CHÚ GIẢI:
Trước khi muốn hiểu đoạn kinh này, thì chúng ta cần nên hiểu như thế nào cho đúng nghĩa lý của nó, để biết cách áp dụng vào cuộc sống hằng ngày thì mới mong thấy sự giải thoát. Nếu chúng ta không hiểu hoặc hiểu sai lệch, thì sự tu tập của chúng ta không có kết quả mà còn tai hại cho sức khoẻ.
I- Lời Phật dạy thứ nhất: “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”. Muốn hiểu biết cho thấu đáo thì cần phải hiểu các từ trước tiên. Vậy tất cả pháp nghĩa là gì? Danh từ “tất cả” thì các bạn đều hiểu nghĩa rồi, còn danh từ “PHÁP” thì các bạn phải hiểu như sau đây: Pháp gồm có ba phần:
1- Về vật chất;
2- Về tinh thần;
3- Về cảm thọ.
2- Về tinh thần;
3- Về cảm thọ.
Về vật chất chỉ cho vạn hữu; về tinh thần chỉ cho tâm niệm; về các cảm thọ chỉ cho sự đau khổ của thân.
Trong đoạn kinh này, đức Phật đã xác định các pháp lấy gì làm gốc? Và biết gốc của các pháp để làm gì?
Như câu thứ nhất Phật dạy: “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”. Vậy dục và căn bản là gì? Dục là lòng ham muốn, sự ham muốn; căn bản là gốc rễ, cội nguồn. Giải nghĩa chung của cụm từ ngữ này là: Tất cả các pháp đều do gốc ham muốn sinh ra.
Chân lý Đạo Phật đã xác định và thấm nhuần lý “DỤC” này (Tập Đế), nên Ngài chủ trương ly dục, diệt dục. Vì dục là nguyên nhân sanh ra muôn thứ khổ đau trong cuộc đời này, hay nói cách khác là nơi tập hợp mọi sự khổ đau.
Chữ pháp ở đây nghĩa quá rộng rãi, nên các bạn nghi ngờ và tự hỏi: “Gốc cây kia cũng có dục nữa sao?”.
Hỏi như vậy, các bạn đã lầm, chỉ biết có loài động vật là có dục, còn loài thảo mộc là không dục. Loài thảo mộc vẫn có dục như loài động vật vậy. Các bạn có thấy một cây to lớn, tàn lá che phủ cây nhỏ không? Cây nhỏ nghiêng mình tránh tàn cây lớn, đó không phải là dục sao? Đổ một đống phân gần gốc cây, bao nhiêu rễ đều hướng về đống phân, như vậy cây cũng có dục chứ! Vì thế, đức Phật nói: “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”.
Vì vậy, nghĩa chữ “Pháp” rất rộng rãi, mênh mông, vô cùng, vô tận, nó chỉ cho vạn hữu và mọi sự việc, mọi tâm niệm đã khởi, mọi cảm thọ đang xảy ra trong đời sống hằng ngày của các bạn như trên đã nói. Bạn có biết chăng?
Tất cả pháp ở đây còn có nghĩa là tâm niệm, là các cảm thọ, là các pháp trần của bạn. Mỗi tâm niệm của bạn dù thiện (hữu lậu) hay ác khởi lên đều do dục cả. Vì vậy, đức Phật xác định:“Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”. Thấu hiểu nghĩa như vậy, nên lúc tu tập Tứ Niệm Xứ giai đoạn đầu (Tứ Chánh Cần), khi có một niệm khởi, thì chúng ta dùng Chánh Tư Duy quán xét niệm ấy tận cùng, và biết ngay niệm ấy sinh ra đều do gốc dục. Mục đích tư duy quán sát là để KHÔNG LÀM THEO DỤC; không làm theo dục tức là ly dục.
Thưa các bạn! Như các bạn đã biết, “dục” là nguyên nhân sinh ra muôn thứ đau khổ (Tập Đế). Vì thế, khi có một niệm khởi lên trong tâm, là mau mau quán sát tư duy đuổi ra cho khỏi tâm, nói cách khác là không làm theo tâm dục, là ly dục.
Các bạn nên lưu ý: Chỉ có tâm thanh thản, an lạc và vô sự (thiện vô lậu), hay nói cách khác là tâm không phóng dật, TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT LÀ TÂM KHÔNG CÓ DỤC, ngoài ra tất cả mọi pháp nào, dù thiện hữu lậu hay ác đều do gốc dục sinh ra cả. Cho nên, người tu sĩ và người cư sĩ lúc nào cũng cần đề cao cảnh giác từng niệm, cũng như lúc tâm không niệm, vì tâm không niệm nhưng thân lại có niệm. Vậy niệm của thân là gì?
Như đã nói ở trên: đau nhức, ngứa ngáy, mệt mỏi, tức lói, v.v… là niệm của thân các bạn ạ! Những pháp này xảy ra trên thân cũng đều do gốc dục cả. Khi thân bị đau nhức thì các bạn đừng sợ hãi. Bởi vì đức Phật bảo: Tất cả các cảm thọ đều vô thường, vô ngã, không phải là ta, không phải của ta. Vậy cảm thọ không phải là ta, là của ta; tính chất của nó vô thường, vô ngã thì ta sợ gì. Phải không hỡi các bạn?
Khi chúng ta biết rõ được gốc của các pháp là dục, nhưng gốc dục không phải là ta, là của ta, thì ta làm gì mà sợ hãi. Mặc kệ nó; nó có làm gì được ta đâu mà sợ, vì ta với nó là hai kẻ xa lạ. Khi hiểu rõ được gốc dục như vậy, thì tất cả sự đau khổ trong ta đều được hoá giải, khiến cho ta hoàn toàn sống an vui và hạnh phúc. Vậy, biết gốc của các pháp thì đỡ chúng ta biết mấy. Nhưng chúng ta cũng phải biết cách đuổi các pháp ác đó đi, để thân tâm chúng ta lúc nào cũng được an vui, thanh thản. Vậy đuổi nó bằng cách nào đây?
Chúng ta chỉ cần tác ý: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, đừng sợ cảm thọ; nó không phải là ta, của ta; nó là người xa lạ. Hãy đi, đi! Không được ở trong thân ta”, hoặc ta tác ý như sau: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”,hoặc: “Thọ phải đi, đi! Thân phải an tịnh. Tôi biết tôi đang đi kinh hành”.
Các bạn cứ nhớ kỹ, luôn bám cho thật chặt vào hơi thở hoặc thân hành ngoại thì cảm thọ sẽ đi mất. Cảm thọ đi mất tức là dục đi mất. Cảm thọ dục ở chỗ nào? Dục ở chỗ đau gọi là dục đau. Cho nên, hết dục là hết đau, tức là lìa gốc dục của các pháp. Cho nên “tất cả pháp lấy dục làm căn bản”.
***
II- Lời Phật dạy thứ hai: “Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi”. Trong lời dạy này, chúng ta có cơ sở để hiểu biết danh từ “tất cả pháp” là nghĩa gì? Ở đây, đức Phật đã dạy tất cả pháp là tâm niệm của chúng ta. Tại sao chúng ta lại biết chắc như vậy?
Bởi vì, trong lời dạy thứ hai đức Phật đã xác định rõ ràng: “Tác ý làm sanh khởi”. Tác ý là pháp thuộc về ý thức. Pháp thuộc về ý thức tức là tâm niệm, ý niệm. Mỗi niệm trong tâm là mỗi pháp. Cho nên, mỗi niệm trong tâm đều lấy tác ý làm sanh khởi. Tác ý có hai cách:
1- Tác ý sinh khởi ác pháp;
2- Tác ý sinh khởi thiện pháp.
2- Tác ý sinh khởi thiện pháp.
Tác ý sinh khởi ác pháp là tác ý dục tham, dục sân, dục si…
Tác ý sinh khởi thiện pháp là tác ý ly dục tham, ly dục sân, ly dục si…
Cho nên, người tu hành theo Phật giáo để cầu sự giải thoát thì không bao giờ tác ý dục tham, dục sân, dục si… Đây là những pháp đau khổ; là con đường dẫn đến khổ đau; là con đường đưa đến địa ngục. Do đó, người tu hành cần phải ngăn chặn và chấm dứt con đường này, chỉ tác ý ly dục tham, ly dục sân, ly dục si… Đây là pháp thiện, là pháp chấm dứt sự đau khổ, đây là con đường giải thoát chân chánh của Phật giáo. Các bạn cứ suy ngẫm có đúng như vậy không?
Bởi vì tác ý mà khổ đau sinh khởi đến với chúng ta, và cũng do tác ý mà hạnh phúc, an vui, vĩnh cửu đến với chúng ta. Thế chỉ có một pháp tác ý mà sinh khởi hai góc độ như vậy, thì chúng ta hãy chọn góc độ nào để tác ý đem đến sự an lạc, yên vui. Phải không các bạn?
