Thursday, March 1, 2018

PHÁP HƯỚNG TÂM: VÔ THƯỜNG - KHỔ - VÔ NGÃ




Pháp hướng tâm như thế nào? Pháp hướng tâm là pháp dẫn tâm vào một lý chân chính, giải thoát của đạo. Pháp chân chính giải thoát của đạo là gì? Pháp chân chính giải thoát của đạo là chỉ thẳng vào mọi duyên, mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc xảy ra đều hiểu biết rõ nó là vô thường, khổ, và không có thực thể bản ngã trong đó; do các duyên hợp lại mà thành, và duyên tan là mất hết, không còn có cái gì tồn tại. Khi đã hiểu rõ như vậy và thấy rõ như thật, thì dùng Pháp hướng mà nhắc tâm như vầy:

1. “Cái tâm từ đây về sau không được kiến chấp các duyên là thật, mà phải thấy nó vô thường, khổ, vô ngã". Nên không còn phiền não, đau khổ trong tâm không còn nữa.

2. “Các duyên tan hợp theo nhân quả, diễn biến luân hồi nên không có thật thể bản ngã, toàn là vô thường, khổ, vô ngã. Vậy từ đây về sau cái tâm không được chấp duyên là ngã, mà hãy bỏ xuống đi, không còn được giận hờn, phiền não, đau khổ."

3. “Đời sống của con người là duyên tan hợp của nhân quả, cho nên không có bản ngã chân thật, toàn là vô thường và đau khổ. Vậy từ đây cái tâm phải bỏ xuống, không được chấp cái ta nữa, vì chấp cái ta là tạo thêm đau khổ và ác pháp trong tâm”.

4. “Ai theo các duyên nhân quả, tạo ác, là phải thọ lấy cái quả khổ, ta không dại gì đem khổ vào thân. Từ nay, cái tâm hãy bỏ xuống đi để được an vui, thanh thản”.

Các con hãy cố gắng động não, triển khai những trí tuệ nhân quả, duyên tan hợp để thấu rõ lý Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của đạo thì chừng đó các con mới nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng được. Đây là pháp dẫn tâm, lập đức nhẫn nhục, dẫn tâm vào tam ấn của Đức Phật theo duyên tan hợp, diễn biến luân hồi của nhân quả. Khi có một niệm khởi ra trong đầu thì các con mau dẫn tâm vào lý giải thoát, giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm cho được thanh thản các con phải nhắc tâm như thế này khi có một niệm tào lao khởi lên:

1. “Cái tâm phải thanh thản, không được nghĩ ngợi tào lao,vì nghĩ ngợi tào lao thì tâm bị phân chia ra tan nát khó mà vào thiền định được”.

2. Khi biết tâm mình thường dễ giận hờn, phiền não, đau khổ thì phải dẫn tâm như thế này: “Cái tâm phải thanh thản, không được giận hờn, đau khổ, phiền não nữa, vì đau khổ, phiền não là các pháp ác”.

3. Khi có một niệm thương nhớ, lo sợ thì phải dẫn tâm như thế này: “Cái tâm thanh thản, không được thương nhớ, lo sợ vì các pháp đều là do duyên tan hợp theo nhân quả nên không có gì là của mình. Vậy hãy bỏ xuống, đừng thương nhớ lo sợ, vì thương nhớ lo sợ là ác pháp, là pháp làm đau khổ trong tâm hồn của mình”.

4. Khi tâm không có niệm khởi, đang ở trong trạng thái thanh thản, thì hãy dẫn tâm như thế này: “Cái tâm phải thanh thản trong trạng thái thanh thản, vì có thanh thản thì tâm mới có nội lực. Tâm có nội lực thì mới nhập thiền định”.

Trên đây là pháp hướng tâm thanh thản để giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm thanh thản thì phải nương vào hơi thở tuỳ tức, thỉnh thoảng lại nhắc tâm thanh thản một lần. Trên đây là giữ tâm thanh thản trong hơi thở. Lúc nào, giờ nào, ngày nào, hễ có rảnh là dẫn tâm vào thanh thản. Đó là tu pháp hỷ, mà cũng là chính cách thức dẫn tâm trong trạng thái thanh thản này là dẫn tâm tập nhập Sơ thiền, để lập đức nhẫn nhục, ly ác pháp. Tâm có thanh thản thì tâm mới có bình tĩnh, sáng suốt. Tâm có bình tĩnh sáng suốt thì tâm mới có nhẫn nhục được. Tâm nhẫn nhục được thì tâm mới có tuỳ thuận. Tâm có tùy thuận được thì tâm mới có bằng lòng. Tâm có bằng lòng được thì tâm mới xả được. Tâm có xả được thì tâm mới được ly ác pháp. Tâm có ly được ác pháp thì tâm mới có an vui, hạnh phúc. Tâm có an vui hạnh phúc là tâm nhập Sơ thiền.

(Thiền Căn Bản – Thầy Thích Thông Lạc)

Một số trích dẫn khác:




“Tâm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu mới được gọi là tâm bất động; mới được gọi là tâm thanh thản, an lạc và vô sự”.

Thầy Thích Thông Lạc

Hỏi: Thế nào là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu?

Đáp:

a. Dục lậu: có nghĩa là lòng ham muốn.

Ví dụ: ham muốn ăn, ngủ, đi nói chuyện, ham muốn đi lao động (trong giờ Bát Quan Trai), v.v..

b. Hữu lậu: là mọi pháp không buông xả được.

Ví dụ: có cái bát bị bể mà tiếc là hữu lậu, mất chiếc xe đạp hoặc các vật dụng tài sản khác thấy buồn bã tiếc nuối là hữu lậu, có 1 vật người ta xin không cho là hữu lậu, v.v...

c. Vô minh lậu: có nghĩa là không hiểu rõ sinh tâm ham muốn, giận hờn, yêu ghét, lo lắng, v.v.. là vô minh lậu.

Không hiểu nhân quả là vô minh lậu. Không thông thập nhị nhân duyên là vô minh lậu.

- Thầy Thích Thông Lạc -

No comments:

Post a Comment

Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí

Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa. Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY...