Saturday, March 31, 2018

GIÁC NGỘ CHÂN LÝ



Chân lý là một trạng thái có sẵn trong tâm mọi người, mà người nào chưa tu cũng nhận ra nó không mấy khó khăn, chứ không phải đợi chúng ta tu rồi chúng ta mới nhận ra được chân lý. Cho nên đức Phật dạy chúng ta giác ngộ chân lý để rồi hộ trì và bảo vệ nó, cuối cùng chúng ta sống trong chân lý đó, tức là chúng ta đã chứng đạt chân lý. Có bốn chân lý: Khổ - Tập - Diệt - Đạo.
Diệt đế là một trạng thái không khổ. Vậy ngồi trước mặt Thầy, quý Phật tử hãy lắng lặng nghe tâm mình thanh thản, tức là nó không niệm gì hết; chúng ta ngồi mà nghe không mỏi mệt, không đau nhức thì đó là trạng thái của thân an lạc; và hiện giờ ngồi trước mặt Thầy không có ai làm một công việc gì hết, tư tưởng không suy nghĩ, không lo lắng một điều gì cả thì đó là vô sự. Quý Phật tử hãy lắng lặng và nghe tâm mình trong vài giây, 30 giây, … xem tâm mình có thanh thản, an lạc, vô sự không?
Mặc dù quý Phật tử chưa có tu tập gì nhưng vẫn có trạng thái đó, đó là sự thật. Nếu quý vị không có điều đó thì làm sao gọi là hộ trì, bảo vệ chân lý. Cho nên, đức Phật dạy chúng ta thấy trạng thái giải thoát hoàn toàn, mà hiện giờ chỉ có khoảng 30 giây, 1 phút không thể hơn được, mà hơn thì tâm chúng ta sẽ có 1 niệm do tâm tham sân si khởi lên làm cho tâm chúng ta không thanh thản, và thân chúng ta có 3 cảm thọ, thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Ngồi đây chúng ta chỉ trong vòng 5, 10 phút, hơn nữa thì mỏi mệt, tê, nhức chỗ này, đau chỗ kia, do đó cũng đâu làm cho an lạc được. Mà nếu ngồi như vậy mà không làm sự việc gì hết thì hôn trầm buồn ngủ sẽ  đến với quý vị, các vị sẽ bị gục xuống hay là cúi đầu nghiêng cổ mà ngủ. Khó quá!
Tại sao chân lý mà chúng ta sống đạt được như vậy, không kéo dài được như vậy là tại vì chúng ta chưa biết cách tu. Cho nên, muốn hộ trì và bảo vệ chân lý thì có Bát Chánh Đạo, tức là Đạo Đế, con đường tu tập để được chứng đạt trạng thái đó, để được sống trong trạng thái đó.
Cách thức xả tâm:
Ngồi lại yên lặng, nhắc: “Tâm thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi ngồi chơi. Ngồi chơi không có nghĩa là ngồi nghĩ ngợi cái này, cái kia mà ngồi để xem cái tâm của mình nó nói cái gì, nó đang khởi gì đây? Nó chưa khởi nhưng mà nó sẽ khởi. Thì mình ngồi im lặng trong vòng 30 giây, 1 phút bắt đầu có 1 niệm khởi ra. Ta nhắc: “các pháp là vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta”, nếu là niệm ái kiết sử thì ta nhắc: “đây là ái kiết sử”, điểm mặt nó; nếu nó khởi ra những niệm lo lắng, những niệm buồn thì đây là nhân quả, chỗ này chỉ có tâm thanh thản, an lạc vô sự mà thôi, rồi giữ cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự.
Trong khi giữ cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự thì các con thấy cái gì?
Thấy cái hơi thở thoi thóp thở ra, thở vô, nhưng mà có một niệm thì nó mất hơi thở liền tức khắc. Lúc bây giờ có một niệm thì mấy con xét thấy là nhân quả hay là ái kiết sử hay là một niệm chấp dính cái gì đó. Chấp dính gì? Ví dụ như: Hồi nãy quên bỏ 1 gói đồ ở nhà không biết người nhà có dẹp cất không? Nếu không dẹp cất thì sợ mất hoặc hư hao, cho nên từ đó cái tâm các con không yên, nhưng mà các con biết đây là nhân quả mất cũng được, còn cũng được, không lo, tâm phải thanh thản, an lạc, vô sự, các con điểm mặt nó liền, đây là nhân quả mà.
Hay là đang ngồi thanh thản, an lạc, vô sự bổng nhớ cái bóp để quên trên phòng khách, trời phải chạy xuống, để mất sao? Đó là cái niệm nó khởi làm các con lo thì các con nói ngay, mất là nhân quả, không lo, tâm phải thanh thản, an lạc, vô sự. Nếu nhân quả không mất thì bây giờ để đâu cũng không mất, nếu nhân quả mất thì để trong tủ khóa lại chúng cũng lấy. Cho nên, tâm bất động, yên ổn, không lo cái này nữa. Xả tâm bằng cái hiểu biết của mình mà, bằng cái nhân quả mà.
Đó là cách thức xả niệm.
Bài giảng của Thầy Thông Lạc
Nguồn: Click

Wednesday, March 28, 2018

Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt


31. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt
(Sigàlovàda sutta)

Như vậy tôi nghe.

1. Một thời Thế Tôn sống ở Ràjagaha (Vương Xá thành), tại Veluvana (Trúc Lâm), Kalandakanivàpa (chỗ tìm ăn của loài sóc). Lúc bấy giờ, Singàlaka (Thi-ca-la-việt), gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng.

2. Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Vương Xá khất thực. Thế Tôn thấy Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng. Thấy vậy Ngài nói với Singàlaka, gia chủ tử:

- Này Gia chủ tử, vì sao Ngươi dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông... hướng Thượng?

- Bạch Thế Tôn, thân phụ con khi gần chết có dặn con: "Này con thân yêu, hãy đảnh lễ các phương hướng". Bạch Thế Tôn, con kính tín, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ lời nói của thân phụ con, buổi sáng dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông... hướng Thượng.

- Này Gia chủ tử, trong luật pháp của bậc Thánh, lễ bái sáu phương không phải như vậy.

- Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của bậc Thánh, thế nào là lễ bái sáu phương? Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của bậc Thánh, đảnh lễ sáu phương phải như thế nào? Lành thay! Thế Tôn hãy giảng pháp ấy cho con!

- Này Gia chủ tử, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Singàlaka, gia chủ tử vâng lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

3. - Này Gia chủ tử, đối với vị Thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân để phung phí tài sản. Vị này, nhờ từ bỏ mười bốn ác pháp, trở thành vị che chở sáu phương; vị này đã thực hành để chiến thắng hai đời, vị này đã chiến thắng đời này và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung, vị này sanh ở thiện thú, Thiên giới.

Thế nào là bốn nghiệp phiền não đã được diệt trừ? Này Gia chủ tử, đó là nghiệp phiền não sát sanh, nghiệp phiền não trộm cắp, nghiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo. Bốn nghiệp phiền não này đã được trừ diệt.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

4. Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:


Sát sanh và trộm cắp,
Nói láo, lấy vợ người,
Kẻ trí không tán thán,
Những hạnh nghiệp như vậy.

5. Thế nào là không làm ác nghiệp theo bốn lý do? Ác nghiệp làm do tham dục, ác nghiệp làm do sân hận, ác nghiệp làm do ngu si, ác nghiệp làm do sợ hãi. Này Gia chủ tử, vì vị Thánh đệ tử không tham dục, không sân hận, không ngu si, không sợ hãi, nên không làm ác nghiệp theo bốn lý do.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

6. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:


Ai phản lại Chánh pháp,
Vì tham, sân, bố, si,
Thanh danh bị sứt mẻ
Như mặt trăng đêm khuyết.
Ai không phản Chánh pháp,
Vì tham, sân, bố, si,
Thanh danh được tròn đủ,
Như mặt trăng đêm đầy.

7. Thế nào là không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản? Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Ðam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữu là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.

8. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, và thứ sáu là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sau nguy hiểm như vậy.

9. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: Tự mình không được che chở hộ trì, vợ con không được che chở hộ trì, tài sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm như vậy.

10. Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm: Luôn luôn tìm xem chỗ nào có múa, chỗ nào có ca, chỗ nào có nhạc, chỗ nào có tán tụng, chỗ nào có nhạc tay, chỗ nào có trống. Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm như vậy.

11. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm: Nếu thắng thì sanh oán thù, nếu thua thì tâm sanh sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, tại hội trường (pháp đình) lời nói không hiệu lực, bằng hữu đồng liêu khinh miệt, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm vì người đam mê cờ bạc không xứng để có vợ. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như vậy.

12. Này Gia chủ tử, thân cận các ác hữu có sáu nguy hiểm: Những kẻ cờ bạc, loạn hành, nghiện rượu, những kẻ trá ngụy, lường gạt, bạo động là những người bạn, là những thân hữu của người ấy. Này Gia chủ tử, thân cận ác hữu có sáu nguy hiểm như vậy.

13. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: "quá lạnh", không làm việc; "quá nóng", không làm việc; "quá trễ" không làm việc; "quá sớm", không làm việc; "tôi đói quá", không làm việc; "tôi quá no", không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng lên, tài sản có rồi bị tiêu thất. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm như vậy. Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

14. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:


Có bạn gọi bạn rượu,
Có bạn, bạn bằng mồm,
Bạn lúc thật hữu sự,
Mới xứng danh bạn bè.
Ngủ ngày, thông vợ người,
Ưa đấu tranh, làm hại,
Thân ác hữu, xan tham,
Sáu sự não hại người.
Ác hữu, ác bạn lữ,
Ác hạnh, hành ác xứ,
Ðời này cả đời sau,
Hai đời, người bị hại.
Cờ bạc và đàn bà,
Rượu chè, múa và hát
Ngủ ngày, đi phi thời
Thân ác hữu, xan tham,
Sáu sự não hại người.
Chơi xúc xắc, uống rượu
Theo đuổi đàn bà người,
Lẽ sống của người khác,
Thân cận kẻ hạ tiện,
Không thân cận bậc trí,
Người ấy tự héo mòn,
Như trăng trong mùa khuyết.
Rượu chè không tiền của,
Khao khát, tìm tửu điếm,
Bị chìm trong nợ nần,
Như chìm trong bồn nước,
Mau chóng tự hại mình,
Như kẻ mất gia đình.
Ai quen thói ngủ ngày,
Thức trọn suốt đêm trường,
Luôn luôn say sướt mướt,
Không thể sống gia đình.
Ở đây ai hay than:
Ôi quá lạnh, quá nóng,
Quá chiều, quá trễ giờ,
Sẽ bỏ bê công việc.
Lợi ích, điều tốt lành,
Bị trôi dạt một bên.
Ai xem lạnh và nóng,
Nhẹ nhàng hơn cỏ lau,
Làm mọi công chuyện mình,
Hạnh phúc không từ bỏ.

15. Này Gia chủ từ, có bốn hạng người phải xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người khéo nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

16. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy, cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, làm vì mưu lợi cho mình. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

17. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Tỏ lộ thân tình việc đã qua; tỏ lộ thân tình việc chưa đến; mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

18. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Ðồng ý các việc ác; không đồng ý các việc thiện; trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

19. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình du hành đường phố phi thời; là bạn khi mình la cà đình đám hý viện; là bạn khi mình đam mê cờ bạc. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

20. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:


Người bạn gì cũng lấy,
Người bạn chỉ nói giỏi,
Người nói lời nịnh hót,
Người tiêu pha xa xỉ.
Cả bốn, không phải bạn,
Biết vậy, người trí tránh,
Như đường đầy sợ hãi.

21. Này Gia chủ tử, bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật: Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật; người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật; người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật; người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật.

22. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là người bạn chân thật.

23. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật.

24. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chận bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.

25. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

26. Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:


Bạn sẵn sàng giúp đỡ,
Bạn chung thủy khổ vui,
Bạn khuyến khích lợi ích,
Bạn có lòng thương tưởng.
Biết rõ bốn bạn này,
Người trí phục vụ họ,
Như mẹ đối con ruột.
Người trí giữ giới luật,
Sáng như lửa đồi cao.
Người tích trữ tài sản,
Như cử chỉ con ong.
Tài sản được chồng chất,
Như ụ mối đùn cao,
Người cư xử như vậy,
Chất chứa các tài sản,
Vừa đủ để lợi ích
Cho chính gia đình mình.
Tài sản cần chia bốn
Ðể kết hợp bạn bè:
Một phần mình an hưởng,
Hai phần dành công việc,
Phần tư, phần để dành,
Phòng khó khăn hoạn nạn.

27. Này Gia chủ tử, vị Thánh đệ tử hộ trì sáu phương như thế nào? Này Gia chủ tử, sáu phương này cần được hiểu như sau: Phương Ðông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam cần được hiểu là sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cần được hiểu là Sa-môn, Bà-la-môn.

28. Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Ðông: "Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời". Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Ðông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.

Này Gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Ðông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng con theo năm cách. Như vậy phương Ðông được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

29. Này Gia chủ tử, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Ðứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này Gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt.

Này Gia chủ tử, như vậy là bậc sư trưởng được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách và sư trưởng có lòng thương tưởng đến đệ tử theo năm cách. Như vậy phương Nam được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

30. Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ; Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.

Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

31. Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử.

Như vậy các bạn bè được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách và bạn bè có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Bắc được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

32. Này Gia chủ tử, có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia xẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách như kia, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ.

Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được vị Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách, có lòng thương tưởng đối với Thánh chủ nhân theo năm cách. Như vậy phương Dưới được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

33. Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị Sa-môn, Bà-la-môn như phương Trên: Có lòng từ trong hành động về thân; có lòng từ trong hành động về khẩu; có lòng từ trong hành động về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Này Gia chủ tử, các vị Bà-la-môn, Sa-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách như vậy, có lòng thương tưởng vị thiện nam tử ấy theo năm cách sau đây: Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời.

Này Gia chủ tử, các vị Sa-môn, Bà-la-môn được thiện nam tử đối xử như phương Trên với năm cách, và các vị Sa-môn, Bà-la-môn có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Trên được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy.

34. Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:


Cha mẹ là phương Ðông,
Sư trưởng là phương Nam,
Vợ chồng là phương Tây,
Bạn bè là phương Bắc,
Nô bộc là phương Dưới,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Có nghĩa là phương Trên.
Cư sĩ vì gia đình,
Ðảnh lễ phương hướng ấy.
Kẻ trí giữ Giới, Luật,
Từ tốn và biện tài,
Khiêm nhường và nhu thuận,
Nhờ vậy được danh xưng.
Dậy sớm không biếng nhác,
Bất động giữa hiểm nguy,
Người hiền, không phạm giới,
Nhờ vậy được danh xưng.
Nhiếp chúng, tạo nên bạn,
Từ ái, tâm bao dung,
Dẫn đạo, khuyến hóa đạo,
Nhờ vậy được danh xưng.
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành bất cứ ai,
Ðồng sự trong mọi việc,
Theo trường hợp xử sự.
Chính những nhiếp sự này,
Khiến thế giới xoay quanh,
Như bánh xe quay lăn,
Vòng theo trục xe chính.
Nhiếp sự này vắng mặt,
Không có mẹ hưởng thọ,
Hay không cha hưởng thọ,
Sự hiếu kính của con.
Do vậy bậc có trí,
Ðối với nhiếp pháp này,
Như quán sát chấp trì,
Nhờ vậy thành vĩ đại,
Ðược tán thánh, danh xưng.

35. Khi được nghe vậy, Singàlaka, gia chủ tử bạch Thế Tôn: "Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tuesday, March 27, 2018

CẬN TỬ NGHIỆP



Nghe pháp âm tại đây:  https://archive.org/details/ThayDayCanTuNghiep

Đọc thêm các bài: CẬN TỬ NGHIỆP VÀO NIẾT BÀN  

Bây giờ không thể nào mà đi ngay được, bây giờ chỉ tùy theo, tùy theo cái căn cơ của mấy con tu tập tới đâu hướng dẫn tới đó chứ chưa phải có trường học, trường lớp gì hết. Mấy con đã có theo Phật Pháp rồi, mà bây giờ mình đưa ra một cái giáo trình để tu tập từ thấp đến cao thì nó phải có một cái thời gian soạn thảo. Còn bây giờ mà ngay từ cái chỗ mà mấy con biết tu tập, thì tùy theo cái căn cơ sự tu tập đó mà linh động uyển chuyển cho các con tu tập nó không có phí, mà nó cũng có những cái kết quả cho cái sự tu tập của các con và những cái sai giúp cho các con biết để mà dừng lại, đừng có tu tập cái sai nữa mà hãy sửa lại cho được đúng để có được cái sự giải thoát nơi thân tâm của mình.

Đó là những cái điều kiện mà hôm nay mấy con về, được Thầy nhắc lại cái pháp mà Đức Phật tu chứng đạo và biết cách thức mà từ lâu tới giờ mấy con đã được theo Thầy tu tập, được đọc kinh sách Thầy viết. Rồi có những cái sai nào để mình vạch ra cho hết, để thấy được cái sai. Rồi thấy được cái sai rồi mình mới biết được cái đúng, chứ còn mình chưa thấy được cái tu sai của mình thì mình nói mình tu đúng chứ sự thật ra mình chưa có biết được cái sai. Mà hễ biết được cái sai thì mình mới biết được cái đúng. Do như vậy, cho nên vì vậy hôm nay Thầy mới chỉ cho mấy con biết cách thức mà tu.

Như hồi nãy Thầy dạy, hồi sáng Thầy dạy các con biết là mình tu cái pháp nào thì mình tập cái pháp đó cho nó nhuần nhả cái Pháp đó, rồi mình bỏ cái pháp đó đi, rồi mình tập cái pháp khác. Bởi vì cái pháp đó nó sẽ giúp cho mình tu tập cái pháp kế, chứ không phải là muốn tu tập cái pháp thứ hai mà cái pháp đầu tiên mình chưa tu tập được pháp thứ hai mà tu tập kết quả đâu. Cho nên mình phải tu tập cái pháp đầu tiên, rồi bắt đầu mình mới từ tập cái pháp thứ hai, cái pháp thứ hai được rồi mới tu tập tới cái pháp thứ ba, nó đi từng lớp lang như vậy chứ không phải có một cái pháp mình tu từ đầu cho đến cuối mình giải thoát hoàn toàn đâu, không có đâu, không có cái pháp như vậy.

Cho nên vì vậy chúng ta biết Phật pháp nó có nhiều pháp. Mà trong một cái pháp vậy mà tu tập thì nó có những cái câu hữu, tức là có sự kết hợp với nhau để mà tu tập, chứ không phải là tu tập độc đáo có một cái pháp nào riêng biệt một pháp nào. Thí dụ như mình chuyên nhất niệm Phật thì cái đó nó không đúng, mà mình phải tu tập nhiều cái pháp để mà kết hợp nhau lại, để mục đích của nó nhắm vào cái mục đích phải giải quyết được cái tâm, được cái tâm phiền não đau khổ.

Đó, thì hôm nay thì mấy con rõ được như vậy thì trong cái sự tu tập mấy con thấy có cái điều gì cần hỏi thì mấy con cứ hỏi, để từ cái chỗ hỏi đó nó mới lòi ra những cái, nó mới hiện ra những cái sai của mình, mới biết được những cái đúng sau này mà tập (2:48)...

Con ngồi đi, con đừng quỳ con. Con yếu con cứ ngồi đi, con hỏi Thầy cũng được, đừng quỳ, cái thân nhọc nhằn.

Thầy sẽ trả lời cái Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp là cái nghiệp cuối cùng, cái nghiệp mà mình sắp sửa mình chết, cái nghiệp cuối cùng mà mình tạo ra, cái nghiệp cuối cùng đó mình chết.

Thí dụ như bây giờ mình vừa chửi người ta, rồi mình tắt thở mình chết, cái đó gọi là Cận Tử Nghiệp.

Do cái chỗ mà nghĩ cái Cận Tử Nghiệp đó, cho nên trong cái Tịnh Độ đó người ta mới tổ chức cho Hộ Niệm. Hộ Niệm để giữ cho cái tâm mình nó luôn luôn nó ở trong cái câu niệm Phật, để khi mà bỏ cái thân này nó luôn luôn được giữ cái niệm Phật đó, cái câu niệm Phật đó thì nó sẽ được Phật đưa Thánh chúng đến rước cái linh hồn mình về cõi Cực Lạc, rồi mình vãng sanh.

Vì vậy như trong Tịnh Độ thì nó có tổ chức cái Ban Hộ Niệm. Khi một cái người thân của mình sắp sửa chết thì người ta đưa cái Ban Hộ Niệm đến người ta niệm Phật, người ta tụng kinh rồi người ta niệm Phật để làm cho cái người sắp sửa chết người ta duyên theo cái câu niệm Phật đó người ta giữ, người ta tạo được cái nghiệp, cái nghiệp đó là cái nghiệp thiện, cái nghiệp Niệm Phật, để khi mà người ta chết thì người ta ở trong cái câu niệm Phật đó mà được đức Phật Di Đà rước người ta về cõi Cực Lạc đó là cái ý nghĩa như vậy.

Cho nên vì vậy thường thường cái Cận Tử Nghiệp là cái nghiệp cuối cùng khi chúng ta sắp chết thì cái cơ thể chúng ta nó mòn mỏi, người ta nói nó trăn trở đó, cái người mà sắp chết nó trăn trở. Gọi là khi mà ai có nuôi người bệnh người chết mới biết nó trăn trở, nó đau nhức từ trong khúc xương của cái người bệnh, cái người đang sắp chết thì cái người đó họ nằm xuống họ cũng không yên, rồi họ muốn ngồi dậy, đỡ họ ngồi dậy; rồi vừa ngồi dậy thì họ bảo để họ nằm xuống, cứ đỡ lên, nằm xuống vậy gọi là trăn trở, đau nhức trong người khắp cùng hết. Lúc bây giờ tâm họ nó khổ sở vô cùng, nó đau nhức họ khổ lắm. Cho nên ai có chết, ai mà có chết rồi thì mới biết, chứ ai chưa chết thì chưa có biết trong lúc cái Cận Tử Nghiệp.

Cho nên trong lúc cái tâm nó bị đau đớn quá, nó tán loạn, vì vậy mà nó bất an, nó lo lắng, nó thương nhớ rồi nó khổ sở nó đủ cách hết, nó làm cho người ta rối loạn hết,. thì lúc bấy giờ cái cơ thể bắt đầu nó mòn mỏi quá nó không có chịu đựng nổi nữa. Cho nên cái người đó sau cái rối loạn đó thì họ bị mê, họ mê đi trong cái mê đó thì nó thể hiện trong một cái giấc mộng. Cái giấc mộng đó, nếu mà cái tâm mà cái người đó họ làm ác, họ làm những cái điều ác thì họ sẽ thấy trong giấc mộng đó những cái ác.

Thí dụ như bây giờ họ nằm yên đó, họ hết trăn trở rồi, họ nằm yên, thế nhưng mà lúc bấy giờ họ nằm yên đó họ chưa chết đâu, họ sẽ thấy mộng, họ thấy giấc mộng. Thì cái giấc mộng đó nếu mà họ là cái người giết trâu, giết bò, giết chó, giết mèo rồi đó, thì bắt đầu trong cái giấc mộng đó họ sẽ thấy bò, trâu, chó, mèo đến cắn, đến xé họ, họ la. Cho nên những cái người mà họ làm cái nghề sát sanh, họ giết bò, trâu, heo, dê họ đâm giết đó, tới chừng họ chết họ thấy những loài vật đó lại cắn họ, đó là cái Cận Tử Nghiệp. Tại vì cái trạng thái mà sợ hãi cắn sợ hãi đó thì trong lúc đó họ sợ quá đó, thì khi mà họ thay vì như mình nằm mộng, mình thấy ác mộng mình sợ quá mình giựt mình, mình thức dậy; còn trái lại họ giựt mình cái thì họ đi tiếp tục họ tái sanh, họ tái sanh là cái thân họ tắt thở, họ thở cái hơi thở cuối cùng. Đó gọi là cái Cận Tử Nghiệp.

Cận Tử Nghiệp nó có hai cách: Cái cách mà mình còn tỉnh táo để mình gieo cái duyên đó, một cách thì nó mê man nó thực hiện ở trong giấc mộng. Cho nên người ta muốn cho cái người mà tu theo cái Tịnh Độ đó, người ta lấy cái Cận Tử Nghiệp để mà người ta tạo cho họ cái duyên để cho khi người ta thiếp ở trong giấc mộng đó họ thấy họ cứ niệm Phật, họ thành cái thói quen họ niệm Phật. Cho nên nó không có cái mộng mà thấy những cái ác mộng mà thấy cái thiện mộng. Cho nên có nhiều người tu tập như mình ngủ mình cũng thấy mình niệm Phật, thì họ nói tốt, thì như vậy mình không Niệm nhưng mà nghe luôn luôn lúc nào cũng là ở trong đầu mình nghe tiếng niệm Phật vang ở trong đó, đó là cái tưởng của mình nó Niệm như vậy. Cho nên vì vậy chiêm bao mình cũng thấy niệm Phật, mình ngồi mình không niệm Phật mà nó cũng niệm Phật cái đó gọi là nhất tâm, niệm Phật được Nhất Tâm.

Đó là tạo cái thế để sau khi mà mình sắp sửa chết cái nghiệp niệm Phật nó vẫn luôn luôn hoài còn cái nghiệp mình niệm Phật nó được tái sanh. Nhưng mà sự thật ra, trong khi mà người ta niệm Phật mà người ta làm thiện thì nó tốt. Sợ mình niệm Phật mà mình không làm thiện, do đó mà niệm Phật cho được, khi mà tới cái giờ mình ngồi mình niệm Phật, mình lần chuỗi mình niệm Phật nhưng hết giờ ra thì những cái chuyện ác tham sân si của mình thì vẫn đầy đủ. Thì như vậy cái Niệm Phật đó nó gọi là mình sống ở trong một cái ảo chứ nó không có thật có, bởi vì có cái cõi Cực Lạc Tây Phương thật sự, mà bây giờ mình tưởng ra nó có, rồi mình tưởng ra nó có Di Đà, cho nên mình sống ở trong cái tưởng của mình. Cho nên vì vậy nếu mà mình niệm Phật được nhất tâm bất loạn như vậy thì mình cũng rơi vào cái trạng thái Tưởng, khi chết đi nó cũng sanh ở trong cái trạng thái tưởng, chứ nó cũng không hoàn toàn ở trong cái coi nào được bởi vì đó là cái trạng thái tưởng của mình mà.

Cho nên ở đây Đức Phật đã thấy được cái điều đó, cho nên Đức Phật nói 33 cõi Trời đều là tưởng tri chứ không phải Liễu tri, cho nên cái cõi Cực Lạc đó cũng là cái cõi tưởng tri chứ không phải là Liễu tri. Nhưng mà cõi Cực Lạc đó cũng Bà La Môn nó đã xây dựng trước kia nhưng mà một cái tên khác, sau này Đại Thừa nó xây dựng thì nó lấy cái tên của cái coi Trời đó nó đặt cho cái cõi Cực Lạc thôi chứ không phải là cái gì, nó thay đổi cái tên. Bây giờ mình nghe là Cực Lạc Tây Phương, trước kia thì Bà La Môn nó đặt cho nó là cái cõi Trời. Thì những cái tên như vậy nó chỉ sai khác nhau mà thôi chứ còn cái tưởng thì nó giống nhau.

Còn cái Phương pháp như vậy, cái phương pháp Cận Tử Nghiệp là cái phương pháp làm cái chuyện giả dối. Đời sống mình cứ làm ác đi, rồi tới chừng đó mình nhờ nhiều người tụng kinh, niệm Phật, rồi do đó mình cứ ráng cái tâm mình nương theo cái câu đó đi thì mình cũng được Vãng Sanh Cực Lạc. Cho nên coi như là mình giả dối mình tạo, mình lừa đảo những bậc thí dụ như có ông phật Di Đà thực sự cũng là cách thức để mình lừa đảo ông Phật Di Đà thôi.

Bây giờ tôi làm ác tất cả những cái sự kiện tôi sống tôi làm ác, nhưng mà tới giờ phút đó tôi chỉ cần tôi niệm Phật, niệm Phật nhất tâm đi, mọi người xúm với nhau mà niệm Phật, để cho tôi nghe cái tiếng niệm Phật đó mà tôi nương theo tôi tạo cái Cận Tử Nghiệp đó thì tôi cũng được vãng sanh Cực Lạc. Cho nên cuối cùng thì cái đời sống người đó làm đều những điều ác, chứ không phải điều thiện vì vậy mà cái Cận Tử Nghiệp không phải là chúng ta tạo Cận Tử Nghiệp mà là chúng ta sống đúng, sống đúng cái nghiệp thiện, thì chừng chúng ta chết nó cũng vẫn niệm thiện.

Nghĩa là bây giờ chúng ta biết Phật pháp rồi thì chúng ta biết ngăn ác, diệt ác. Cho nên đến khi mà chúng ta sắp sửa bỏ cái thân này trước cái đau đớn của cái cơ thể mà nó sắp hoại diệt thì nó sẽ có những cái quả của nó nó đau khổ nhưng mà chúng ta vẫn thấy bình thường bởi vì chúng ta đã hiểu rằng nó là cái thọ là vô thường, nó khổ vậy chứ nó không có cái gì đâu mà sợ, cho nên cái tâm mình nó an ổn, nó không có lo lắng, cho nên nó không bận tâm, nó thanh thản, an lạc, trước cái đau khổ đó mà nó thanh thản.

Thì như vậy rõ ràng là từ cái chỗ tu mà cho đến khi mà mình thành tựu cái chỗ Cận Tử Nghiệp này nó vẫn là duy nhất một chứ không hai.

Còn cái kia mình tạo cuộc sống mình những cái ác pháp mà tới chừng này chỉ giả tạo trong cái thời gian mà sắp sửa chết, hoàn toàn giờ nhiều người để mà hộ niệm cho mình, tụng niệm cho mình niệm Phật cho mình để mình duyên theo đó thôi, mình duyên theo đó để niệm Phật để rồi trong lúc đó Cận Tử Nghiệp của mình hoàn toàn nó tốt, nó Thanh Tịnh, nó không có ác pháp . Nhưng mà cuối cùng cái đời sống của mình từ lâu đến giờ mình tạo thành cái nhân quả ác đó thì nó không bao giờ, khi đó người ta bị hôn mê người ta không có tỉnh táo được, người ta hoàn toàn trong khi mà người ta tạo những cái ác, tới chừng cái chết người ta sắp sửa chết thì cái Cận Tử Nghiệp đó nó cũng thể hiện qua cái ác pháp chứ nó không thể nào mà nó thiện được

Mặc dù chúng ta cố gắng gắng hết sức để mà tạo cái Cận Tử Nghiệp đó, Cận Tử Nghiệp là cái hành động, cái suy nghĩ, cái cảm thọ trong cái lúc đó toàn thiện thì gọi là tạo cái Cận Tử Nghiệp tốt. Còn không thì chúng ta cái Cận Tử Nghiệp đó nó hiện ra, như bây giờ đầu tiên là cái Cận Tử Nghiệp nó hiện ra chắc ai cũng biết rằng nó trăn trở rồi, cái nghiệp cuối cùng của mình cái Cận Tử Nghiệp cái nghiệp cuối cùng thì nó đau, nó nhức, nó rã rời từng cái thớ thịt của mình.

Cho nên vì vậy mà cái người mà sắp chết người ta nói trăn trở lắm, phải đỡ lên, nằm xuống; đỡ lên, nằm xuống cả một tiếng, hai tiếng đồng hồ vậy họ mới được nằm yên phải không. Mà khi mà họ nằm yên rồi thì họ lại thể hiện qua giấc mộng, chứ không phải họ nằm yên rồi họ chết đâu. Họ nằm yên rồi bắt đầu họ mê trong giấc mộng, còn có nhiều người họ tỉnh, họ không có mộng, họ không mộng, họ trăn trở vậy. Rồi đến khi mà chết, đến khi chết tới đâu họ biết tới đó. Có nghĩa bây giờ thí dụ cái chân họ chết, họ nói bây giờ đó: mẹ đã chết tới cái chân chỗ này rồi, người ta lạnh tới đâu người ta biết được cái chân người ta chết, mấy người đó tỉnh lắm. Mấy người đó tỉnh là tại vì mấy người đó đã tu con, mấy người có tu tỉnh thức đó, nghĩa là bây giờ mình đi mình biết mình đi, mình ngồi mình biết mình ngồi, rồi sau đó cái thân của mình mà tới khi nó hoại diệt nó không bị mê đó, thì nó có sức tỉnh thì nó không có mê, cho nên thân mình chết tới đâu mình biết tới đó, chết tới chỗ nào là mình biết chỗ đó. Bây giờ nó chết ở đây rồi thì cái người chết họ nói lần lần, lần lần cho mình biết, hễ họ nó chết chỗ nào thì mình rờ chỗ đó nó lạnh.

Cho nên, khi mà Thầy nuôi mẹ Thầy, thì mẹ Thầy nói: Bây giờ mẹ Thầy cái chân nó đã chết tới đây rồi, Thầy rờ ở dưới cái chân nó lạnh rồi, mẹ Thầy nói nó tới chỗ bắp đùi rồi,Thầy rờ ở dưới này, mẹ Thầy nói tới đâu, tới đâu thì Thầy rờ tới đó, Thầy nghe lạnh. Thầy biết Thầy có nuôi mẹ; ông thân Thầy, Thầy nuôi Thầy ẵm bồng Thầy nuôi Thầy biết. Tất cả những người mẹ hay hoặc ông thân Thầy người nào cũng có sự trăn trở, nhưng một người nhanh và một người mau. Cái nghiệp, Cận Tử Nghiệp mà. Khi mở cái nghiệp nhanh thì nó chỉ Thầy đỡ lên chừng, khoảng chừng đỡ lên, ngồi xuống như vậy nó khoảng độ chừng năm, mười phút. Còn cái người lâu cả tiếng đồng hồ lận nó làm cho khổ sở nó kéo dài. Còn có nhiều người còn lâu hơn, nhưng mà ông thân Thầy thì lâu hơn, còn mẹ Thầy thì nhanh hơn bà chỉ có chừng khoảng độ Chừng 5 phút đỡ lên, nằm xuống 5 phút rồi bà nằm yên, rồi bà tỉnh táo bà không có mê. Mà tiếng nói của bà ngọng, không có ngọng nghịu, còn nói được, còn nói chết tới đây nó rõ ràng lắm: Chân của mẹ chết tới đây rồi, rồi tới chừng mà hết nói thì tức là nó đã… thì khi mà hết nói thì toàn bộ cái cơ thể đều lạnh hết, thì đó là cái Cận Tử Nghiệp của chúng ta, cái nghiệp cuối cùng, cái nghiệp cuối cùng là cái thọ cái sự đau khổ của cái người đó trước mấy con. rồi cái trạng thái mà nó sanh ra rối loạn, hôn mê nó là cái nghiệp cuối cùng. Rồi cái giấc mộng nó thể hiện ở trong lúc sắp sửa chết, cái giấc mộng nó cuối cùng thì đó là cái Cận Tử Nghiệp.

Vì vậy mà cái người đời mà chúng ta cái tôn giáo mà nó không hiểu thì tạo ra cái giả dối. Thay vì mình biết Phật pháp mình ráng mình tu thì đó là mình tạo cái Cận Tử Nghiệp sau đó nó sẽ nhẹ hoặc là hoàn toàn nó không có đau đớn nữa,nó không có đau đớn khổ sở nữa.

Cho nên trong khi mà Thầy dặn các con, như hồi nãy Thầy đã dặn khi mà các con muốn thấy Phật, muốn gặp Phật, muốn gặp Thầy thì bất kỳ; bởi vì Thầy nói bây giờ chúng ta gặp nhau nhưng ngày mai cái tuổi tác của chúng ta nó đâu có định cho chúng ta còn sống dai nữa được đâu, nó sẽ mất. Bây giờ khi chúng ta muốn gặp nhau thì phải cố gắng giữ cái tâm mình thanh thản mấy con, dù nó có đau nhức cách gì, dù nó như thế nào chúng ta vẫn thanh thản và khi tâm được thanh thản mà cái thân này nó vừa chết chúng ta cũng vẫn biết rõ ràng, chết bỏ không tiếc, không có hề mà nuối tiếc nó chút gì hết vẫn giữ tâm thanh thản. Còn khi mà chúng ta sợ chết cái bắt đầu nó mất cái thanh thản liền, chúng ta thấy đau khổ quá chúng ta mất thanh thản liền, chúng ta sợ hãi, chúng ta thương nhớ, chúng ta tiếc của là chúng ta sẽ mất thanh thản liền. Tất cả những cái này các con đã từng tu tập rồi, cho nên vì vậy mà các con biết tới chừng đó các con thấy nó là ác pháp hết các con cứ đuổi nó đi, quán xét nó đuổi đi để giữ cho cái Tâm bất động của mình trước cái đó, thì lúc bấy giờ các con có bỏ thân này đi thì các con cũng hoàn toàn là các con sẽ về Niết Bàn chứ không có đi đâu chỗ nào.

Cho nên có một vị tỳ kheo theo Đức Phật tu hành, hôm đó bị đau sắp sửa chết thì Đức Phật đến thăm.

Đức Phật hỏi: Vậy chứ ông thấy thân tứ đại ông như thế nào, có vô thường hay không?

Ông nói: Con thấy vô thường, thật sự là con thấy vô thường.

Rồi Đức Phật hỏi: Thọ như thế nào, hỏi tâm như thế nào rồi hỏi các pháp như thế nào?

Ông nói: Vô thường

Thì Đức Phật nói: Vô thường có khổ không?
Ông nói: khổ

Thì như vậy ông nói được rồi, bây giờ ông đã là nhận được như vậy là ông muốn đi hồi nào đó tự ông ông đi.

Thì lúc bấy giờ bị Tỳ kheo đi, thì các vị Tỳ kheo khác mới hỏi. Ông chết thì các vị tỳ-kheo khác mới hỏi. Vậy chứ ông ta tái sinh ở đâu?

Đức Phật nói: Không có tái sinh đâu hết. Bởi vì cái tâm mà đã thấy thân vô thường, thọ vô Thường, Khổ vô thường, không có còn chướng ngại gì hết, đã thấy nó rõ ràng là nó như vậy thì cái người đó sẽ ở trong cái trạng thái thanh thản, an lạc. Thấy nó vô thường khổ đâu còn dính mắc nó nữa.