Hay nói cách khác theo kinh Pháp Cú:
“Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo”
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo”
–o0o–
“Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình”
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình”
(Kinh Pháp Cú)
Từ một câu kinh ngắn gọn: “Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi”. Biến thành một pháp tu tập tuyệt vời mà kết quả giải thoát thật sự, như lời đức Phật đã nói: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy…”
Cho nên, người tu hành mà không hiểu nghĩa lý kinh, không thông pháp tu hành thì cũng giống như người mù dò gậy mà đi đường. Nếu thông được pháp NHƯ LÝ TÁC Ý thì các bạn đã chủ động được thân tâm mình, dẫn nó vào sự an ổn và hạnh phúc thì cuộc sống là Thiên Đàng.
Con đường tu hành theo Phật giáo hạnh phúc giải thoát là như vậy, các bạn còn mong cầu gì hơn nữa. Phải không hỡi các bạn?
***
III- Lời Phật dạy thứ ba: “Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi”. Trước khi muốn hiểu lời dạy này, thì chúng ta phải hiểu nghĩa của các từ. Vậy nghĩa “tất cả pháp” và “XÚC” là gì?
Tất cả pháp ở đây có nghĩa là sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, chứ không phải tâm niệm như nghĩa ở trên. Cùng một từ giống nhau, mà khi dùng chỗ này thì nghĩa như thế này, nhưng khi dùng chỗ khác thì nghĩa lại khác. Cho nên đối với Phật pháp, có thực hành đến nơi đến chốn mới hiểu rõ nghĩa. Còn thực hành chưa đến nơi đến chốn, cũng như các học giả mà hiểu kinh sách Phật thì làm sao hiểu đúng cho được. Phải không hỡi các bạn?
Vì thế, hầu hết kinh sách Đại thừa hiện giờ là kinh sách kiến giải của các Tổ tu hành chưa đúng với pháp môn của Phật, nên lý luận tưởng.
Sáu trần này xúc chạm với sáu căn sinh ra các cảm thọ; các cảm thọ sinh ra ái dục. Do ái dục con người mới sinh ra dính mắc; do sự dính mắc các pháp trần nên con người mới chịu nhiều cay đắng, phiền não, đau khổ và tật bệnh, v.v…
Bởi ái dục không phải tự nó có mà do sáu căn, sáu trần xúc chạm vào nhau sinh ra cảm thọ, do cảm thọ mới có ái. Do biết những điều này, nên người tu theo Phật giáo phải ly dục, ly ác pháp. Nếu muốn ly dục, ly ác pháp mà không phòng hộ sáu căn, cứ mãi để tiếp xúc sáu trần thì người ấy có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng ly dục, ly ác pháp được, bởi “tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi”. Do gốc này sinh ra dục, mà không sống độc cư thì có tu tập pháp gì cũng phí công vô ích mà thôi, bởi vì chính ĐỘC CƯ LÀ PHÁP PHÒNG HỘ SÁU CĂN.
Có nhiều bạn đã về tu tập tại Tu Viện Chơn Như, vì không giữ gìn hạnh độc cư này, nên tu hành chẳng ra gì, khi ra khỏi Tu Viện không thấy lỗi mình lại nói xấu, nói lỗi của Tu Viện, tạo ra ác nghiệp. Những người này đã tự làm mất duyên tu hành giải thoát, chỉ còn khoác lác vọng ngữ, để rồi họ sẽ gặt lấy những nghiệp quả ghê gớm trong những ngày tháng còn lại của những người vong ân, bội nghĩa.
***
IV- Lời Phật dạy thứ tư: “Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ quy tụ”. Lời dạy này nói đến chỗ quy tụ tập hợp của các pháp là cảm thọ. Cảm thọ gồm có ba phần:
1- Thọ lạc;
2- Thọ khổ;
3- Thọ bất lạc, bất khổ.
2- Thọ khổ;
3- Thọ bất lạc, bất khổ.
“Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ quy tụ”. Dù tham, sân, si, ngã, vô ngã hay nhân quả… đều lấy thọ làm chỗ quy tụ. Muốn cho các pháp không còn quy tụ thì phải ngăn ngừa không cho sáu trần xúc chạm với sáu căn. Và nếu giữ gìn không kỹ lưỡng, lỡ sáu trần xúc chạm với sáu căn sinh ra các cảm thọ, thì chúng ta cố gắng GIỮ TÂM KHÔNG HỀ DAO ĐỘNG trước ba cảm thọ này. Do biết ngăn ngừa và giữ gìn tâm như vậy thì đó là tu tập ly dục, ly ác pháp. Tu tập ly dục ly ác pháp tức tu tập thiền của Phật giáo (Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền, do ly dục sinh hỷ lạc). Thiền của Phật giáo tu tập như vậy, thế mà có những pháp tu tập thiền ngồi như con cóc; lại có những pháp tu tập thiền tưởng, ngồi tư tư tưởng tưởng thế giới siêu hình… mà cũng mạo nhận pháp thiền của Phật.
Còn ở đây, cần biết chỗ quy tụ của các pháp để ngăn và diệt, nên lời dạy này khiến cho chúng ta rõ cội nguồn quy tụ của các pháp. Nhờ biết rõ như vậy, nên thân tâm chẳng hề dao động trước các ác pháp và các cảm thọ. Nếu thân tâm không hề dao động sợ hãi là đã đạt được mục đích giải thoát của Phật giáo, chứ đâu phải cần nhập định này, định nọ để làm gì, và đôi khi tu sai lệch ức chế tâm còn bị bệnh tật và rối loạn thần kinh trở thành điên khùng.
Thưa các bạn! Trên đường tu tập theo Phật giáo các bạn nên nhớ câu này: “Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ quy tụ”. Đừng quên các bạn nhé! Nó là pháp môn tu hành ngăn ác, diệt ác tuyệt vời.
***
V- Lời Phật dạy thứ năm: “Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ”. Ở đây, chúng ta phải hiểu những danh từ này. Vậy “ĐỊNH” nghĩa là gì?
“Định” nghĩa là tâm thanh tịnh, tâm ly dục, ly ác pháp; định là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; định là tâm không tham, sân, si, mạn, nghi; định là tâm thanh thản, an lạc và vô sự; định là tâm không phóng dật. Các bạn nên lưu ý Định của Phật giáo không giống Định của ngoại đạo. Định của ngoại đạo cho tâm không vọng tưởng là định.
“Thượng thủ” nghĩa là gì? Nghĩa là đứng đầu. Nghĩa chung của câu này là tất cả pháp lấy tâm không phóng dật làm pháp đứng đầu. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn: TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT là pháp đứng đầu trong mọi pháp.
Đến đây, chúng ta đã hiểu pháp mà chúng ta cần tu cho đạt được là pháp tâm không phóng dật. Vậy, các bạn tu như thế nào để tâm không phóng dật?
Xin các bạn lưu ý điều này: Tâm không phóng dật không phải là tâm chẳng niệm thiện, niệm ác. Tâm không phóng dật là tâm do ly dục, ly bất thiện pháp; tức là TÂM LÌA THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI. Biết lấy tâm không phóng dật làm mục đích để nhắm đến cứu kính Niết Bàn, thì sự tu tập mới thấy kết quả giải thoát khả quan.
Các bạn nên luôn nhớ câu này: “Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ”. Dù các bạn tu hành pháp môn nào, cũng phải nhớ pháp đứng đầu trong các pháp là tâm không phóng dật.
***
VI- Lời Phật dạy thứ sáu: “Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng”. Muốn hiểu nghĩa của lời dạy này thì chúng ta phải hiểu danh từ “NIỆM” nghĩa là gì? “Tăng Thượng” nghĩa là gì?
Niệm là ý niệm; tăng là giới luật; thượng là thanh tịnh. Trong đạo Phật nói đến Tăng là nói đến Giới luật. Tăng thượng là giới luật nghiêm chỉnh. Cho nên, nghĩa chung của lời dạy này:“Tất cả pháp lấy ý niệm sống đúng giới luật không hề vi phạm”.
Người mới vào tu theo Phật giáo thì phải được học và tu tập pháp môn thứ nhất, đó là pháp Tăng Thượng Tâm, tức là lấy ý thức tu tập Giới luật.
Bây giờ, các bạn đã hiểu lời dạy này: “Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng”. Khi mới vào tu tập theo giáo pháp của đức Phật là lấy ý thức (niệm) tu tập. Bởi vì ý thức là pháp dẫn đầu ly dục ly ác pháp. Do ly dục, ly ác pháp mà giới luật được nghiêm chỉnh. Giới luật là thiện pháp; Giới luật là Thánh hạnh (hạnh không làm khổ mình, khổ người). Kinh Pháp Cú có bài kệ xác định được việc tu hành tác ý này:
“Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo”
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo”
–o0o–
“Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình”
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình”
***
VII- Lời dạy thứ bảy của đức Phật: “Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng”. Trước khi muốn hiểu nghĩa câu này, thì chúng ta phải hiểu từng danh từ của nó. Vậy “TUỆ” và “Tối Thượng” nghĩa là gì?
Tuệ là trí tuệ Tam Minh. Trí tuệ Tam Minh là một trí tuệ hiểu biết, siêu không gian và thời gian. Tối thượng là cao thượng nhất. Nghĩa của toàn câu này là tất cả pháp lấy trí tuệ Tam Minh làm pháp cao thượng nhất, không có pháp nào cao hơn được. Qua lời dạy trên đây, người tu hành theo Phật giáo phải đạt cho được trí tuệ Tam Minh để thực hiện Lậu Tận Minh thì chấm dứt luân hồi. Do đó, chúng ta phải hiểu Tam Minh là pháp tối thượng trong Phật giáo.
Trong Phật giáo ai cũng biết có ba cấp tu học: Giới, Định, Tuệ. Tuệ là cấp tu học vô lậu thứ ba, sau cùng của Phật giáo, cho nên đức Phật dạy: “Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng”. Đúng vậy, tất cả pháp chỉ có lấy tuệ làm pháp tối thượng giải thoát duy nhất.
Xin các bạn lưu ý: Đạo Phật là đạo giác ngộ. Vậy cái gì giác ngộ và giác ngộ cái gì?
Xin trả lời các bạn câu hỏi thứ nhất: Đó là trí tuệ. Nhưng trí tuệ từ đâu có?
Thưa các bạn, mọi vật sinh ra đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ ấy còn hạn hẹp trong mỗi lốt nghiệp của vạn vật ấy. Trí tuệ ấy được nâng cấp lên theo từng thân nghiệp của chúng. Trí tuệ ấy được phát triển từ học hỏi, từ tu tập mà có, nhưng các bạn phải hiểu trí tuệ là gì?
Trí tuệ là sự hiểu biết.
Như trên đã nói: “Mọi vật sinh ra đều có trí tuệ”. Vậy, rong rêu, cây cỏ có trí tuệ hay không?
Thưa các bạn! Cây cỏ, rong rêu đều có trí tuệ, nhưng làm sao chúng ta biết có trí tuệ?
Cây cỏ cằn cỗi, héo úa, tàn phai khi khô nước, thiếu phân; cây cỏ biết tìm ánh sáng mặt trời để sống. Phải không hỡi các bạn?
Còn loài động vật thì chúng ta khỏi nói, vì chúng đều có trí tuệ cả. Nhưng trí tuệ có nhiều cấp bực tuỳ thuộc vào nghiệp của mọi loài, mọi đặc tướng, mọi nhân tướng, mọi hành tướng.
– Trí tuệ gồm có bảy:
1- Trí tuệ do ý thức;
2- Trí tuệ do tưởng thức;
3- Trí tuệ do tâm thức;
4- Trí tuệ vô học;
5- Trí tuệ hữu học;
6- Trí tuệ thiện;
7- Trí tuệ ác.
2- Trí tuệ do tưởng thức;
3- Trí tuệ do tâm thức;
4- Trí tuệ vô học;
5- Trí tuệ hữu học;
6- Trí tuệ thiện;
7- Trí tuệ ác.
– Tuệ gồm có sáu:
1- Đức tuệ;
2- Hạnh tuệ;
3- Trực tuệ;
4- Thắng tuệ
5- Liễu tuệ;
6- Liệt tuệ.
2- Hạnh tuệ;
3- Trực tuệ;
4- Thắng tuệ
5- Liễu tuệ;
6- Liệt tuệ.
Trí tuệ và Tuệ cộng lại là 13 tuệ, như vậy, một người không tu hành chỉ có sáu Trí tuệ và một Tuệ, còn người tu hành chứng đạo mới có đủ 13 tuệ.
1- Trí tuệ do ý thức là gì? Trí tuệ do ý thức là tri kiến; tri kiến là sự hiểu biết của ý thức. Ý thức là một trong nhóm sáu thức: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của sắc uẩn.
2- Trí tuệ do tưởng thức là gì? Trí tuệ do tưởng thức là tưởng kiến. Tưởng kiến là sự hiểu biết của tưởng thức. Tưởng thức là sự hiểu biết của tưởng uẩn (sự hiểu biết trong chiêm bao).
3- Trí tuệ do tâm thức là gì? Trí tuệ do tâm thức là sự hiểu biết của thức uẩn, sự hiểu biết của thức uẩn tức là trí tuệ Tam Minh. Trí tuệ Tam Minh là trí tuệ phi không gian và thời gian, còn gọi là trí tuệ vô lậu, Trí tuệ vô lậu là trí tuệ của bậc đã chứng quả A La Hán, gọi tắt là trí tuệ A La Hán.
4- Trí tuệ vô học là gì? Trí tuệ vô học là ý thức hiểu biết không cần vay mượn những sự hiểu biết của người khác như học tập trong sách vở, kinh tạng, v.v… Nói trí tuệ vô học, chứ kỳ thật trí tuệ đó thường bắt chước sự hiểu biết của người khác. Ví dụ: một đứa bé từ lúc sinh ra cho đến lớn khôn bắt đầu đều phải tập trườn, bò, tập đi, tập ăn, tập nói, tập hiểu biết, v.v.. Đó là đều vay mượn của người khác cả. Những người tuy không học thức nhưng vẫn là những người có trí tuệ vay mượn, vay mượn ít, còn những người có học thức là những người vay mượn nhiều.
Kinh sách Phật giáo Nguyên Thuỷ xác định trí tuệ vô học là chỉ cho sự hiểu biết của những người phàm phu ngu si, dốt nát, vô học, luôn sống trong vô minh với ác pháp, thường làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.
Trí tuệ vô học chính là tri kiến của ý thức. Tri kiến của ý thức bị hạn cuộc trong không gian và thời gian, nên sự hiểu biết không thấu suốt vũ trụ và vạn vật như thật, nên thường sống trong sự hiểu biết của tưởng. Vì thế, kinh sách của loài người để lại như rừng, như biển, nhưng phần nhiều chỉ là nhai lại những ý tưởng tượng của nhau bằng những ảo ảnh, trừu tượng, mơ hồ, v.v.. nên thiếu giá trị chân thật, không thực tế của kiếp sống con người. Còn lại, một vài tư tưởng thực tế có giá trị đạo đức cao đẹp của loài người, là do ý thức của họ quan sát thấu triệt được nền đạo đức môi trường sống mà biên soạn ra. Những tư tưởng thực tế có giá trị đạo đức cao đẹp ấy, khi đưa ra và áp dụng vào cuộc sống của loài người thì bị các giai cấp thống trị bóp méo. Bởi vậy, kinh sách thì nhiều, nhưng tìm một cuốn kinh hay, một cuốn sách có giá trị đạo đức chân thật thì không phải dễ tìm. Phải không các bạn?
Theo kinh sách phát triển Đại thừa và thiền Đông Độ thì trí tuệ vô học tức là trí tuệ vô sư. Trí tuệ vô sư do tu thiền định ức chế tâm mà có. Nhưng không ngờ, trí tuệ vô sư là trí tuệ tưởng, cho nên kinh sách Đại thừa và những công án Thiền tông đều do trí tuệ tưởng sản xuất, vì thế thiếu chân thật và chính xác, thường đưa dắt con người vào thế giới ảo tưởng.
Trí tuệ vô sư là trí tuệ không có thầy dạy, trí tuệ do tự mình hiểu biết. Những công án của Thiền tông ra đời là nhằm mục đích trắc nghiệm trí vô sư của đệ tử, nhưng kỳ thực, đó là một lối hướng dẫn đệ tử triển khai tưởng tuệ bằng một công thức có bài bản của hệ phái này. Cho nên, các hệ phái này, Đại thừa và Thiền tông chưa có đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống con người, mà chỉ đem lại một cuộc sống vào trong tinh thần ảo tưởng (Phật tánh).
5- Trí tuệ hữu học là trí tuệ do học tập và tu hành. Trí tuệ hữu học là ý thức được huân tu, huân học có thầy dạy, có kinh sách, có pháp môn tu hành, có bạn đồng tu, có thiện tri thức hướng dẫn.
Trí tuệ hữu học được hướng dẫn đúng theo giáo pháp nguyên thuỷ của Phật giáo thì trí tuệ ấy trở thành một sự hiểu biết sống động, có đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Trí tuệ hữu học ấy còn gọi là tri kiến giải thoát của Phật giáo. Trí tuệ ấy do tu tập Định Vô Lậu mà phát triển. ĐỊNH VÔ LẬU còn được xem là TRI KIẾN GIẢI THOÁT, hay nói một cách khác là trí tuệ hữu học.
6- Trí tuệ thiện là sự hiểu biết về thiện pháp, trí tuệ không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh; trí tuệ thiện là tâm ly dục ly ác pháp; là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Trí tuệ thiện là chánh tư duy, là Định Vô Lậu; trí tuệ thiện là giới luật, là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo.
7- Trí tuệ ác là sự hiểu biết về ác pháp; trí tuệ ác làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh; trí tuệ ác là tâm tham, sân, si, mạn, nghi, v.v… Trí tuệ ác là tâm dao động trước các pháp ác và các cảm thọ; trí tuệ ác là tâm không ly dục ly ác pháp; trí tuệ ác là trí tuệ của những người phàm phu tục tử, hèn nhát, tham sống, sợ chết, tham danh, đắm lợi, vào luồn ra cúi, nịnh bợ, a dua, v.v…
8- Đức tuệ là trí tuệ đạo đức, trí tuệ biết thương mình, thương người; đức tuệ là tâm từ của Tứ Vô Lượng Tâm.
9- Hạnh tuệ là trí tuệ đức hạnh, trí tuệ biến ra hành động không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh; hạnh tuệ là tâm bi của Tứ Vô Lượng Tâm.
10- Trực tuệ là trí tuệ ngay thẳng, dám ăn dám nói những cái sai của người khác. Trong thời phong kiến, các quan Gián Nghi Đại Phu là những vị quan can ngăn nhà vua. Những người làm chức vụ này phải thẳng thắn, gan dạ dám nói những điều nhà vua làm sai. Những người dám ăn dám nói như vậy là những người có Trực tuệ.
Về tôn giáo, ngày xưa Đức Thích Ca Mâu Ni dám nói thẳng cái sai trong giáo lý của Bà La Môn và dựng lại những cái đúng, cái thiện giúp cho loài người thoát ra khỏi tinh thần tư tưởng mê tín lạc hậu. Ngài cũng còn có công xây dựng nền đạo đức nhân bản – nhân quả cho loài người, mặc dù chưa được triển khai trọn vẹn và đầy đủ. Ngài để lại cho loài người bốn chân lý bất di bất dịch thực tế và cụ thể mà muôn đời sau không ai thay đổi được, dù một chút xíu như hạt bụi. Ngài dám nói thẳng cái sai trong giáo lý của Bà La Môn là vì tâm đại từ bi đối với chúng sanh, đối với loài người. Cũng vì thế, mà trên đường hành đạo Ngài phải chịu nhiều gian nan, vất vả. Người ta mắng chửi, vu oan Ngài với phụ nữ, xô đá, cho voi say giết Ngài. Ngày nay, giáo lý Ngài còn lưu lại cho hậu thế là một công ơn rất lớn của Ngài.
Hôm nay, vì lòng thương tưởng tín đồ Phật giáo, nên chúng tôi chẳng ngại hiểm nguy trước một thế lực vĩ đại so với mình như hạt cát giữa sa mạc, dám nói thẳng sự thật, những cái sai của kinh sách phát triển Đại thừa, thiền Đông Độ và những cái sai của các hệ phái khác nhau trong Phật giáo hiện thời, để giúp cho tín đồ Phật giáo sáng suốt nhận định đâu là Chánh pháp, đâu là Tà pháp; đâu là Chánh tín, đâu là Mê tín; đâu là Chánh kiến, đâu là Tà kiến; đâu là Chánh tư duy, đâu là Tà tư duy. Và như vậy, để khai hoang trục lộ Bát Chánh Đạo, giúp cho mọi người tu theo Phật giáo không còn đi sai đường lạc lối nữa.
Đức Phật ngày xưa và ngày nay chúng tôi nói thẳng, chỉ thẳng, v.v… Đó là Trực tuệ.
11- Thắng tuệ là trí tuệ chiến thắng mọi ác pháp. Ví dụ: Người ta hay mạ nhục, chửi mắng mình, mà mình nghe, thấy, biết rõ ràng, nhưng tâm không hề có chút giận hờn. Nghe, thấy, biết mà không khởi tâm giận hờn, phiền não, đó là Thắng tuệ. Thắng tuệ tức là tri kiến giải thoát do sự tu tập Định Vô Lậu mà có.
12- Liễu tuệ là trí tuệ thấy, hiểu, biết mọi pháp như thật. Liễu tuệ còn gọi là trí tuệ Tam Minh.
13- Liệt tuệ là trí tuệ yếu đuối không hoạt động, không làm việc, không chịu tư duy, suy nghĩ; trí tuệ mệt mỏi, lười biếng, uể oải, v.v… Liệt tuệ là một trí tuệ không có sức đề kháng, là một trí tuệ nhu nhược hèn nhát, yếu mềm; liệt tuệ là trí tuệ tiêu cực, yếm thế đầu hàng mọi ác pháp. Người có liệt tuệ không bao giờ tu theo Phật giáo được. Vì Phật giáo là một tôn giáo tự lực nên không có ai giúp đỡ mình, mà phải chính mình vươn lên.
***
VIII- Lời dạy thứ tám của đức Phật: “Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây”. Đúng vậy, mục đích tu theo Phật giáo là thân tâm phải được giải thoát. Giải thoát có nghĩa là phải hết tâm tham, sân, si, mạn, nghi, v.v… Giải thoát là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.
Lời dạy này, các bạn nên lưu ý: Bất cứ pháp nào xâm nhập vào thân tâm của chúng ta, chúng ta đều lấy sự giải thoát để giữ vững thân tâm hoàn toàn bất động. Không nên để tâm bị chúng xâm phạm, vì chúng xâm phạm sẽ cướp mất quyền làm chủ sanh, già, bệnh, chết và luân hồi của chúng ta.
Cho nên, ở đây đức Phật bảo: “Lấy giải thoát làm lõi cây”. Lõi cây là những thớ cây kết tinh cứng rắn nhất của một cái cây, để cây có một giá trị tốt nhất. Còn ở đây, chúng ta lấy sự giải thoát làm năng lực kết tinh cứng rắn nhất của thân tâm, để các ác pháp không làm động thân tâm chúng ta được.
Xin các bạn nên ghi nhớ mãi mãi lời dạy này: “Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây”. Nhờ đó, mà thân tâm các bạn sẽ không bao giờ dao động, luôn luôn thân tâm các bạn thanh thản, an lạc và vô sự.
***
IX- Lời dạy thứ chín của đức Phật: “Tất cả pháp lấy bất tử làm chỗ thể nhập”. Vậy, nghĩa của những từ “BẤT TỬ” và “thể nhập” như thế nào?
Bất tử nghĩa là không chết; thể nhập nghĩa là nhập vào trạng thái bất di bất dịch. Nghĩa chung của nhóm từ này là tất cả các pháp lấy chỗ không chết vào nơi bất di bất dịch, hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn là các pháp lấy chỗ bất tử làm chỗ vào vĩnh cửu.
Thưa các bạn! Chỗ bất tử là TÂM BẤT ĐỘNG, cho nên trong Phật giáo có những danh từ để chỉ cho chúng ta thấu rõ nghĩa này: Bất tử tâm hay bất động tâm đều có một nghĩa như nhau. Những trạng thái tâm này được gọi tên theo thiền định là Bất Động Tâm Định hay Bất Tử Tâm Định.
Nếu hằng ngày chúng ta tu tập giữ gìn được tâm bất tử này, đừng cho mất thì chúng ta sẽ ngay đó tìm thấy một trạng thái TÂM THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ rất rõ ràng. Vì thế, đức Phật dạy chúng ta nên sử dụng: “Tất cả pháp lấy bất tử làm chỗ thể nhập”. Đúng vậy, các bạn nên lưu ý và tu tập theo lời dạy này thì kết quả giải thoát ngay liền, không phải chờ đợi nhiều đời, nhiều kiếp như kinh sách Đại thừa dạy.
***
X- Lời dạy thứ mười của đức Phật: “Tất cả pháp lấy Niết Bàn làm cứu cánh”. Trước khi muốn hiểu nghĩa của lời dạy này, thì chúng ta phải hiểu nghĩa của những danh từ. Vậy “Niết Bàn” và “Cứu Cánh” nghĩa là gì?
Thưa các bạn! Các bạn đừng theo nghĩa kinh sách của các nhà học giả Đại thừa và Thiền tông mà hiểu nghĩa Niết Bàn là cảnh giới siêu hình thì không đúng các bạn ạ!
Niết Bàn là trạng thái vô lậu; Niết Bàn là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; Niết Bàn là tâm thanh thản, an lạc và vô sự; Niết Bàn là trạng thái tâm không còn một tí gì tham, sân, si, mạn, nghi.
Còn nghĩa “cứu cánh” là nơi tột cùng của sự giải thoát, không còn có một nơi nào hơn được.
Nghĩa chung của câu dạy này là “Tất cả pháp lấy TÂM BẤT ĐỘNG làm nơi tột cùng của sự giải thoát”.
Thưa các bạn! Chúng ta tu theo Phật giáo, mục đích chúng ta phải đạt là TÂM BẤT ĐỘNG TRƯỚC CÁC PHÁP VÀ CÁC CẢM THỌ. Chúng ta không cầu làm Phật, không cầu kiến tánh, không cầu Cực Lạc, Niết Bàn, không cầu thần thông phép thuật, không cầu ngồi thiền nhập định bảy, tám ngày hoặc một tháng, hai tháng, ba tháng, một năm, hai năm, ba năm hoặc để lại nhục thân, v.v…
Vì thế, các bạn nên nhớ lấy lời dạy này: “Tất cả pháp lấy Niết Bàn làm cứu cánh”. Đó là sự rốt ráo tận cùng của đạo Phật, nhưng phải thông hiểu nghĩa Niết Bàn và Cứu Cánh như thế nào để biết mà giữ gìn tu tập và sống cho đúng nghĩa của nó, thì ước vọng của các bạn sẽ thành hiện thực trong đời nay. Thân ái chào các bạn.
(Trưởng lão Thích Thông Lạc – Những Lời Gốc Phật Dạy, tập 2)
No comments:
Post a Comment