Sunday, August 16, 2020

Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí



Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa.
Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY đến với mọi người và có cuộc sống bình an giải thoát.

Link download






Thursday, August 13, 2020

[Lời Phật Dạy] - VAI TRÒ CỦA BẬC THIỆN HỮU TRI THỨC

Khi xưa Đức Phật dạy để học pháp, hiểu pháp và hành pháp cho đúng, bước đầu tiên của một người tu hành chân chính, hướng đến sự giác ngộ, giải thoát, là phải tìm đến các Bậc Thánh, các Bậc Chân Nhân, Bậc Thiện Hữu Tri Thức tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, giải thoát để nhờ các Ngài khai thị, khai ngộ chỉ ra những chỗ vô minh, si mê, tà kiến trong nhận thức của chúng ta ngay trong đời sống hiện tại cũng như nhiều kiếp sống luân hồi trước đó. Hầu hết, đa phần người tu ngày nay đều hiểu biết được lời Đức Phật dạy tham là khổ, sân là khổ, si là khổ; tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, si là cấu uế của tâm. 


Tuy nhiên, để sống như thế nào, tu hành như thế nào cho hết khổ, hết tham, hết sân, hết si, tâm không còn cấu uế, phiền não, thì hầu như chúng ta chỉ giải quyết được phần cành lá, nhánh ngọn, chưa có phương cách nào thực sự để đào sâu, dọn sạch, bứng sạch được tận gốc rễ của đau khổ. 

Vì vậy, sống ở đời, một người khởi ý muốn đi tìm con đường giải thoát hết khổ, không còn tham, còn sân, còn si, thì điều căn bản đầu tiên, là chúng ta phải tìm đến các Bậc Thánh, Bậc Minh Sư, Bậc Thiện Hữu Tri Thức tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, giải thoát, việc tu hành đã thành mãn, để thưa hỏi, học hỏi, nhờ các Ngài, giúp cho mình khai mở trí tuệ

chỉ có những Bậc hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn giải thoát mới có thể giúp cho mình được Chánh Kiến, hiểu biết thông suốt về bốn sự thật, chân lý Tứ Diệu Đế. Vì muốn hết khổ, thoát khổ mà không tìm hiểu, không học hỏi, không biết thế nào là khổ, không biết thế nào là nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường hướng đến diệt khổ, thì không có phương cách nào có thể trừ diệt, đoạn diệt được tận gốc rễ của khổ. 

Nhờ có Chánh Kiến, biết được sự thật thế nào là khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ, biết thế nào là thiện ác, tội phước, phải trái, đúng sai; biết thế nào là Minh, thế nào là vô minh, si mê, chấp thủ, tà kiến... Từ đây chúng ta mới có được định hướng, chủ hướng rõ ràng, có được niềm tin vững chắc, không còn sợ lầm đường lạc lối, nhờ vậy, sự tu hành sẽ dễ dàng hơn, đỡ cực khổ vất vả hơn, tu sẽ không có khó khăn, không có mệt nhọc, tu đến đâu là có kết quả, lợi ích thiết thực, hết khổ, bình an hạnh phúc, giải thoát, Niết Bàn đến đó. 

Cho nên, khởi điểm ban đầu đến với đạo, đặt đúng hướng, là chúng ta phải tìm đến Bậc Thiện Hữu Tri Thức để học hỏi, thưa hỏi, nhờ các Ngài giảng dạy, khai thị giúp cho chúng ta giác ngộ, hiểu biết về bốn sự thật, chân lý Tứ Diệu Đế. Vì vậy, vai trò cũng như sự có mặt, hiện hữu của Bậc Thiện Hữu Tri Thức trên cuộc đời này là vô cùng quan trọng. Các Ngài đã thắp lên ánh sáng chân lý, khơi dậy niềm tin, mang đến điều thiện chân chính, Tâm Từ, lòng thương yêu thật sự của các Ngài đem đến với cuộc đời này, vốn gần như đã bị thiêu rụi, tắt lịm từ lâu, bởi sự ích kỷ, nhỏ nhen, mưu mô, hiểm độc của con người đã chôn giấu, vùi lấp, che lấp sự thật chân lý suốt một thời gian dài hơn 20 thế kỷ. Trí Tuệ của các Ngài ví như ánh mặt trời chiếu soi vào tâm thức u mê, tăm tối ngàn đời của chúng sinh, giúp cho loài người bừng tỉnh, thấy ra mọi tội lỗi, tội ác sai lầm, thấy ra nguồn cội của khổ và nguyên nhân của khổ, những tâm niệm bất thiện, tham lam, giành giật hơn thua, ích kỷ, ác độc trong chính nội tâm mình. Lòng Từ Bi của các Ngài tợ như dòng suối mát tuôn chảy, tưới xuống mảnh đất tâm hồn của con người vốn cằn cỏi, khô héo, ngột ngạt, oi bức, bất an, dằn vặt bởi dung chứa, tích chứa, đầy lòng sân hận, tỵ hiềm, đố kỵ, gian hiểm, thâm độc, ác độc. 

Vì vậy, thật là hạnh phúc thay cho những ai, có duyên lành trên cuộc đời này hữu duyên gặp được, thân cận được Bậc Thiện Hữu Tri Thức để thưa hỏi, học hỏi, thu nhận, tiếp nhận được nguồn năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ của các Ngài. Nhờ trực tiếp thưa hỏi, học hỏi, thu nhận, tiếp nhận được nguồn năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ này mà chúng ta nhanh chóng giác ngộ được sự thật chân lý, chúng ta được các Ngài khai thị, soi sáng, khai tâm mở trí, chỉ dạy cho chúng ta những phương thức, phương pháp, cách thức tu tập, hành trì hướng đến đời sống phạm hạnh thanh tịnh, diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly bất thiện pháp. Sự thật chân lý về khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường đưa dến diệt khổ được giảng dạy, trình bày, phân tích, hiển lộ, không bị vo tròn, bóp méo, không bị thêm thắt, tưởng tượng, không qua lăng kính trung gian, kiến giải của bất kỳ một cá nhân, hay một bậc thầy nào, mà người này chưa thật sự giải thoát. 

Nhờ vậy, chúng ta không hiểu sai, hành sai, chúng ta tu tập, hành trì xả tâm, xả bỏ được các kiết sử, lậu hoặc, phiền não tham, sân, si đến đâu là có được kết quả, giải thoát, bình an, hạnh phúc, Niết Bàn đến đó. Vì vậy khi xưa, những người nào có duyên lành gặp Đức Phật, được Ngài trực tiếp khai thị, giảng dạy, đều chứng đạo, giải thoát, chứng Pháp Nhãn Thanh Tịnh, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, chấm dứt sinh tử luân hồi ngay trong đời sống hiện tại. Trong kinh còn ghi lại, khi một vị Bà La Môn nào có duyên lành được Đức Phật khai thị, ngay đó chứng được Pháp Nhãn Thanh Tịnh, Vị đó thường cất lên lời tán thán, ca ngợi Đức Phật hết lời: “Vi diệu quá Bạch Thế Tôn! Vi diệu quá Bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che khuất, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Pháp thiết thực hiện tại (Diệt Đế, Niết Bàn) đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, khai sáng. Xin cho con được quy y, được xuất gia theo Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.


Thursday, July 2, 2020

Sư Tánh Trí - Giác Ngộ Chân Lý



Khi xưa một người đến với Đức Phật xin xuất gia, Ngài thường tìm hiểu, xem xét rất kỹ lưỡng, từ những nguyên nhân gì, từ động cơ gì, vì sao một người quyết định rời khỏi gia đình, từ biệt những người thân thương: cha, mẹ, anh, chị, em, bà con quyến thuộc, từ bỏ mọi công danh, sự nghiệp ở đời, xin xuất gia trở thành một người tu sĩ, khất sĩ không nhà, rày đây mai đó.

Có lẽ xưa và nay, thời nào cũng vậy, không khác, có rất nhiều nguyên do để khiến cho một người khởi lên ý muốn xuất gia. Có nhiều người xuất gia tâm rất chân chính, vì lý tưởng, vì yêu đạo, mến đạo, vì giác ngộ sự thật chân lý mà xuất gia nhưng cũng không ít những hạng người xuất gia từ những động cơ, động lực không chân chính. Cụ thể là đặc biệt thời nay, không nói ra thì mọi người chúng ta cũng đều thấy, biết số người xuất gia không chân chính, không có lý tưởng, không có đủ phẩm chất đạo đức, đạo hạnh, phạm hạnh trong các chùa chiền, tự viện… tương đối khá nhiều. Một phần do sự thiếu hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa, mục đích, cứu cánh của sự tu hành, một phần do sự quá dễ dãi của các vị Trụ Trì, thiếu trách nhiệm với đạo pháp, cho xuất gia một cách tùy tiện, dễ dàng, không cần tra hỏi, tìm hiểu động cơ, nguyên nhân vì sao người này xuất gia, hoặc vì tranh đua nhau, muốn hơn thua nhau về số lượng người xuất gia giữa chùa này với chùa kia, tịnh xá này với tịnh xá nọ, chùa được nổi tiếng vì có nhiều người xuất gia hơn, tranh hơn thua nhau chạy theo số lượng, dần dần đánh mất đi giá trị, phẩm chất đạo đức cao quý, đánh mất đi hình ảnh thiêng liêng, trang nghiêm, thanh tịnh của một người đệ tử Phật chân chính khi xưa, đi, đứng, nằm, ngồi với lục căn hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, đánh mất đi hoàn toàn ý nghĩa, mục đích, cứu cánh, cốt lõi của sự tu hành là giải thoát hết khổ, chấm dứt hoàn toàn đau khổ.

Khi xưa, một người tìm đến gặp Đức Phật xin xuất gia, Ngài thường đưa ra một số những câu hỏi để dò xét, tìm hiểu, nhằm hướng cho mọi người giác ngộ, có được nhận thức đúng đắn, tìm đến với đạo tu tập chỉ với một mục đích duy nhất là tầm cầu giải thoát hết khổ, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, hết tham, hết sân, hết si, có được cuộc sống hạnh phúc, an bình, an vui ngay trong từng phút giây hiện tại. Ngài tìm hiểu có phải vì người này mắc nợ, thiếu nợ ai đó không có tiền trả, trốn nợ, hoặc trốn thuế triều đình, sợ bị bắt, sợ đi tù mà đi xuất gia? Hoặc có phải vì buồn chuyện gia đình, giận cha mẹ, chồng vợ, con cái gì mà bỏ đi xuất gia? Hay vì bị ai đó ép buộc, dụ dỗ, đe dọa phải đi xuất gia? Có phải vì thất tình, bị tình phụ, buồn khổ quá mà bỏ đi xuất gia? Có phải vì thấy sống ở đời vất vả, cực khổ, nghèo đói, túng thiếu quá mà xin xuất gia? Có phải vì làm ăn thất bại, mất mát tài sản, buồn chán quá mà đi xuất gia? Có phải vì thấy người tu hành sướng quá, không phải làm gì cực khổ, lại được mọi người cung kính, lễ bái, trọng vọng, cúng dường mà xin xuất gia… 

Khi xưa Đức Phật đặt ra nhiều câu hỏi, đưa ra nhiều lý do để dò xét, xem vì nguyên nhân gì mà người này quyết định từ bỏ gia đình, để xin gia nhập vào hàng ngũ Tăng đoàn, trở thành một vị Sa môn khất sĩ, Ngài loại bỏ dần những tư tưởng, suy nghĩ tà niệm xuất gia bất chính, hướng mọi người đến sự giác ngộ chân lý. Vì nếu mục đích xuất gia vì những nguyên do ích kỷ, phiền não, tham muốn phàm tục, muốn nhàn hạ, muốn ăn trên ngồi trước, muốn làm thầy thiên hạ… thì chỉ uổng phí một đời tu hành, không có lợi ích gì cho bản thân, mà ngược lại còn ảnh hưởng xấu, tai tiếng, làm ô uế, nhơ nhớp đến cả một tập thể, đoàn thể Tăng đoàn, làm mất lòng tin của các tín đồ Phật tử chân chính, tự tạo thêm cho mình nghiệp chướng sâu dày về sau. 

Thông thường, sau khi được nghe Đức Phật hỏi về nguyên nhân ý định, ý muốn xuất gia, một người giác ngộ được sự thật chân lý trả lời: 


“Thưa Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hạnh phúc cho con! Thật là hạnh phúc cho con! Con không phải vì tất cả các nguyên do ích kỷ, tham muốn thường tình kể trên, mà từ bỏ gia đình, để xin theo Thế Tôn xuất gia, con vì giác ngộ được sự thật chân lý từ những lời giảng dạy của Thế Tôn. Qua những lời giảng dạy, soi sáng của Thế Tôn, tâm con được khai mở, con nhận thức, thấy ra được bốn sự thật Tứ Diệu Đế về khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường hướng đến diệt khổ. Giác ngộ, thấy ra được bốn sự thật này, tâm con rất vui mừng, hạnh phúc, vì bắt đầu từ hôm nay cho đến cuối đời, con đã định được hướng đi cho cuộc đời của mình, con sẽ nương theo ánh sáng, trí tuệ sự hướng dẫn, dạy bảo của Thế Tôn. Xin Thế Tôn cho phép con được gia nhập Tăng Đoàn, xin nhận con làm đệ tử Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.” 


Sau khi được nghe người này, nói lên về sự giác ngộ sự thật, chân lý của mình, Đức Phật lại hỏi tiếp: “Nhưng con theo Ta xuất gia tu hành rất cực khổ, vất vả, phải từ bỏ hết tất cả mọi thú vui dục lạc ở đời, ăn ngày chỉ một bữa, ba y một bát, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, sống cô đơn, cô tịch một mình, ngủ nghỉ thì ở trong rừng, dưới gốc cây, tàng cây, khe suối, hang đá, chịu sương, chịu nắng, nóng, lạnh, gió, rét, muỗi mòng, thức khuya, dậy sớm, phải chịu sự sai bảo, rầy la, quở phạt của các Bậc Trưởng Thượng, nếu có những lỗi lầm sai phạm. Phải thử thách sống biệt trú bốn tháng như vậy, con có kham nhẫn để vượt qua không?” 

Khi nghe Đức Phật đưa ra những thử thách khó khăn như vậy, người này không chút ngần ngại, mà hoan hỷ trả lời một cách xác quyết: 

“Bạch Đức Thế Tôn! Con kham nhẫn được tất cả, chẳng những sống biệt trú bốn tháng, dù cho Thế Tôn có đưa ra thử thách là bốn năm, con cũng xin hoan hỷ, tùy thuận, bằng lòng, sống đời sống phạm hạnh thanh tịnh, xin Thế Tôn nhận con làm đệ tử xuất gia, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.” 


Khi được nghe người này trả lời với lòng đầy nhiệt quyết như vậy, Đức Phật mới nhận lời cho người này xuất gia, trở thành một vị Sa môn, khất sĩ chân chính. Khi được xuất gia, gia nhập Tăng Đoàn một thời gian, người này nỗ lực, siêng năng, tinh tấn tu tập, hành trì đúng pháp, xả được tâm, trừ diệt sạch được hết các kiết sử, lậu hoặc, triền cái, không bao lâu cũng trở thành một Bậc Thánh Tăng A La Hán. 

Cho nên, khi xưa một người đến với Đức Phật tu hành, điều kiện tiên yếu là phải giác ngộ thì Ngài mới nhận cho xuất gia, vì tu là phải giác ngộ, có giác ngộ hiểu biết thế nào là khổ, khổ bao gồm những gì? Nguyên nhân của khổ là gì? Thế nào là trạng thái diệt khổ và con đường hướng đến diệt khổ? Chúng ta có hiểu biết rõ, thông suốt được về khổ và nguyên nhân của khổ thì mới nhận diện được khổ, mới đủ sức kham nhẫn vượt qua mọi chướng ngại, mới trừ diệt được các kiết sử, lậu hoặc phiền não, mới thành tựu được đạo quả giải thoát, hết khổ, chấm dứt được hoàn toàn đau khổ.

Đa phần, mọi người ngày nay ít nhiều gì cũng nhận thức, thấy ra bản chất cuộc đời này là vui ít, khổ nhiều. Tìm đến với đạo, bản thân mỗi người đều muốn giải thoát, hết khổ, nên rất ham tu, khuyên dạy lẫn nhau, phải ráng tu, nghe nói ở đâu có Quý Thầy, Quý Sư đứng ra tổ chức, giảng dạy, thực hành theo một pháp môn nào đó nhanh, sớm có kết quả, mau hết khổ, có cuộc sống an vui hạnh phúc liền là vui mừng, ham hở, không có nệ khó nhọc, đường xá xa xôi, thậm chí ra tận nước ngoài để đăng ký, ghi danh, tu tập hoặc gián tiếp tìm hiểu, đọc, xem qua các nguồn tư liệu trên mạng internet hay kinh điển, sách báo được in ấn, đăng tải trên các tạp chí, trưng bày, bán ở các chùa chiền, tự viện… như chúng ta đã từng được nghe, thấy như: lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, ngồi thiền, bố thí, làm phước, cúng dường, từ thiện, phóng sanh… 

Nếu một người chịu khó, siêng năng tu tập, công phu đều đặn là sẽ có được mọi điều như ý nguyện, thành công, phát đạt, mua may bán đắt, mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, đời sau sinh ra là được hưởng mọi điều sung sướng, an vui hạnh phúc, giàu sang phú quý, sau khi chết sẽ được về với Phật… hứa hẹn đủ điều. Mục đích, cứu cánh thật sự của người tu, kết quả hướng đến có được, đạt được là gì? Tâm thanh tịnh, bất động không còn phiền não, hết tham, hết sân, hết si, giải thoát, không còn đau khổ. 

Nhưng câu hỏi được đặt ra, nguyên do, vì sao mặc dù có siêng năng tinh tấn, công phu, hành trì tu tập đều đặn mỗi ngày, nhưng khi đối diện, giáp mặt với đời sống thường nhật, đứng trước mọi vấn đề nan giải phức tạp, khó khăn, cần được giải quyết, thì đau khổ vẫn hoàn đau khổ, tham, sân, si, phiền não cố tật vẫn còn nguyên: bất an, căng thẳng, mệt mỏi, bức xúc, buồn phiền, sân giận, lo lắng, ưu tư, sợ hãi vẫn còn nguyên. Vì sao như vậy? Có bao giờ chúng ta tự hỏi, những gì mình đang thực hành tu tập có đúng với Chánh Pháp, đúng với những lời dạy của Đức Phật khi xưa không? Câu trả lời rõ ràng là không đúng, vì tất cả những gì chúng ta đang hành trì, tu tập mỗi ngày, chỉ giải quyết phần cành nhánh, lá ngọn, chỉ để xoa dịu, an ủi đau khổ trên bề mặt tâm thức, chưa đi vào thực chất, nội dung, cội rễ nguồn gốc của khổ và nguyên nhân của khổ. 

Chúng ta đa phần là những con người hiền lành, có thiện tâm, thiện chí, hướng thượng, hướng thiện, thích tu, ham tu nhưng nguyên do, vì chúng ta quá vội vàng, nôn nóng, quá dễ dãi, quá cả tin, không tìm hiểu sự thật, chân lý nguồn cội của khổ và nguyên nhân của khổ một cách nghiêm túc, cẩn thận, kỹ lưỡng, thấu đáo. Chúng ta tu muốn hết khổ, mà không hiểu biết thế nào là khổ, thế nào là nguyên nhân của khổ, thì làm sao trừ diệt được khổ. Có thấy khổ và nguyên nhân của khổ từ đâu sinh khởi, bắt nguồn từ đâu, thì mới trừ diệt được khổ, mới từ bỏ, mới đoạn tận được cội rể của khổ. 

Đạo Phật là đạo Giác Ngộ, đạo Trí Tuệ. Vì vậy, bước vào sự nghiệp tu hành, việc đầu tiên đến với đạo là chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa, mục đích và cứu cánh của sự tu hành trong đạo Phật là gì? Và nếu sự tìm hiểu, học hỏi của chúng ta kỹ lưỡng, thận trọng, thấu đáo càng nhiều bao nhiêu, thì cuộc đời tu hành của chúng ta sẽ đỡ cực khổ, vất vả, đỡ tốn công, tốn của, mất thời gian, hao tâm tổn trí càng nhiều bấy nhiêu. Chúng ta tu không có khó khăn, không có mệt nhọc, không còn sợ bị lầm đường, lạc lối, tu đến đâu là có được kết quả thiết thực hiện tại, hết khổ, giải thoát, bình an, hạnh phúc, Niết Bàn đến đó.

Đọc lại lịch sử khi xưa, một đạo Phật Nguyên Thủy, tinh nguyên được hình thành tại đất nước Ấn Độ, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bậc Đạo Sư đã đem lại sự lợi ích thiết thực vô cùng to lớn, giải quyết được tận nguồn cội của đau khổ, giúp cho con người thời đó có được cuộc sống hạnh phúc, bình an, bất tử Niết Bàn ngay trong đời sống hiện tại. 

Nhưng kể từ khi Đức Phật nhập diệt và các vị Thánh Tăng A La Hán dần dần vắng bóng, thì Chánh Pháp, Pháp thiết thực hiện tại, Diệt Đế, Niết Bàn không có không gian, thời gian, có quả tức thời, giải quyết được tận nguồn gốc của đau khổ cũng theo đó mà bị mai một, vùi lấp. Do không còn được người giác ngộ, chứng đạo thật sự đi trước, soi đường dẫn lối, khiến cho người đời, nhiều thế hệ về sau, mờ mịt lại càng thêm mờ mịt, vô minh chồng chất vô minh. Tuy có tấm lòng mộ đạo chân chính, nhưng do thiếu trí tuệ, không thấy được sự thật, hiểu chân lý một cách sai lệch, phát minh ra nhiều đường lối, nhiều pháp môn chia chẻ manh mún, chỉ tu trên cành nhánh, lá ngọn, không đi đúng theo lời dạy của Đức Phật năm xưa, tu hành phải có căn bản, trình tự, thứ lớp, phải bao gồm Giới, Định, Tuệ đầy đủ. 

Như Đức Phật đã từng xác quyết, giảng dạy, nhắc nhở nhiều lần trong kinh điển: “Sở dĩ Ta và các ông bị trôi lăn trong biển khổ sinh tử, là vì sống không đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ. Do sống không đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, Ta và các ông phải bị trôi lăn trong biển khổ sinh tử. Và nay, do nhờ sống đúng Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, Ta và các ông được giải thoát, chấm dứt hoàn toàn đau khổ.” 

Cho nên hết thế hệ này, đến thế hệ kia, nối tiếp nhau tu hành cực khổ, vất vả, nhiều tháng, nhiều năm, mà cứ vẫn giậm chân tại chỗ, không đem đến kết quả giải thoát, đau khổ vẫn hoàn đau khổ, tham, sân, si vẫn cứ con nguyên. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu, đối chiếu, phân tích, tìm ra sự thật vì sao như vậy. Tu theo Đức Phật Thích Ca thời nguyên thủy là gì? Sự thật tu như thế nào là tu đúng, tu như thế nào là tu sai? Tu như thế nào mới thật sự gọi là tu ? Tu như thế nào mới thật sự hết khổ, giải thoát, chấm dứt hoàn toàn đau khổ? 

Chúng ta hãy cùng nhau đọc qua phẩm kinh “Tâm Đặt Sai Hướng” trong Kinh Tăng Chi: 

“Ví như, này các Tỷ Kheo, sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch bị đặt sai hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì sợi râu bị đặt sai hướng. Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, vị Tỷ Kheo, với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết Bàn, sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì tâm bị đặt sai hướng. Ví như, này các Tỷ Kheo, sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ Kheo, Vị Tỷ Kheo, với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết Bàn, sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ Kheo, vì tâm được đặt đúng hướng”. 


Tu là giác ngộ. Giác ngộ ra sự thật, chân lý, giác ngộ ra con đường hai ngả, thiện ác, tội phước. Thiện, lợi mình, lợi người thì dẫn đến bình an, hạnh phúc; Ác, làm khổ mình, khổ người thì đưa đến đau khổ, trầm luân. Có giác ngộ, nhận thức đúng ra được sự thật chân lý, thì chúng ta mới biết điều chỉnh từng suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình sống trên điều lành, điều thiện. 

Vì vậy, khi xưa, những ai có duyên lành đến với Đức Phật, Ngài thường hướng dẫn, chỉ dạy cho mọi người tu tập, hành trì rất căn bản, kỹ lưỡng từ thấp lên cao, phù hợp đúng với từng đặc tính, đặc tướng của mỗi người. Giống như biển cả thuận hướng từ trong bờ cạn, đi ra xa thì sâu dần, sâu dần. Ngài nói Pháp của Ngài dạy cũng vậy, là tu từ từ, xả từ từ và chứng từ từ, nghĩa là không có sự chứng đạo đột ngột và sự tu hành phải trải qua ba giai đoạn: học pháp, hành pháp và chứng pháp. 

Thông thường thời Đức Phật vị tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia học pháp, là người này trực tiếp đến thưa hỏi, lắng nghe những lời giảng dạy của Đức Phật, hoặc gián tiếp từ các vị Thánh Tăng A La Hán, khi đã hiểu, thông suốt thì bước tiếp theo mới hành pháp. Nếu chưa hiểu, chưa thông suốt mà đã vội vàng, nôn nóng hành trì tu tập thì sự tu hành của chúng ta sẽ không có kết quả, bị ức chế, giậm chân tại chỗ. 

Cho nên, từ "hành pháp" (dụng công tu tập) ở đây không nhất thiết buộc, ép cái thân này phải cực khổ thức khuya, dậy sớm, tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền nhiều giờ như hiện nay ở khắp mọi nơi, các chùa chiền hay tự viện mọi người đang tu tập, mà là giác ngộ trên cái trí, giác ngộ thấy ra được sự thật khổ và nguyên nhân của khổ. Từ đó các Vị tự nguyện, tự giác sống đời sống đời phạm hạnh, hộ trì Thánh Giới Uẩn, Thánh Hộ Trì Các Căn, Thánh Chánh Niệm Tỉnh Giác, Thánh Thiểu Dục Tri Túc để diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly bất thiện pháp. 

Hành Pháp là xả tâm, ngăn và trừ diệt, xả bỏ các tâm bất thiện triền cái, kiết sử xấu ác, tham, sân, si nơi tâm thức của mình. Xả được tâm, xả được kiết sử, lậu hoặc, phiền não dẫn đến hại mình, hại người đến đâu là có sự bình an, hạnh phúc, Diệt Đế, Niết Bàn đến đó. Xả được tâm hoàn toàn, thì được giải thoát hoàn toàn ngay trong hiện kiếp. 

Vì vậy, khi xưa Đức Phật dạy một người tu đúng đường, đặt đúng hướng thì người này phải trải qua quá trình học pháp và hành pháp như sau:


1. Thân cận Bậc Thiện Hữu Tri Thức

2. Học, hiểu, thông suốt về bốn sự thật chân lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo cùng các Pháp Hành trợ đạo như Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực… thấy ra được bản chất như thật của đời sống, biết tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, khổ, vô ngã, là pháp sinh diệt, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan, không có cái gì là ta, là của ta, là tự ngã của ta, các dục thế gian vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn… Khi sự học, hiểu, thâm nhập Pháp càng thông suốt, càng sâu sắc đến đâu, thì, lòng tham muốn, tham ái, tham dục, chấp thủ, chấp ngã, tà kiến, tham, sân, si của chúng ta cũng theo đó mà muội lược, giảm thiểu, mỏng nhạt dần đến đó. Nhờ siêng năng học hỏi, trau dồi, tu tập đúng Chánh Pháp mà chúng ta có đầy đủ lòng tin, nội lực, sức mạnh (Tín Căn, Tín Lực, Tấn Lực) để trong đời sống khi gặp trở ngại, chướng duyên, gặp người xấu, người ác, chúng ta biết cách ứng xử, kịp thời hóa giải tức thời mọi đau khổ, phiền não khi chúng xuất hiện nơi tâm thức của mình.

3. Giác ngộ được Pháp thiết thực hiện tại, Diệt Đế, Niết Bàn nơi chấm dứt hoàn toàn đau khổ là không có không gian, thời gian, có quả tức thời, chỉ người trí tự mình giác hiểu. Trạng thái Diệt Đế, Niết Bàn vĩnh hằng an vui, hạnh phúc không nằm ở một cõi giới xa xăm, huyền nhiệm nào, mà ở ngay trong tâm thức của chính mình trong từng sát na hiện tại.

4. Có đời sống phạm hạnh thanh tịnh, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ có tiết độ, có giờ giấc, ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt, phi thời. Trường hợp đối với người bệnh, người sức khỏe, thể tạng yếu, suy nhược, chúng ta có thể ăn nhẹ, uống thêm sữa hoặc bột ngũ cốc vào buổi chiều.

5. Hộ trì gánh nặng thiện pháp. Hộ trì, giữ gìn ba nơi thân, khẩu, ý từng suy nghĩ, lời nói, hành vi luôn sống trên điều lành điều thiện, chánh thiện. Sống không làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh. Ngăn ngừa các điều ác, từ bỏ các điều ác, đoạn tận các điều ác.

6. Không nhìn lỗi người, chỉ chuyên tâm nhìn lỗi mình để tu sửa. Từ bỏ, không tranh luận hơn thua, thiệt hơn, phải trái, đúng sai, không khen mình, chê người, không chỉ trích, nói xấu, phê bình, phê phán bất kỳ ai.

7. Có Lòng Từ, Lòng Bi, Lòng Hỷ, Lòng Xả, biết thông cảm, thương yêu, bao dung, tha thứ, hỷ xả đến muôn vạn loài chúng sinh.

8. Không chấp thủ hai đời, thân hiện tại đời này và thân tương lai đời sau. Đức Phật dạy người giác ngộ, có Chánh Kiến là người không chấp thủ hai đời, không có buồn khổ, bất an, lo lắng, sợ hãi khi thân này có rủi ro tai nạn, bệnh hoạn đau ốm hay mong muốn, ước muốn cho thân đời sau được mọi điều tốt đẹp, được an lành hơn, hạnh phúc hơn. Sống tỉnh thức, sáng suốt, hoan hỷ, tùy thuận, bằng lòng, an vui với cuộc sống hiện tại.

9. Quán chiếu cái thân ngũ uẩn này với Chánh Trí Tuệ, từ xa đến gần, từ trong ra ngoài, từ thô đến tế, từ tốt đến xấu… không thấy có cái gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Không thấy có gì là mình, là của mình, mình không là gì cả.

10. Tu tập hướng đến phá trừ năm triền cái là tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi.

11. Tu tập hướng đến trừ diệt mười kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử và vô minh.

Sau khi đã tìm hiểu sơ lược, thông qua quá trình tu tập, học pháp và hành pháp hướng đến sự giải thoát không còn đau khổ của Chánh Pháp Nguyên Thủy khi xưa thời Đức Phật. Để biết được mình hoặc huynh đệ, đồng đạo, bè bạn, những người thân xung quanh mình đang tu tập theo một Tông Phái hay một pháp môn nào có tu đúng theo những gì Đức Phật dạy trong kinh điển khi xưa không? Mỗi người chúng ta phải luôn tự phản tỉnh, quan sát, nhìn lại chính mình xem những tâm niệm, những suy nghĩ, lời nói, hành vi bất thiện, xấu ác nơi bản thân mình có giảm thiểu nhiều không, có thật sự hết chưa? Và các tâm thiện, điều lành nơi mình có sinh trưởng, tăng trưởng lên không? Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả có tăng trưởng hơn, có quảng đại hơn không? Tu hành giải thoát là phải lấy phạm hạnh đạo đức làm nền tảng. Một người tu đúng thì đạo hạnh, đạo đức bên trong phải được tu dưỡng, hàm dưỡng, tăng trưởng, lớn dần lên theo thời gian, qua sự hành trì tu tập, cũng như hạ lạp, tuổi đời, tuổi đạo của người đó. Đạo đức, đạo hạnh, điều thiện điều lành bên trong phải được thể hiện ra bên ngoài qua từng lời nói, hành vi, cử chỉ, từng ánh mắt, nụ cười trên gương mặt của người đó luôn toát ra một vẻ hiền lành, thân thiện, vui tươi, từ ái, khiêm cung, chân thật, thông cảm, bao dung, tha thứ, hỷ, xả hoàn toàn. 

Đạo Phật là đạo của sự thật, đạo Giác Ngộ, đạo Trí Tuệ. Sự thật là sự thật, không có một ai trên đời này có thể tạo ra được sự thật. Khi xưa Đức Phật tuyên bố, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Những gì Ta chứng tri, chứng ngộ, Ta đem ra thuyết giảng, trình bày, nói lên sự thật, Ta không có phản lại lời hứa đối với đời, không có nói láo trong Ta. Pháp, những gì Ta giảng dạy, sự bình an, hạnh phúc, Diệt Đế, Niết Bàn, là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có quả tức thời, chỉ người trí tự mình giác hiểu. 

Khi một người giác ngộ, thông suốt Tứ Diệu Đế, có Chánh Kiến thấy ra được sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ là người này không còn chấp thủ hai đời, thân hiện tại và thân tương lai, thân kiến bỏ sang môt bên, từ đây người này không còn có khái niệm sợ khổ, buồn phiền, lo lắng, than vãn về khổ hay ham thích, vui thích hưởng thụ dục lạc ở đời, không còn sợ lầm đường, lạc lối. Tu đúng theo lời dạy của Đức Phật khi xưa là nhất hướng Niết Bàn. (Nhất hướng, yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn). 

Chúng ta luôn biết hướng tâm mình, an trú tâm mình trên điều thiện, niệm thiện, từ bỏ các điều ác, đoạn tận các điều ác, sống không làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh, sống với mọi người xung quanh mình bằng Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả. Chúng ta sống đạo đức, vui vẻ, hoan hỷ, bằng lòng trước tất cả mọi hoàn cảnh nhân quả khó khổ đến với mình, xả được tâm, xả được kiết sử, lậu hoặc, phiền não, dục, ác pháp, bất thiện pháp đến đâu là có được hạnh phúc bình an, Niết Bàn đến đó. Xả được tâm, đoạn tận được các kiết sử, phiền não tham, sân, si hoàn toàn, thì chúng ta chứng đạt chân lý Diệt Đế, Niết Bàn ngay trong hiện kiếp.


(Thích Tánh Trí, Lời Phật Dạy, Nxb. Hồng Đức, 2020)

Link download 3 quyển sách của Sư Tánh Trí



Monday, June 29, 2020

Lời Phật Dạy - Sư Tánh Trí - Lời Tựa




LỜI TỰA
Các huynh đệ thân mến! Kể từ khi hai tập sách Làm Bạn Với Thiện Là Giải Thoát Tu Là Gì ra đời đến nay, được sự tiếp nhận, đồng tình và hoan hỷ của rất nhiều các bạn ở khắp mọi nơi trong bổn đạo, các huynh đệ khi đọc, hiểu, giác ngộ thấy ra được sự thật, chân lý, biết được sự thật tu là gì? Tu như thế nào mới gọi là tu? Tu như thế nào là tu đúng? Tu như thế nào là tu sai? Tại sao có người tu hoài, thậm chí tu cả đời, bỏ ra ba, bốn chục năm tu hành cực khổ, vất vả mà không có được kết quả gì, tham, sân, si, cố tật vẫn còn nguyên. Từ khi đón nhận được hai tập sách, sống và thực hành theo lời dạy của Đức Phật, được ghi chép lại trong hai tập sách này, thực hành đến đâu, là thấy có được kết quả, lợi ích thiết thực, giải thoát, an vui, hạnh phúc ngay trong đời sống đến đó. Có nhiều huynh đệ đã bật khóc vì quá vui mừng, đã bày tỏ cảm xúc và niềm hoan hỷ, nhắn tin hoặc gọi điện cho chúng tôi để nói lên lời cám ơn, lòng biết ơn chân thành, từ khi các bạn đọc, hiểu, nhận thức thấy ra được những sai phạm, lầm lỗi trong đường hướng tu hành của mình, biết điều chỉnh, sửa chữa, từ bỏ dần những điều xấu ác trong tâm, tự làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh theo những lời hướng dẫn, dạy bảo trong hai tập sách thì thấy cuộc sống của mình và các huynh đệ đồng đạo, anh em, vợ chồng, con cái trong gia đình có nhiều niềm vui hơn, hạnh phúc hơn, bình an hơn. Chúng tôi rất lấy làm hoan hỷ, đó là mong ước của chúng tôi khi ngồi biên soạn, ghi chép ra hai tập sách này. 
Xin chúc mừng các bạn, xin ghi nhận tình cảm, tấm chân tình của các bạn, các huynh đệ đã đón nhận tập sách, tin tưởng và thực hành theo, tấm lòng và ân tình đó của các bạn, chúng tôi xin dâng lên cúng dường Đức Phật và Thầy Tổ của chúng tôi, các Ngài đã tự thân tu tập, hành trì, chứng đạt được sự thật, chân lý. Các Ngài đã tuyên thuyết, trình bày, giảng dạy, nói lên sự thật và để lại cho chúng ta tài sản vô giá này. 
Bản thân chúng tôi cũng giống như các bạn, là người may mắn có được chút phước duyên, giác ngộ nhận được Chánh Pháp từ những lời dạy của các Ngài, để bày tỏ lòng biết ơn các Ngài, chúng tôi cố gắng hết sức, với tất cả sức lực, trí tuệ nhỏ bé, ít ỏi, khiêm tốn của mình đóng góp một chút ít công sức, bỏ ra một ít thời gian để ngồi kết tập, hệ thống, ghi chép, biên soạn lại những lời giảng dạy của các Ngài chuyển đến các bạn, những ai chưa có duyên lành giác ngộ được Chánh Pháp, không có gì là của chúng tôi cả.
     Thời gian gần đây, có vài huynh đệ gọi điện đến thăm hỏi chúng tôi và bày tỏ ước nguyện, vì lợi ích của đa số mọi người còn chưa giác ngộ được Chánh Pháp, hiểu sai, tu sai, hành sai, chưa phân biệt được đâu là Chánh Pháp của Đức Phật, đâu là những gì của người sau phát minh, biên soạn, ghi chép, giảng dạy ra sau này. Mong muốn chúng tôi nếu có thể, vì lòng từ bi, hoan hỷ, xin tiếp tục biên soạn ra thêm vài tập sách nữa để minh chứng rõ thêm, làm sáng tỏ thêm hơn về sự khác biệt, sự sai biệt giữa Chánh Pháp của Đức Phật và những gì không phải là Chánh Pháp, mà tự cho là Chánh Pháp, để ngỏ hầu giúp cho mọi người, những thế hệ về sau sớm giác ngộ được sự thật chân lý, nhờ đó trí tuệ được khai mở hơn, tu hành có được kết quả, lợi ích, cuộc sống có được nhiều niềm vui hơn, sống bình an hơn, hạnh phúc hơn.
     Chúng tôi thiết nghĩ, với hai tập sách đó cũng là tạm đủ, để các bạn nhận thức rõ, đâu là Chánh Pháp của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Nhưng để đáp ứng nguyện vọng, tấm chân tình tha thiết của các bạn, những người đệ tử Phật chân chính, được sự cho phép và khuyến tấn của Thầy Tổ, cùng sự hoan hỷ, đồng tình hỗ trợ của các huynh đệ đồng phạm hạnh, chúng tôi nhận lời và đây cũng là nguyên do chúng tôi chọn đề tựa cho tập sách lấy tên là LỜI PHẬT DẠY
     Trong tập sách này chúng tôi sẽ cố gắng biên chép lại thật đầy đủ những điều cốt lõi, tinh nguyên từ những lời dạy của Đức Phật bao gồm Tứ Diệu Đê, Bát Chánh Đạo và các Pháp Hành trợ đạo để các bạn và các huynh đệ thuận tiện trong việc nghiên cứu và ứng dụng thực hành tu tập, đồng thời phân biệt rõ, thế nào là Chánh Pháp Nguyên Thủy khi xưa, từ kim khẩu của Đức Phật nói ra và đồng thời nhận ra những gì không phải là Chánh Pháp, mà do những người sau đã chế tác, biên soạn, ghi chép lồng vào trong giáo lý đạo Phật.
     Chánh Pháp Nguyên Thủy khi xưa của Đức Phật ra đời tại đất nước Ấn Độ, sau đó được truyền bá, phát triển lần hồi sang nhiều đất nước khác cho đến ngày nay dường như đã bị mai một, mất gốc hoàn toàn. Một phần do tập tính, phong tục, tập quán, lối sống, cách sinh hoạt, ăn ở của mỗi miền đất nước khác nhau trên thế giới, từ đó các vị tu hành sau này nối tiếp nhau, tùy theo trí tuệ, sức lực, kinh nghiệm, sự tu hành chứng đạo, chứng đắc của mình, với ước muốn, ước nguyện phát triển, phổ biến truyền bá giáo pháp của Đức Phật được rộng khắp đến hầu hết tất cả mọi tầng lớp chúng sinh, nên đã linh động, uyển chuyển tùy duyên phát minh, sáng tạo, chế tác, thành lập ra thêm rất nhiều các Tông Phái, Hệ Phái, nhiều pháp môn để tùy thời, tùy duyên dễ dàng hóa độ quần chúng, không ngờ dần dần đánh mất đi nguồn cội, cốt lõi, cứu cánh, mục đích sự giải thoát thật sự ban đầu của Chánh Pháp Nguyên Thủy, tinh nguyên thời Đức Phật. 
       Hiện trạng bây giờ ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới, các Vị Giảng Sư, Giáo Thọ Sư khi đứng ra đại diện cho các Hệ Phái, Tông Phái của mình tuyên giảng Phật Pháp, Vị nào cũng cố gắng giảng thuyết, tuyên thuyết chứng minh, đưa ra những lập luận, lý luận, đều tự cho rằng mình đang giảng thuyết, nói đúng về Chánh Pháp của Phật. Có lẽ mọi người chúng ta ai cũng biết sự thật, chân lý ở đời chỉ có một. Và như Đức Phật đã xác quyết chỉ có một con đường duy nhất đến được chân lý, đó là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh đường duy nhất đến bình an bất tử. Nghĩa là ngoài Bát Chánh Đạo là tuyệt đối không có con đường thứ hai nào khác tu tập, hành trì đưa đến giải thoát. Tất cả mọi con đường tu tập, hành trì không đúng Bát Chánh Đạo, đều không thể nào đưa đến chứng ngộ, chứng đạt được chân lý bất tử Niết Bàn. Ở đâu có Bát Chánh Đạo, ở đó mới có bốn quả vị Thánh, ngoài Bát Chánh Đạo là tuyệt đối không có một con đường nào khác tu tập, hành trì chứng đạt được bốn quả vị Thánh. 
       Tu tập đúng Chánh Pháp của Phật khi xưa, là phải sống phạm hạnh thanh tịnh, hướng đến diệt ngã xả tâm, ly dục, ly bất thiện pháp, phá trừ năm triền cái, trừ diệt mười kiết sử, chứng đạt lần lượt bốn quả vị Thánh, có được hạnh phúc, bình an trong từng phút giây hiện tại, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, chấm dứt tái sanh, sinh tử luân hồi ngay trong hiện kiếp.
      Điều đó có nghĩa là tất cả những kinh sách phát triển, những phương pháp phát minh sau này, được đem ra rao giảng, thuyết giảng đặt sai hướng, đi sai đường, khi thực hành tu tập bị giậm chân tại chỗ, không đem đến kết quả giải thoát, hạnh phúc, bình an chấm dứt hoàn toàn đau khổ, chấm dứt tái sanh sinh tử luân hồi ngay trong đời sống hiện tại, đều có thể kết luận là Tà Pháp, (Bát Tà Đạo). 
       Chữ Tà Pháp ở đây không có nghĩa là đối ngược lại hoàn toàn với hai chữ Chánh Pháp, mà là khi ứng dụng tu hành theo đường lối, phương pháp hướng dẫn nào đó cả đời vẫn không có kết quả giải thoát, tham, sân, si, kiết sử, triền cái, lậu hoặc vẫn còn nguyên, vẫn cứ tiếp tục chịu tái sinh, chịu trôi lăn trong ba cõi, sáu đường, vẫn còn ở trong nhà lửa địa ngục, đều gọi là Bát Tà Đạo. 
       Chánh Pháp những gì được Đức Phật giảng dạy, khai thị, trình bày, phân tích, hiển lộ khi xưa chỉ bao gồm Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và các Pháp Hành trợ đạo. Suốt 45 năm trường vất vả, cực khổ vì Lòng Từ mẫn thuyết pháp, hóa độ chúng sinh, khi chuẩn bị nhập Niết Bàn, Đức Phật cho vân tập, dặn dò, di chúc lại cho các Thánh Chúng đệ tử của Ngài: 
Này các Tỷ Kheo! Trong suốt 45 năm trường thuyết pháp độ sinh Ta chỉ nói đúng hai điều: Khổ và sự Diệt khổ. Biển chỉ có một vị mặn và giáo pháp những gì ta giảng dạy cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát. Pháp của Ta dạy, Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có quả tức thời, chỉ Người Trí tự mình giác hiểu. Sau khi Ta diệt độ, nếu sau này có những kinh sách nào do người sau biên soạn, ghi chép, trình bày, giảng dạy không đúng Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và các Pháp Hành trợ đạo, khi thực hành tu tập, không đem đến kết quả bình an, hạnh phúc, giải thoát Niết Bàn trong từng phút giây hiện tại, đều phải biết rằng, những kinh sách này không phải là những gì Ta giảng, Ta thuyết.”
     Với Trí Tuệ vô biên và Lòng Từ Bi vô hạn, Đức Phật đã tiên đoán trước, sau này sẽ có ngoại đạo biên soạn, ghi chép kinh sách, lồng vào trong giáo pháp của Ngài. Cho nên, trước khi nhập diệt, Ngài đã để lại những lời dạy cuối cùng, những lời giáo huấn, dặn dò, di chúc lại rất cẩn thận, kỹ lưỡng để gởi gấm lại cho các thế hệ về sau, những bậc tu hành nghiêm túc, chân chính muốn đi tìm con đường giải thoát, chấm dứt hoàn toàn đau khổ sau này, khi nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, đọc, xem kinh sách, không bị nhầm lẩn, biết rõ được đâu là Chánh Pháp, đâu mới thật sự là những lời dạy của Ngài, đâu là của những người sau phát minh, biên soạn, ghi chép ra, đưa vào, lồng vào trong kinh sách, gán ghép, mạo nhận, cho rằng của Ngài dạy, Ngài thuyết. Đó là nguyên do tôi lấy đề tựa tập sách là Lời Phật Dạy. 
        Vì vậy trong tập sách này chúng tôi sẽ cố gắng biên soạn, ghi chép lại toàn bộ Chánh Pháp thời Nguyên Thủy từ kim khẩu của Đức Phật bao gồm từ Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, cho đến các Pháp Hành trợ đạo khi xưa một cách đầy đủ để các bạn, các huynh đệ tiện tham khảo, nghiên cứu, tìm hiểu, tu tập, thực hành được thuận lợi hơn, dễ dàng hơn. 
         Do đó sẽ có những phần được biên soạn, ghi chép trong các tập sách trước đây, sẽ được biên soạn lại trong tập sách này, mong các bạn thông cảm. 
         Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng, nếu đúng là Chánh Pháp từ những lời dạy của Đức Phật thì những gì chúng ta được đọc lại, được nghe lại nhiều lần, thì chúng ta càng hiểu rõ hơn, thông suốt hơn, nhớ kỹ hơn, tri kiến của chúng ta càng sáng, trí tuệ càng thông suốt thì việc tu tập, hành trì, diệt ngã xả tâm của chúng ta càng tốt hơn, càng có được kết quả lợi ích nhiều hơn. Trong kinh khi xưa Đức Phật cũng thường khuyên dạy, tán thán, khen ngợi các Bậc Đa Văn Thánh đệ tử nghe nhiều, tích tập những điều đã nghe. Vì nhờ có nghe nhiều, đọc nhiều, ghi nhớ, suy tư, chiêm nghiệm, nghiền ngẩm nhiều, thì khi gặp hoàn cảnh nhân quả xấu, ác pháp đến, chúng ta mới có đủ hành trang, tư lương để ngăn và diệt, hóa giải được tức thời tất cả mọi đau khổ, phiền não khi chúng xuất hiện nơi tâm thức của mình.
(Thích Tánh Trí, Lời Phật Dạy, Nxb. Hồng Đức, 2020)

Link download 3 quyển sách của Sư Tánh Trí

Sách nói: LỜI PHẬT DẠY - biên soạn: Thích Tánh Trí

Sách nói LỜI PHẬT DẠY do Đại đức Thích Tánh Trí biên soạn, qua hai giọng đọc phật tử Chúc Sen và Thiện Nghĩa. Ước nguyện LỜI PHẬT DẠY...