Cho nên đối với đạo Phật Thầy thấy đơn giản, quá đơn giản, chỉ còn mình có cánh niệm mình thương nhớ, mình tiếc, mình sợ chết hay hoặc này kia nó làm cho mình rối loạn, khi mình thấy nó là vô thường hết rồi.

Cho nên hỏi đến Pháp có vô thường không? Nói vô thường, mà hễ vô thường là khổ rồi thì còn chấp nó làm gì nữa, thì buông hết rồi còn gì. Khi mà nhận thấy các pháp đều vô thường thì chúng ta còn cái gì mà thương nhớ nữa. Thì cái Cận Tử Nghiệp của chúng ta nó quán thanh thản an lạc rồi chứ gì. Như vậy là rõ ràng chúng ta vào Niết Bàn chứ còn gì nữa. Bây giờ mấy con tu không có tới đâu hết, bây giờ mấy con xả chưa hết đâu, mà tới giờ phút đó mấy con giữ được? Không giữ được.

Cho nên con đọc lại cái bức thư mà Thầy gửi cho cô Liễu Kim, chắc ở đây mấy con có ai đọc bức thư cô Liễu Kim rồi chứ gì. Cô Liễu Kim, Thầy gửi cho cô Liễu Kim, cô bị ung thư cô đau khổ lắm, nhưng mà cô vẫn dùng cái pháp hướng đến Thầy mà cô chuyển được. Bẩy lần cô đi mổ mà cô vẫn thấy thản nhiên, cho nên vì vậy mà cuối cùng một ngày nào mà cô chết thì chắc chắn là cô sẽ được thanh thản an lạc không có gì đâu. Cô trở về với cái trạng thái mà Chư Phật đang ở đó. Thì như vậy là rõ ràng cô cũng tu chưa hoàn toàn, cô cũng là cư sĩ, cũng có chồng có con, cũng bao nhiêu cái nợ nần của thế gian cô cũng đủ như mọi người hết, nhưng mà chỉ biết pháp của Thầy, chỉ giữ được cái tâm thanh thản trước cái cảm thọ mà của cái bệnh ung thư, các con biết nó đau ghê gớm lắm, nhưng mà cô vẫn thản nhiên. Một cái người nữ mà có cái sức chịu đựng cái phương pháp Như Lý Tác Ý của Thầy dạy, mà cô chịu đựng vượt qua từng những cái đau khổ đó thì các con biết rằng nó không thường đâu. Vậy mà người ta kiên trì, người ta vẫn thản nhiên trước cái sự đau khổ đó để rồi người ta giữ được cái tâm thanh thản của người ta thì đó gọi là tạo Cận Tử Nghiệp đó mấy con. Cách thức Thầy hướng dẫn cho cô Liễu Kim đó.

Rồi cô Diệu Liên, thì cô cũng vừa mất ở đây, cũng ở ngoài Hà Nội đó con, khi mà cô mất thì cô cũng xin Thầy một bức thư, Thầy nói Thầy đã viết bức thư đại diện chung cho cô Liễu Kim thì mấy con cứ dựa vào đó thì mấy con sống như vậy là các con sẽ gặp Phật và có thể gặp Thầy không có xa Thầy đâu.

Thì hôm nay về Cận Tử Nghiệp Thầy trả lời cho mấy con thấy đó là một vấn đề quan trọng của tuổi tác mấy con, mấy con hãy hiểu nó, để mà tạo cho cái Cận Tử Nghiệp của mình. Mặc dù cái đời của các con, trước cái đời của các con có làm nhiều tội lỗi chứ không phải, vì nuôi con chó lớn khôn các con làm các con chưa biết Phật pháp thì ít ra các con cũng phải có làm những cái tội lỗi, mà những cái tội lỗi đó thì cái quả, cái Cận Tử Nghiệp của các con, các con phải lãnh nó chứ không phải là các con trốn chạy đâu. Nhưng mà các con biết pháp rồi thì tâm các con bất động trước cái nghiệp quả đó các con không có dao động, không có sợ hãi, không còn nuối tiếc nữa thì ngay đó các con sẽ được giải thoát hoàn toàn. Cho nên chỉ có cái tâm bền chí và kiên cường của mình thì ngay đó là mình sẽ vào Niết Bàn chứ không mất đi đâu, vì cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự là cái duyên nó không thể nào mà tái sanh luân hồi được. Nó không có cây nhân quả ở trong đó được mà làm sao tái sinh luân hồi

Bởi vì chúng ta biết rằng khi một cái người mà đi tái sanh luân hồi là vì còn cái nhân quả, mà trong cái tâm thanh thản an lạc thì không có nhân quả thì không có tái sanh luân hồi. Đạo Phật nó đơn giản để mà chấm dứt luân hồi, chứ đâu phải là đợi phải tu nhập Tứ thiền, hay là Tam Minh nó mới hết sao, không phải đâu. Bất động trước các pháp bất động, cho nên Bất Động Tâm Định là một cái Định làm cho tâm mình không có dao động, không có động thì ngày đó chúng ta đã thành tựu đạo giải thoát rồi.

Nhớ cái bài hôm nay là cái bài Cận Tử Nghiệp các con nhớ kỹ để mà giữ cái Cận Tử Nghiệp của mình hoàn toàn tốt đẹp là ngay bây giờ, ngay bây giờ các con tu để giữ được tâm thanh thản, an lạc, vô sự cho đến khi Cận Tử Nghiệp đó là tại vì các con tu nó mới có, chứ còn thật sự ra không có người nào mà không tu mà tới đó mà các con giữ được cái tâm này, không thế nào các con giữ thanh thản, an lạc, vô sự được .

Cho nên hàng ngày các con cứ giận, tức, rồi lo, thương, rồi ghét đủ thứ tới chừng đó làm sao các con giữ thanh thản được, các con hiểu không? Ngay bây giờ các con tập, ngay bây giờ thì tới đó các con sẽ giữ được, bất động được. Đó là cái phương pháp cuối cùng cứu con người thoát khỏi cái sự tái sanh luân hồi mà, nhưng mà chúng ta không biết chúng ta cứ lơ lỏng.

Cho nên từ ngay bây giờ các con biết Phật pháp rồi thì các con đừng có lơ lỏng mà phải giữ gìn cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự; nó đâu phải là cái pháp gì mà tôi cực khổ đâu. Mỗi một cái chướng ngại, một cái gì phiền não trong lòng của các con thì các con đẩy lui nó đi thì nó thanh thản an lạc trở lại chứ có gì, đơn giản đến đơn giản như vậy.  


Cho nên Đức Phật gọi là ngăn ác, diệt ác; các pháp ác không nên làm nên làm các pháp thiện. Rõ ràng là lời Đức Phật dạy mà, chứ Thầy đâu có dạy cái gì khác đâu, để làm gì để cho tâm mình thanh thản, an lạc, vô sự chứ gì, để cho mình trở về với Niết Bàn chứ gì cái chỗ mà không tái sanh luân hồi, có phải thực tế không. Các con thấy ai cũng biết hết rồi, nhưng bây giờ chúng ta cố gắng để chúng ta làm để chừng mà chúng ta bỏ thân nhận chúng ta có đủ cái sức nó bất động Tâm chứ còn nếu không có từ bây giờ thì tới chừng đó chúng ta không đủ sức mà giữ nó đâu.

Bài ghi chép từ pháp âm, Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng. Quý bạn quan tâm mời nghe pháp âm từ phút 00: 20':53" theo link https://archive.org/details/ThayDayCanTuNghiep

Đánh máy: bạn Nguyễn Thị Ngọc

Ba Tùy Quán




Này các Tỷ-kheo, hãy sống tuỳ quán bất tịnh trên thân, hãy khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm; hãy sống tùy quán vô thường trong tất cả các hành.

Này các Tỷ-kheo, khi sống tùy quán bất tịnh trên thân tham tùy miên đối với tịnh giới được đoạn trừ

khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tâm hướng ngoại, dự phần vào tổn hại không có; 

khi sống tùy quán vô thường trong tất cả hành, thời vô minh trừ diệt, minh được khởi lên.
Quán bất tịnh trên thân,
Niệm thở vô thở ra,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Thường nhiệt tâm, chánh kiến,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Ðã thấy rất chơn chánh,
Từ đấy ở nơi đây,
Vị ấy được giải thoát,
Thắng trí được thành tựu,
Lắng dịu thật an tịnh,
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc vượt khỏi ách nạn
.
Tiểu Bộ Tập 1 - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Ba Pháp - Khuddhaka Nikaya Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Three Main Focuses

This was said by the Blessed One, said by the Arahant, so I have heard:

"Remain focused, monks, on the foulness of the body. Have mindfulness of in-&-out breathing well established to the fore within you. Remain focused on the inconstancy of all fabrications.

For one who remains focused on the foulness of the body, the latent tendency to passion for the property of beauty is abandoned. For one who has mindfulness of in-&-out breathing well established to the fore within oneself, annoying external thoughts & inclinations don't exist. For one who remains focused on the inconstancy of all fabrications, ignorance is abandoned, clear knowing arises."
Focusing on foulness
in the body,
mindful
of in & out breathing,
seeing
the stilling of all fabrications
-- ardent
always:
he is a monk
who's seen rightly.
From that he is there set free.
A master of direct knowing,
at peace,
he is a sage
gone beyond bonds.

(English translation by Bhikkhu Thanissaro)






 

Tôi không có ...



Tôi không có mẹ cha, 
Tôi lấy trời đất làm cha mẹ. 

Tôi không nơi cư ngụ, 
Tôi lấy sự tỉnh giác làm nhà. 

Tôi không có tử sanh, 
Tôi lấy sự ra vào của hơi thở làm lẽ sống chết. 

Tôi không có thần thông, 
Tôi lấy sự chân thật làm phép lạ. 

Tôi không có bạn bè, 
Tôi lấy tâm mình làm bằng hữu. 

Tôi không có kẻ thù, 
Tôi lấy thất niệm làm địch thủ. 

Tôi không có áo giáp, 
Tôi lấy từ tâm làm sự bảo vệ. 

Tôi không có lâu đài, 
Tôi lấy tâm bất động làm thành trì bao bọc. 

Tôi không mang đao kiếm, 
Nhưng tôi chỉ cần một lưỡi gươm vô ngã mà thôi!

(Sưu tầm)

Monday, March 26, 2018

Mười Hai Nhân Duyên - Đoạn Diệt Danh Sắc

Pháp thoại: Mười Hai Nhân Duyên - Đoạn Diệt Danh Sắc
Bài số: 26.12
Album: Tri Kiến Xả Tâm 26
Giảng ngày: 24/04/2016
Nơi giảng: Thôn Vĩnh Trường, Phường Lộc Vượng, TP Nam Định
Phật tử vấn đạo: Phật tử
Ngày cập nhật: 19/05/2016

Thánh Quả Dự Lưu

Pháp thoại: Thánh Quả Dự Lưu
Album: Pháp Sơ Thiện 2017
Giảng ngày: 16/08/2017
Nơi giảng: Xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh

https://soundcloud.com/thichbaonguyen

CON RẮN VÀ CÁI CƯA



Một đêm một con rắn trong khi đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc.

Người thợ mộc vốn khá bừa bộn, đã để lại một số công cụ nằm trên sàn nhà trong số đó có một cái cưa.

Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nhỏ.
Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu.

Điều này khiến con rắn rất tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã “chết rồi”.

Sắp chết vì những vết thương của mình, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi. Sáng hôm sau, người thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình.
Đôi khi, trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác, chúng ta chỉ làm tổn thương chính mình mà thôi.

Tức giận ở trong lòng cũng giống như mình uống thuốc độc mà mong cho kẻ thù chết vậy...

Nên nhớ:

– Khẩu nghiệp: là nghiệp lực khó khắc phục nhất cho việc tu hành.

– Khẩu nghiệp: là lực cản trở lớn nhất cho việc tu hành chứng đạo.

– Khẩu nghiệp: là sức mạnh sát hại sinh mạng lớn nhất cho việc tu hành.

– Khẩu nghiệp: là nghiệp lực chính yếu đưa ta đọa xuống ác đạo.

– Khẩu nghiệp: là sức mạnh ngăn trở lớn nhất cho việc vãng sanh.

– Khẩu nghiệp: Khiến cho đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi không ngừng.

– Khẩu nghiệp: Khiến cho tăng đoàn không hòa hợp, đạo pháp không hưng thịnh.

– Khẩu nghiệp: Khiến chúng sanh thoái mất đạo tâm, đoạn mất thiện căn làm người.

Thời khắc nào cũng phải tự quản chế mình, không nên buông thả hay nói năng bừa bãi.

Khẩu ác nghiệp có 4 tội:

– Vọng ngữ (nói láo).

– Ỷ ngữ (nói thêu dệt).

– Lưỡng thiệt (đâm thọc).

– Ác khẩu (chửi rủa).

Lời nói không thể thấy, không thể cầm nắm được, hình như không có tướng, thế mà tự xưa nay đã gây nên biết bao nụ cười và nước mắt.

ST

Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí

Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa. Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY...