Friday, March 9, 2018

CÓ BA NƠI XUẤT PHÁT LUẬT NHÂN QUẢ



Một người muốn sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả, thì phải đề cao cảnh giác ba nơi trong thân của chúng ta:

1- Ý thức.

2- Miệng.

3- Thân.

Ba nơi này thường xuất phát luật nhân quả. Đó là ba nơi hoạt động trên cơ thể của con người, quyết định được sự khổ, vui của đời người.

Ý thức gồm có ba hành động ác gốc:

1- Tham tức là lòng ham muốn.

2- Sân tức là lòng giận hờn.

3- Si tức là tâm mê mờ, không hiểu biết, không sáng suốt.

Miệng lưỡi gồm có bốn hành động ác gốc:

1- Nói lời không thật.

2- Nói lời hung dữ.

3- Nói lời thêm bớt

4- Nói lời lật lọng.

Thân gồm có ba hành động ác gốc:

1- Giết hại chúng sinh, ăn thịt chúng sinh.

2- Trộm cắp, cướp giật của người khác.

3- Dâm dục.

Từ những hành động ác gốc này sanh ra vô lượng hành động ác khác và cứ thế tiếp diễn mãi, nên gọi là các pháp trùng trùng duyên khởi và trùng trùng duyên sinh. Sinh khởi theo ác pháp nên khiến cho sự sống trên hành tinh bất an như: thiên tai, động đất, lũ lụt, bão tố, hỏa hoạn, chiến tranh, mưa không thuận, gió không hòa, sâu rầy phá hoại mùa màng, v.v..

Ví dụ: “Nhân”, do con người tham sắc dục, tham rượu chè, tham ăn thịt chúng sinh thì “quả” sẽ có chiến tranh, bằng chứng lịch sử loài người đã xác định và chứng minh điều này. Thời đại nào nhà vua ham mê tửu sắc hoang dâm vô độ thì đất nước ấy sẽ có chiến tranh. Vua là người lãnh đạo mà còn ham mê tửu sắc thì nhân dân nước đó cũng không khác gì. Vì thế đất nước đó sẽ bị ngoại xâm. Cho nên, muốn xâm chiếm một nước nào thì nên quan sát nhân dân nước đó, thấy nhân dân nước đó ham mê cờ bạc, rượu chè, thịt cá và sắc dục thì biết nước đó suy yếu và đánh chiếm rất dễ dàng.

“Quả”: Lũ lụt, bão tố, hỏa hoạn là do “nhân” con người tham lam chặt phá, đốt rừng, săn bắn chim, thú hoặc lưới chài cá, tôm, v.v.. Trên đây chúng tôi nêu ra một vài ví dụ, để các bạn suy ngẫm và để nhận thấy rõ con người do sống thiếu đạo đức mà tự tạo ra nhân quả thiện ác. Để rồi phải tự mình gánh chịu sự khổ đau ấy, chứ không phải là một sự ngẫu nhiên trùng hợp hoặc có một vị Thánh, Thần nào làm ra chiến tranh, lũ lụt, bão tố, hỏa hoạn, v.v..

Đó là sự bất an do luật nhân quả tác động, chi phối từng mọi loài vật trên các hành tinh trong vũ trụ không riêng gì ở hành tinh trái đất của chúng ta mà còn ở các hành tinh khác. Cho nên, luật nhân quả là một đạo luật chung trong vũ trụ xử phạt phân minh không thiên vị một ai.

Vì quân bình trật tự an ổn cho muôn loài vật vạn trên hành tinh này. Đạo đức nhân bản - nhân quả ra đời đồng thời với vạn vật, ngõ hầu giúp cho mọi người, mọi vật biết phương cách để tạo một sự sống bình đẳng, yêu thương nhau, đùm bọc lấy nhau, v.v.. Do đó, tất cả hành động ác đều được chấm dứt, còn hành động thiện được duy trì và tăng trưởng thêm mãi. Nhờ thế, luật nhân quả luôn tác động trên những từ trường thiện, lập thành, an bài một sự sống yên lành, an ổn cho muôn loài.

Tóm lược đại khái để mọi người hiểu biết sơ lược về luật nhân quả một cách tổng quát, nhưng đến khi học tập và tu sửa những điều bất thiện và có thể đi sâu về đạo đức nhân bản - nhân quả thì chúng tôi sẽ triển khai từng hành động đạo đức ấy, để mọi người ai ai cũng biết cách thực hiện một cuộc sống cho đúng những hành động đạo đức làm người: Không làm khổ mình, khổ người.
 
(Trưởng lão Thích Thông Lạc - Đạo Đức Làm Người, T2)

No comments:

Post a Comment

Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí

Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa. Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY...