràng buộc nhân quả gia đình, đời sống trắng bạch như vỏ óc, phóng khoáng như hư không, nên không còn làm cho ai đau khổ nữa.

+ Sa môn là bậc sống Phạm hạnh, giữ gìn các giới luật thanh tịnh, nên không còn làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài chúng sinh.

Đói khát, bệnh tối thượng
Các hành, khổ tối thượng
Hiểu chơn thực như vậy
Niết Bàn, lạc tối thượng.

📝 Đói khát là một trong những khổ đau lớn nhất của thân bệnh. Đói khát có thể làm cho con người đánh mất những đức tính cao đẹp và tạo ra nhiều nghiệp xấu như giành giật, trộm cắp và giết hại lẫn nhau.

📝 Đức Phật dạy các hành là vô thường, vô thường phải chịu khổ. Ví như lúc chúng ta còn trẻ, thân ta được nhiều sức khỏe và sắc đẹp, nhưng theo năm tháng vô thường thì thân này già yếu, xấu xí, phải chịu nhiều vất vả, khổ sở. Hoặc ta sống với người thân yêu hạnh phúc, khi vô thường hết duyên, họ không còn ở bên ta nữa, lúc ấy chúng ta đối diện sự đau khổ bị mất người thân… Tất cả vạn vật trong vũ trụ này đều thuận theo quy luật vô thường mà dẫn đến khổ đau.

📝 Chỉ có Niết Bàn là trạng thái bất động giải thoát bất diệt, không còn bị ràng buộc nhân quả vô thường khổ đau nữa.

Vô bệnh, lạc tối thượng
Biết đủ, tiền tối thượng
Thành tín, bạn tối thượng
Niết Bàn, lạc tối thượng.

+ Người không có bệnh tật thì thân tâm luôn an lạc. Nên có câu “sức khỏe là vàng”.

+ Người sống biết đủ thì đồng tiền trở nên cao thượng, biết làm những việc tốt, chia sẻ vật chất đến với những người kém may mắn.

+ Người có uy tín trung thực luôn là người bạn lành cho ta tin tưởng.

+ Tất cả những hạnh phúc niềm vui ở đời là tương đối, hữu hạn, vui ít khổ nhiều. Còn Niết Bàn là trạng thái hạnh phúc vĩnh hằng, dù sống trong cảnh khổ mà tâm vẫn an nhiên giải thoát, giống như hoa sen tinh khiết giữa bùn nhơ.

Những người thường giác tỉnh
Ngày đêm siêng tu học
Chuyên tâm hướng Niết Bàn
Mọi lậu hoặc được tiêu.

📝 Người siêng năng trong chánh niệm tỉnh giác là người luôn kiểm soát thân, khẩu, ý của mình, nếu có bị ai mắng chửi, đối xử không tốt với mình, nhưng tâm mình luôn hỷ xả cho họ, không buồn khổ, oán trách họ. Ai có tâm buông xả như vậy thì tâm đó là Niết Bàn. Người đó không còn bị lậu hoặc tham – sân – si - mạn - nghi chi phối nữa.


Tự cắt dây tình ái
Như tay bẻ sen thu
Hãy tu đạo tịch tịnh
Niết Bàn, Thiện Thệ dạy.

📝 Đức Phật dạy ái dục là nguyên nhân tạo ra nhân quả sinh tử luân hồi. Ai đoạn dứt được ái dục thì nghiệp khổ luân hồi chấm dứt.

Biết rõ ý nghĩa này
Bậc trí lo trì giới
Mau lẹ làm thanh tịnh
Con đường đến Niết Bàn.

📝 Người giác ngộ ra ý nghĩa này thì tâm trở nên nhàm chán ái dục ở đời, và luôn tầm cầu con đường giác ngộ giải thoát Niết Bàn.

Tỷ kheo tát thuyền này
Thuyền không, nhẹ đi mau
Trừ tham, diệt sân hận
Tất chứng đạt Niết Bàn. 

📝 Tỳ kheo tát thuyền là người siêng năng tu tập Từ Bi Hỷ Xả, nhằm diệt trừ nghiệp khổ như: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, cầu bắt đắc khổ, oán tăng hội khổ, và ngũ uẩn xí thạnh khổ. Hằng ngày tinh tấn tác ý xả tâm tham - sân - si thì hiện tại được an lạc Niết Bàn.

Không trí tuệ, không thiền
Không thiền, không trí tuệ
Người có thiền có tuệ
Nhất định gần Niết Bàn.

📝 Người có trí là người giác ngộ Chân lý Tứ Diệu Đế, các pháp hành trợ đạo (trong 37 phẩm trợ đạo), và ba pháp quán Vô Thường, Khổ và Vô Ngã.

📝 Người có thiền là người tinh tấn chánh niệm, tu tập như lý tác ý theo các pháp hành trợ đạo để đoạn diệt phiền não tham sân si mạn nghi.

📝 Pháp Phật không khó tu, nếu biết giác ngộ ra ba pháp quán: vô thường, khổ và vô ngã, thì dù nhân quả tốt xấu nào có xảy ra, hành giả nương theo ba pháp quán trên để tác ý xả tâm thì ngay đó được giải thoát Niết bàn. Cho nên, Phật nói “Pháp Ta thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu". Tất cả pháp đều do tâm tạo, tâm thanh tịnh rồi thì phiền não sạch trong.


Thích Bảo Nguyên


P/S: Để hiểu rõ hơn về bài viết này, quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM BẤT ĐỘNG LÀ NIẾT BÀN.


Nguồn: www.facebook.com/ThichBaoNguyen.Info

Wednesday, January 16, 2019

ÁI KIẾT SỬ



"Chớ gần gũi người yêu
Trọn đời xa kẻ ác,
Yêu không gặp là khổ
Oán phải gặp cũng đau.

Do vậy chớ yêu ai
Ái biệt ly là khổ.
Những ai không yêu ghét.
Không thể có buộc ràng."


(Kinh Nikaya Pháp Cú: XXI: Piyavagga: Phẩm Hỷ Ái (210- 211)


Thưa các bạn thân mến!

Những lời dạy này của Đức Phật, đã nhắn gửi đến chúng ta rằng: cuộc đời mà chúng ta hiện đang sống và thở là một thế giới đương đại đầy những niềm đau và nỗi khổ, đầy máu lửa, đau thương, nước mắt, đầy những phân hóa hỗn tạp, hận thù đảo điên.

Vì vậy, chúng ta đang được sống làm người là những chuỗi ngày dài vô tận đang ở trong một cái bể sầu khổ rơi đầy nước mắt. Nếu chúng ta có thiện duyên được gặp minh triết chân lý lẽ phải của nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, khổ chúng sanh thì cuộc đời của mỗi chúng ta sẽ được soi sáng, tươi vui, an lành, hạnh phúc mỗi ngày.
Nên những lời dạy này của Đức Phật đã khuyên nhủ và nhắn gửi đến chúng ta chớ gần gũi người yêu, bởi vì khi chúng ta vô minh để được thương yêu. Chúng ta nào biết đằng sau sự cảm giác lạc thú ấy là biết bao nhiêu hậu quả đau thương ê chề khốn đốn mà ta phải gánh chịu và đón nhận tất cả.

Vợ chồng con cái là những cái nhà tù chung thân chôn vùi cuộc đời xanh tươi trong trắng của đời ta. Là những ảo ảnh màu hồng, là những bông bóng nước vỡ tan khi có những giông bão đi qua. Vì vậy chúng ta hãy luôn có chánh tri kiến trong khi ta đang yêu thương.

Chúng ta hãy có cái nhìn hiện thực về cuộc sống. Hãy nhận diện đâu là con đường thoát khổ và đâu là con đường vướng mắc trói buộc của khổ đau. Những giây phút ảo tưởng về chân trời hạnh phúc màu hồng trong khi gần gũi người yêu ấy. Đã làm choáng ngợp biết bao tâm hồn mê muội đắm đuối mê ly. Trừu tượng ảo giác về cuộc sống lý tưởng "một mái nhà tranh với hai quả tim vàng".

Đó là những gì chúng ta lý tưởng hóa xây mộng đẹp bằng ảo mơ vô vọng về ái tình tuyệt vời như mộng huyễn nhưng thực tại nó không phải vậy? Nếu chúng ta chui đầu vào mái nhà tranh với hai quả tim vàng đó, thì ta sẽ nếm được mùi vị đắng cay của ái tình khổ lụy sầu đau ấy. Và ta sẽ phải lãnh đủ những chuỗi tháng ngày dài bất tận trong trái tim ngục tù.

Cái gọi là "lâu đài tình ái" ấy chẳng qua chỉ là một nhà tù mà thôi. Một nhà tù sơn son thếp vàng đề bốn chữ "lâu đài tình ái" khi cưới nhau chúng ta xây cho nhau những nhà tù. Ban đầu thì ôi thôi rất tuyệt đẹp. Sau đó rã ra những chất sơn thếp rốt cuộc chúng hiện nguyên hình là những nhà tù có những song sắt rất lớn cả hai đều kẹt cứng không thể nào thoát ra được.

Đám cưới có thể là một tờ giao kèo ở tù chung thân mà dù có vùng vẫy cách mấy ta cũng không thoát ra được, khạc đã không ra, mà nuốt cũng không vào, nhìn xung quanh chúng ta sẽ thấy rất nhiều trường hợp như vậy, ly dị không được, mà không ly dị cũng không xong.

Điều này không những đúng trong trường hợp: người tình với người tình, cha và con, mẹ và con, bạn và bạn, chị và em, thầy và trò hay trò và Thầy, v.v... Vì vậy cho nên chúng ta hãy thương làm sao để cho người kia còn có tự do, để cho người kia còn là người kia và để cho ta còn được là ta, thương mà còn có tự do thì tình thương ấy mới gọi là tình thương chân chánh có đạo đức.

Đôi khi ta phải tự hỏi chính ta và ta phải tới hỏi người kia "Này anh, trong tình thương của tôi có tính chất độc tài không? Có tính chất chiếm hữu không? Có tính chất vướng mắc không? Có tính chất áp đặt không? Khi tôi thương anh, tôi có làm cho anh đau khổ hay không?" Nếu chúng ta hỏi được câu đó thì ta đã có can đảm và gan dạ: "Này em, em có khổ đau vì cách tôi thương em hay không?".

Cha cũng phải hỏi con câu đó, mẹ cũng phải hỏi con câu đó, thầy cũng phải hỏi trò câu đó, chị gái cũng phải hỏi em trai câu đó mà em gái cũng phải hỏi anh trai câu đó, đệ tử cũng phải hỏi sư phụ câu đó, người yêu cũng phải hỏi người yêu câu đó: "Này anh tình thương của em có phải là cái nhà tù của anh hay không?".

Thế nên, Đức Phật đã nhắn nhủ với chúng ta

"Chớ gần gũi người yêu"

Là vậy đó, gần gũi lâu ngày là sẽ phát sinh các dữ kiện: độc tài vướng mắc, chiếm hữu, gần gũi lâu ngày cỏ rơm cũng phải cháy khô và lúc bấy giờ sẽ chẳng còn nước đâu mà dội tẩm cho mau nguội lạnh được. Khi chúng ta đang yêu thương mà không được gặp, không được nhìn thấy người yêu, thì ôi chao ơi! Là quá khổ sở, khổ ê chề, khốn đốn, tâm hồn ta quên ăn, quên ngủ, héo hắt, xác xơ vì nhớ người yêu da diết.

Nên Nguyễn Du trong thơ Kiều đã nói lên tâm trạng ấy: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Vậy mà không được gặp, không được nhìn thấy nhau, không được gần gũi bên nhau, thì đó là những nỗi cơ hàn, lạnh lẽo buốt giá, những nỗi buồn vu vơ nhớ trăng, thương gió buồn tủi sầu lụy của con tim đang chờ đợi thương nhớ mong mỏi da diết. Nên Đức Phật dạy:

"Yêu không gặp là khổ"

Vì trái tim đang chờ đợi trông ngóng người mình thương, chỉ cần nhìn thấy người thương một chút xíu thôi cũng đỡ nhớ thương rồi. Tâm hồn của chúng ta quá khổ đau trong khi đã biết yêu thương đó là những hạt giống của nguyên nhân tái sanh luân hồi nếu ta yêu thương mà làm khổ mình nhiều như vậy thì thà rằng đừng yêu cho xong. Vì khi thương ta muốn có hạnh phúc cho ta và cho người ta thương nếu tình thương bi lụy sầu khổ kéo theo những bi kịch thì thương làm gì?

Thà rằng không thương cho xong, chúng ta hãy thương như thế nào đó để ta còn là ta, để ta còn giữ được cái không gian của ta và người ta thương cũng giữ được cái không gian của người ấy. Thương mà không có đạo đức là ta đem khổ đau cho chính ta và cho người ta thương. Và gây thương tích cho chính mình. Chúng ta hãy luôn có chánh tri kiến và phải tự hỏi chính mình rằng: "là tình thương của ta có tính chất độc tài chiếm hữu và vướng mắc hay không?"

Ngay tình cha với con cũng vậy. Cha có thể nghĩ rằng con là vật sở hữu của mình: "Mày là con tao, vì vậy mày phải nghe lời tao, mày chỉ được học cái này, làm cái này và chơi cái này thôi, nếu mày không học cái này, không làm cái này, không chơi cái này thì mày không phải là con tao. Tao sẽ từ mày". Đó là tình thương độc tài có chiếm hữu áp đặt.

Hoặc ghét bỏ người con: "Mày đi đâu thì đi, mày không dính dáng gì đến tao nữa, mày không phải là con tao". Đó là tình thương độc tài áp đặt ghét bỏ.

Còn người tình thì nói với người tình: "Em không được đi chợ giờ đó, em không được mặc áo màu đó, em không được bôi thứ nước hoa đó". Đó là tình thương độc tài có chiếm hữu; còn em gái thì nói với anh trai: "Anh không được ở đó lâu phải về thăm nhà mau, nếu anh không về thì em sẽ đi đến chỗ ấy. Anh không được làm cái này, anh không được làm cái kia v.v…". Đó là tình thương độc tài áp đặt chiếm hữu và vướng mắc.

Đệ tử thì nói với sư phụ: "Sư phụ không được nói chuyện nhiều, không được nói với cô đó, chị đó, anh đó, em đó mà sư phụ phải nói cái này, chứ không được nói cái kia v.v…". Đó là tình thương có sự chiếm hữu độc tài và vướng mắc, áp đặt.

Vướng mắc là bản chất của tình thương khổ lụy. Tình thương mà Đức Phật muốn chúng ta thương yêu là tình thương không khổ lụy, không vướng mắc. Có người hỏi nếu tình thương không vướng mắc thì đâu phải là tình thương? Đó là tại vì ta chưa thấy được bản chất của tình thương đích thực. Trong mỗi chúng ta đều có khuynh hướng thương vướng mắc, độc tài chiếm hữu. Người trẻ cũng vậy mà người già cũng vậy, chị em, hay anh em ruột thịt cha và con, mẹ và con, thầy và trò, trò và thầy v.v… đều có khuynh hướng ấy, có nguyên do ở ngã chấp và vô minh. Vô minh và ngã chấp ấy đã trở thành câu sinh, nghĩa là khi sinh ra đã có như vậy rồi.

Thành thử ra khi thương một người, ta có khuynh hướng chiếm hữu người đó. Ta nói: "Người đó là người thương của tôi, anh không được đụng tới chị không được đụng tới", khi ta được thương ta cũng có khuynh hướng đó. Ta muốn rằng ta là đối tượng duy nhất của tình thương kia, người ấy đã thương mình rồi thì không được thương người nào khác nữa. Tình thương ấy có chất liệu của sự vướng mắc, của sự chiếm hữu, khi thương ta có khuynh hướng chiếm hữu người ta thương, ta nói: đây là "ta" và đây là "của ta" (ngã và ngã sở) tình thương ấy có tính chất độc tài.

Độc tài nghĩa là tôi thương anh thì tôi muốn anh không được thương người khác, không được làm cái này, không được làm cái kia, chỉ được làm theo ý muốn của tôi mà thôi. Tình thương bi lụy sầu khổ là sẽ có tính chất chiếm hữu độc tài và có nhiều vướng mắc.

Đôi khi trong tình đồng đạo cũng có một chút ít sự độc tài, vướng mắc và chiếm hữu ấy. Nếu có chút ít thì không sao, nhưng nếu mức độ ấy mà lên cao thì nó bắt đầu tạo khổ đau cho người thương và cho người được thương.

Chúng ta biết rằng trong thế gian có biết bao nhiêu bi kịch đã và đang xảy ra. Tại vì loại tình thương vướng mắc đó. Một mặt chúng ta thấy rằng: không có tình thương thì đời sống rất đau khổ, và mặt khác nếu tình thương độc tài vướng mắc và chiếm hữu thì cuộc đời cũng rất khổ đau. Phải không hỡi các bạn?

Cho nên thương nghĩa là hiến dâng hạnh phúc, thương không có nghĩa là nhốt người kia vào nhà tù chiếm hữu, người kia muốn đi đâu cũng không được, muốn làm gì cũng không cho, bị trói buộc, thành thử không có tự do, không có không gian để người kia được thở và nếu người kia không làm theo ý muốn của ta, thì ta rất đau khổ, trách móc giận hờn, ghét bỏ. Vì ta đã có tình thương độc tài, chiếm hữu, vướng mắc nên khi người kia không đồng ý là ta rất khổ đau.

Vì vậy người kia phải có can đảm đi và gan dạ nói rằng: "Này em, tôi rất đau khổ trong tình thương của em, em đã thương tôi bằng quá nhiều tính chất của sự vướng mắc, chiếm hữu và độc tài áp đặt. Tôi đã mất hết tự do, tôi ngột ngạt, bế tắt, tắt nghẻn sự sống, tôi không còn là tôi nữa. Em có hiểu biết điều đó chăng? Vì vậy tôi và em phải thấy rõ niềm đau và nỗi khổ của chúng ta, chúng ta phải ngồi lại để tìm ra một con đường có thể đem lại an bình và hạnh phúc cho cả hai ta".
Nếu nói không được, ta phải viết thư, có thể ta nên đi xa người ấy một tuần lễ, hay hai tuần lễ và trong hai tuần lễ đó ta viết một lá thư gửi về cho người ấy. Người ấy sẽ có không gian đọc để suy ngẫm và quán chiếu lại tình trạng đó, không có lý do gì mà cả hai cùng phải tiếp tục kéo lếch theo một tình trạng vướng bận và bi lụy như vậy.

Chúng ta hãy biết rằng: phải thoát ra khỏi hai cực: một cực là "vướng mắc" và một cực là "ghét bỏ". Ta bây giờ như con chim trong lồng, như một người tù trong ngục. Ta phải biết rằng muốn thoát ra khỏi vòng trầm luân đó, là phải cố gắng tu tập giải thoát cho mình, và giải thoát cho người thương của mình.

Tốt hơn hết lúc ban đầu, "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" chúng ta phải cẩn thận, thường thường tình thương lúc ban đầu có tính cách phơi phới khi đã đi sâu vào trầm luân rồi ta mới giật mình tỉnh thức, lúc đó có thể là đã rất trể. Ta có thể vùng vẫy muốn thoát ra và từ cực vướng mắc đi sang cực ghét bỏ. Ta nghĩ rằng khổ như thế này thì chỉ có cách lìa thoát người kia. Ly khai với người kia, đi xa người kia, tại vì còn sống chung một nơi thì còn phải trầm luân, còn phải vướng mắc.

Từ cực này ta đi sang cực khác cả hai cực đều không phải tình thương chân thật. Có khi ta đang vùng vẫy giữa hai cực. Ngày nào cũng là địa ngục hết. Một mặt chúng ta vùng vẫy, muốn thoát nghĩ đến chia tay với người kia. Hoặc đi đâu đó xa xôi cách trở không bao giờ còn thấy người đó. Một mặt chúng ta vẫn còn có chút ân tình với người đó nghĩ rằng nếu không có ta thì người đó sẽ mất chân đứng.

Ở Việt Nam ta thường nói: "Bỏ thì thương, sương thì nặng", sương nghĩa là gánh. Có rất nhiều người đang bị kẹt cứng trong tình trạng đó. Thấy người kia cũng tội nghiệp, bỏ thì không đành mà tiếp tục thì không tiếp tục nổi. Vậy đâu là con đường thoát? Con đường thoát là con đường phải cố gắng nỗ lực tu tập để thoát khổ của hai cực là "vướng mắc và ghét bỏ".

Thế nên Đức Phật rất cảm thông sâu sắc những tâm lý tình cảm của mỗi chúng sanh, chính là những di chứng của cái bể sầu khổ lụy trầm luân muôn ngàn kiếp đau thương ê chề gia đình, anh em, chị em, vợ chồng, con cái là những sợi dây ái kiết sử trầm luân nên Đức Phật đã nhắn nhủ:

"Các con hãy xa lìa nội tâm ái dục đi, các con hãy đoạn trừ tâm cấu uế ái dục thì mới chấm dứt trầm luân khổ đau".

Vì vậy Đức Phật mới khuyên dạy chúng ta:

"Chớ gần gũi người yêu
Trọn đời xa kẻ ác.
Yêu không gặp là khổ.
Oán phải gặp cũng đau".
Do vậy, cuộc đời mỗi chúng ta khi đã chấp nhận đi theo lộ trình giải thoát của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì phải đoạn trừ, xa lìa tâm luyến ái vấn vương này. Đó chính là mục đích tối thượng nhất mới chấm dứt hết đau khổ sanh tử luân hồi; đó mới chính là lời dạy này:

"Chớ gần gũi người yêu
Trọn đời xa kẻ ác"

Thưa các bạn! Những kẻ ác độc, những kẻ đại tiểu nhân thì chúng ta hãy nên tránh xa họ, vì chúng ta đang còn trên đường tu tập, nên chúng ta phải tránh né, phải cố gắng tạo duyên cảnh thuận lợi để được tu, chứ không nên lân cận với những kẻ tiểu nhân, vì lân cận với những kẻ tiểu nhân thì ta rất khó tu tập. Khi nội tâm còn rất non yếu, chưa đủ ý thức lực nội tại vững mạnh thì tốt nhất phải nên xa lánh những kẻ ác.

Chỉ khi nào tâm của chúng ta có đủ nội lực bén nhạy vững chãi thì lúc đó hãy nương vào tri kiến giải thoát, lấy đối tượng nghịch cảnh kia để xả tâm, tùy theo duyên nhân quả của mình mà chiến thắng quân ma ác pháp. Những lời dạy này của Đức Phật đã nhắn gửi đến chúng ta, Các bạn nhớ mãi đừng quên nhé!

"Chớ thân với bạn ác
Chớ thân kẻ tiểu nhân
Hãy thân người bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân"

(Kinh Nikaya Pháp Cú: II Panditavagga: Phẩm Hiền Trí (78.)

Khi đã có sự cừu oán với nhau rồi, chúng ta không thể ngồi chung bàn được, cả hai đều phải cởi bỏ sự thù oán bên trong nội tâm, phải nhận diện thông suốt lý nhân quả và nguyên nhân sự hận thù đó bắt đầu từ điểm nào khởi sự. Chúng ta hãy có chánh tri kiến chuyển hóa nhân quả của chính mình. Nhân quả do chính thân, khẩu, ý của chúng ta tạo thành, nên mọi sự hận thù cừu oán phải tự chính mình hóa giải tìm nguyên nhân phát sinh nên sự khổ đau ấy. Phải không hỡi các bạn?

Đức Phật dạy:

"Chớ nói lời thô ác.
Nói ác bị nói lại Khổ thay lời thù hận.
Hình phạt tất đến thân".
(Kinh Nikaya Pháp Cú: X: Dandavagga: Phẩm Đao Trượng (133.)

Thưa các bạn, những lời Phật dạy này đã gửi đến chúng sanh những ân đức rất thâm sâu vô cùng cao quý, biết bao nguồn năng lượng yêu thương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang thương xót nhân loại, đang chìm đắm trong biển khổ ái dục. Người đã thấu rõ mọi ngõ ngách tâm niệm và nỗi khổ của chúng sanh. Người đã trao gởi nhắn nhủ những lời rất tha thiết thương yêu cho mỗi chúng ta trên đường tu tập. Cho nên mọi người hãy nên lánh xa, buông xả những cạm bẫy ái tình đầy những niềm đau và nỗi khổ.

"Do vậy chớ yêu ai.
Ai biệt ly là khổ.
Những ai không yêu ghét.
Không thể có buộc ràng".

Vì vậy trên đường tu tập chúng ta chớ có yêu ai, chớ có vấn vương tình cảm một ai, chớ có để ý làm duyên, làm dáng với một ai, vì ái biệt ly là khổ. Một khi ta đang yêu thương người ấy, mà bỗng nhiên ta phải xa lìa người ấy hay bỗng dưng người ấy giã từ cuộc đời này, ra đi, biệt ly mãi mãi không quay về nữa (chết đột ngột) thì chúng ta sẽ rất khổ đau.

Bởi vì yêu là một tai nạn thương tích rất nặng trên đường tu tập. Cuộc đời chúng ta sẽ dở dang lở đời lở đạo, lở hiếu hạnh với cha mẹ. Ta đứng giữa ngã ba đường, bước tới không được, bước lui cũng không xong, dở sống dở chết. Rất đáng thương cho những người con đang có những tâm tư tình cảm như vậy, đang có những trăn trở nỗi khổ và niềm đau ấy.

Nên trái tim chúng tôi rất cảm thông, chúng tôi chỉ còn có một tâm nguyện mong sao các bạn cố gắng tu tập vượt thoát dòng sông ái dục mê muội đang cuồn cuộn chảy xiết, giữa sóng gió ba đào. Các bạn hãy cố gắng, và hãy cố gắng vượt lên…

Vì vậy, yêu và ghét là một tình trạng hiện thực rất tự nhiên trong mỗi con người. Chính đó là quy luật tự nhiên của quá trình duyên hợp của nhân quả. Nên chúng ta hãy cố gắng tu tập để chuyển hóa và giải tỏa mọi tâm lý tình cảm thương ghét của thất tình lục dục:

"Có vui mừng: hỷ
Có bực tức: nộ
Có yêu thương: ái
Có căm ghét: ố
Có lo buồn: ai
Không bệnh tật: lạc
Có tham dục: dục".

Hễ còn thương là còn ghét, hễ hết thương là hết ghét. Hết thương hết ghét là chấm dứt mọi sự khổ đau, tái sanh luân hồi. Vì vậy, khi gặp nghịch cảnh, chướng duyên đến, chúng ta cảm thấy tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự thì biết rằng: tâm của chúng ta đã có tiến bộ nhiều, giảm sút yêu và ghét, như vậy nội lực có mạnh hơn lên.

Khi cảm thấy tâm an lành trước mọi chuyện xảy đến mà tâm điềm đạm bình tĩnh không lo lắng sầu muộn, không chấn động rộn ràng. Lại còn có chánh tri kiến nhìn thấy các sự kiện xảy ra xung quanh ta đang sống đều do luật nhân quả tạo thành và tác động. Luật nhân quả tạo thành và tác động, cũng chỉ vì chúng ta đang còn sống trong vòng tay nhân quả. Do biết chủ động điều khiển nó, chính là không để cho nhân quả chi phối tâm ta. Muốn không để cho nhân quả chi phối tâm ta, là phải cố gắng làm chủ thân, khẩu, ý của mình.

Mỗi lời nói ra đều phải có chánh tư duy nên ta không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Mỗi khi muốn làm một điều gì đó, thì các bạn đừng vội vàng mà hãy chánh tư duy và tự hỏi: cái mà các bạn muốn làm có tốt không? Có thiện không? Khi đã chánh tư duy xong mới bắt đầu nói, hay làm, và như vậy bạn sẽ không làm khổ mình khổ người.

"Những ai không yêu ghét
Không thể có buộc ràng"

Đúng vậy, nếu chúng ta có chánh tư duy mỗi ngày thì sẽ không làm khổ một ai cả. Trong mỗi hành động tâm tư và ngôn ngữ ta đều có suy xét kỹ nên nói hay không nên nói? Nên chúng ta làm chủ nhân quả của thân, khẩu, ý. Giáo lý cốt lõi cơ bản của Đạo Phật chỉ có bấy nhiêu đó thôi, tức là tu tập làm chủ "thân khẩu ý" cho được thanh tịnh.

Mỗi một ngày chúng ta cố gắng tu tập làm chủ thân, khẩu, ý nên ta không yêu ghét, không có buộc ràng nên ta không đau khổ. Nếu chúng ta biết điều phục buông xả những tâm niệm thói quen tật xấu trong ta thì chúng ta đã lần lần chuyển hóa nhân quả.

Sự công phu tu tập nào cũng vậy, cũng phải đòi hỏi sự nhiệt tâm tinh cần mỗi ngày siêng năng bền chí tập luyện trau dồi tinh chuyên thì mới có kết quả năng lực nhạy bén nhanh chóng để làm chủ thân khẩu ý. Vì vậy chúng ta hãy cố gắng nỗ lực tu tập để làm chủ mọi hành động tâm tư ngôn ngữ của chính mình. Thì ta sẽ không còn yêu ghét buộc ràng khổ đau nữa. Phải không hỡi các bạn?

Con đường hết đau khổ là con đường thiện, bờ bên kia, con đường đau khổ là con đường ác, bờ bên này. Và ai muốn chấm dứt khổ đau thì chọn đường thiện, ai muốn khổ đau thì chọn đường ác.

Lộ trình của đau khổ là bờ bên này. Lộ trình hết đau khổ là bờ bên kia. "Tà" là đau khổ, "Chánh" là hết đau khổ; "ác" là đau khổ, "thiện" là hết đau khổ; "yêu ghét" là đau khổ, "không yêu ghét" là hết đau khổ. Bờ bên kia là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Còn bờ bên này là vô đạo đức, sống thường làm khổ mình, khổ người khổ chúng sanh.

Giáo lý tinh hoa của nền đạo đức văn hóa Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ có bấy nhiêu đó thôi mà chúng ta tu hoài, tu mãi 10 năm 20 năm hay 30, 40 năm qua, mà vẫn chưa buông xả được yêu và ghét.

Nhiều kiếp đã trôi lăn trong vòng lục đạo tử sinh luân hồi, khổ lên, khổ xuống, bầm dập lỡ làng, quằn quại đau thương trần ai, quá ư là khổ sở ê chề, mà vẫn chưa xả ly được yêu và ghét. Nên ta bị buộc ràng khổ đau úa tàn héo hắt xác xơ cả xác thân lẫn tâm hồn tiều tụy lụi tàn, băng hoại vì thiếu chánh tri kiến và tấm lòng nhiệt huyết của con tim vì thiếu sự bền chí gan dạ tu tập. Nên ta đã bị vướng mắc và trói buộc trong "yêu và ghét".

Vì vậy chúng ta hãy cố gắng tu tập làm sao để vượt thoát lộ trình đầy đau khổ này: "yêu và ghét". Để cho tâm hồn và trái tim ta còn được một chút xíu thanh thản, an lạc và vô sự, không còn trói buộc vướng mắc trong yêu và ghét này nữa. Phải không hỡi các bạn?

Đọc đoạn kinh trên đây. Những lời dạy này của Đức phật chúng ta xét thấy sự giải thoát của Phật Giáo rất rõ ràng cụ thể dễ dàng không có khó khăn. Bởi vì chúng ta cần có chánh tri kiến hiểu biết thiện và ác là giải thoát ngay liền, như ở bên bờ này, liền qua bờ bên kia, không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Chỉ có những ai quyết tâm tìm cầu một cuộc sống an lành, hạnh phúc thì sự giải thoát ở ngay trong tầm tay. Đó là sự rốt ráo tận cùng của Đạo Phật, nhưng phải thông hiểu chữ "yêu và ghét" như thế nào để biết mà giữ gìn tu tập và sống cho đúng nghĩa của nó, thì ước vọng của các bạn sẽ thành hiện thực trong đời nay.

Thân ái chào các bạn, chúc các bạn thành công trên đường tu tập.

(Bài Viết Của Tu Sinh Chơn Như)

Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí

Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa. Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY...